VPBank vừa công bố văn bản lấy ý kiến cổ đông về việc chào bán cổ phần chiến lược cho nhà đầu tư nước ngoài và thoái vốn, chuyển nhượng một phần vốn của các công ty con là VPBFC và VPBS cũng như tìm cổ đông chiến lược cho Ngân hàng mẹ.
VPBFC được hình thành sau khi VPBank mua lại Công ty TNHH MTV Tài chính Than - Khoáng sản Việt Nam (CMF) và chính thức chuyển toàn bộ hoạt động tín dụng tiêu dùng sang.
Cụ thể, VPBFC sẽ tìm kiếm, lựa chọn đối tác chiến lược nước ngoài phù hợp để chuyển nhượng một phần vốn điều lệ trở thành CTTC liên doanh. VPBank dự kiến chuyển nhượng tối đa 49% vốn VPBFC và tìm kiếm thêm một nhà đầu tư là doanh nghiệp trong nước góp vốn tối thiểu 1% (theo quy định về loại hình hoạt động liên doanh).
Đồng thời, VPBank bán đến 89% vốn VPBS. Giá chuyển nhượng dự kiến không thấp hơn mệnh giá. Thời gian thực hiện dự kiến trong quý IV/2015 - quý I/2016.
Ngoài ra, nhà băng này cũng đang nỗ lực tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài để bán cổ phần Ngân hàng mẹ sau khi cổ đông chiến lược nước ngoài - Ngân hàng OCBC (Overseas Chinese Banking Corporation Limited - Singapore) rút vốn từ cuối năm 2013. Hai năm gần đây, VPBank đã tiếp xúc với nhiều nhà đầu tư nước ngoài có nhu cầu mua cổ phần.
Tỷ lệ chào bán cổ phần của VPBank cho nhà đầu tư nước ngoài theo quy định là 30% vốn, tương đương 20% vốn sau khi Ngân hàng tăng vốn. Thời gian thực hiện vào quý IV/2015 và 2016 tùy thuộc vào việc xin chấp thuận của các cơ quan quản lý cũng như việc đàm phán với các đối tác.
Theo VPBank, cứ mỗi 100 tỷ đồng đầu tư vào công ty con được thoái ra, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của Ngân hàng sẽ tăng thêm 0,1; cứ mỗi 100 tỷ đồng tăng thêm trong vốn điều lệ hoặc 100 tỷ đồng thặng dư vốn cổ phần, CAR cũng sẽ tăng tương ứng lên khoảng 0,1. Vì thế, Ngân hàng luôn đặt kế hoạch ưu tiên tăng vốn điều lệ và thặng dư vốn (phát hành cho cổ đông hiện hữu hoặc riêng lẻ trong nước, nước ngoài), tăng trưởng nguồn vốn cấp hai (phát hành trái phiếu dài hạn) và cân nhắc phương án thoái vốn đầu tư khỏi tổ chức tín dụng khác, công ty con, công ty liên kết... Mới đây, VPBank đã phát hành thành công hơn 73 triệu cổ phiếu riêng lẻ để tăng vốn. Hiện vốn điều lệ của VPBank là 8.057 tỷ đồng.
Trước đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã chấp thuận cho HDBank chuyển nhượng 49% vốn điều lệ của CTTC trực thuộc HDFinance cho Tập đoàn Credit Saison (Nhật Bản). Sau khi hợp đồng mua bán hoàn tất, HDBank vẫn sở hữu 50% vốn điều lệ của HDFinance; Credit Saison sở hữu 49% và CTCK HSC sở hữu 1% vốn điều lệ của HDFinance; đồng thời được chuyển đổi sang thương hiệu HD Saison.
Tiền thân là Công ty TNHH MTV Tài chính Việt Société Générale (SGVF), năm 2013, HDBank mua lại 100% vốn, đổi tên thành HDFinance và đến tháng 4/2015, với sự góp vốn đầu tư chiến lược từ Tập đoàn tài chính Credit Saison đổi tên thành HD Saison Finance. Hiện Công ty có 3.000 điểm giới thiệu dịch vụ trên khắp 63 tỉnh thành của Việt Nam, liên kết với hơn 2.000 đối tác, phục vụ gần 1 triệu khách hàng có nhu cầu vay trả góp tiêu dùng.
Theo bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó chủ tịch thường trực HĐQT HDBank, những năm gần đây, Việt Nam đang đón nhận làn sóng đầu tư từ các doanh nghiệp Nhật Bản. Để nắm bắt được cơ hội kinh doanh trong lĩnh vực ngân hàng bán lẻ, tài chính - tiêu dùng và thẻ, trong thời gian qua, HDBank và Credit Saison đã có những bước tìm hiểu kỹ lưỡng và chuẩn bị cho những chiến lược lớn sau khi bắt tay hợp tác để tăng trưởng.
Ông Katsumi Mizuno, Giám đốc Khối thị trường quốc tế Credit Saison Nhật Bản cho rằng, với dân số trẻ và lượng khách hàng sử dụng sản phẩm, dịch vụ tài chính ngân hàng chưa nhiều, thị trường Việt Nam còn nhiều tiềm năng tăng trưởng đối với tín dụng tiêu dùng và dịch vụ thẻ. Đây chính là một trong những yếu tố để Credit Saison quyết định mua lại 49% cổ phần HDFinance chuyển đổi thành HD Saison.
“HD Saison đã có kế hoạch phát triển trong 5 năm tới và với kinh nghiệm của Credit Saison, sẽ áp dụng trong việc xây dựng sản phẩm, dịch vụ mới cho Công ty”, ông Katsumi Mizuno cho biết.
Hiện không chỉ với ngân hàng thương mại đẩy mạnh cho vay tiêu dùng đã thu được nguồn lợi nhuận tốt, mà hoạt động của các CTTC đã trụ vững tại thị trường Việt Nam cũng cho thấy kết quả khả quan. Đó cũng là lý do khiến ngân hàng chạy đua thâu tóm CTTC. Ngoài HDBank, VPBank, Techcombank; SHB, MaritimeBank cũng hoàn tất kế hoạch để mua lại CTTC. Bởi khi mua lại CTTC, ngân hàng sẽ có thêm một kênh đẩy mạnh cho vay tiêu dùng nhỏ, lẻ với mức lợi nhuận có thể cao hơn nếu quản lý tốt rủi ro, do mức lãi suất cho vay tiêu dùng hiện không có khống chế và được áp ở mức rất cao so với lãi suất cho vay của ngân hàng.
Tuy nhiên, theo một chuyên gia tài chính, để thành công, mỗi CTTC cần kiên trì với chiến lược đã đặt ra và không thay đổi nhiều hoặc phản ứng thái quá chỉ vì phương sách không hiệu quả của đối thủ, đồng thời cần có sự hợp tác với CTTC đa quốc gia để học hỏi kinh nghiệm, phát triển sản phẩm phù hợp với thị trường. Điều này lý giải vì sao nhiều CTTC có xu hướng bán cổ phần cho nhà đầu tư ngoại.