TS. Nguyễn Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương

TS. Nguyễn Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương

Ngân hàng mở - Sự phát triển tất yếu trong kỷ nguyên số

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Nhờ ứng dụng công nghệ số mà ngành ngân hàng đã có sự phát triển vượt bậc. Thời gian tới, ngân hàng mở, được dẫn dắt bởi một hệ sinh thái chia sẻ dữ liệu liên ngành rộng hơn, là con đường phát triển tất yếu của ngành tài chính.

Các giai đoạn của ngành ngân hàng Việt Nam

Sau khi chuyển sang hệ thống ngân hàng hai cấp từ năm 1990 đến nay, hệ thống ngân hàng Việt Nam đã phát triển qua 3 giai đoạn và đang manh nha bước vào giai đoạn thứ tư.

Ở giai đoạn 1, từ 1990 đến đầu những năm 2000, các ngân hàng thương mại vận hành theo mô hình Bank 1.0, mọi giao dịch ngân hàng đều phải thực hiện tại các chi nhánh, phòng giao dịch của ngân hàng.

Từ đầu những năm 2000 đến khoảng năm 2015, các ngân hàng thương mại từng bước ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động ngân hàng và giao tiếp giữa ngân hàng và khách hàng bắt đầu được thực hiện trực tuyến. Mô hình Bank 2.0 này đã giảm thời gian giao dịch giữa khách hàng và ngân hàng. Khách hàng có thể tiếp cận dịch vụ của ngân hàng qua hình thức hỗn hợp: nắm thông tin qua website của ngân hàng và đến ký kết giao dịch tại các chi nhánh, phòng giao dịch.

Sự phát triển Bank 2.0 cùng với sự tiến bộ vượt bậc của công nghệ kỹ thuật số đã thúc đẩy các ngân hàng thương mại chuyển sang mô hình Bank 3.0: ngân hàng trực tuyến hay ngân hàng số. Với Bank 3.0 - một cuộc cách mạng trong ngành ngân hàng, khách hàng có thể sử dụng máy tính, điện thoại di động để tiếp cận dịch vụ ngân hàng ở bất cứ đâu. Các dịch vụ tài chính được cung cấp qua điện thoại thông minh có thể đáp ứng hầu hết nhu cầu của khách hàng và làm thay đổi cách thức ngân hàng truyền thống hoạt động, đồng thời đặt nền móng cho sự phát triển Bank 4.0: ngân hàng mở (Open Banking).

Sự phát triển ngân hàng mở trên thế giới

Ngân hàng nói riêng và ngành tài chính nói chung về mặt bản chất là kinh doanh rủi ro. Ngân hàng và các công ty tài chính huy động tiền của người sợ rủi ro để cho những người khác vay. Ngân hàng càng quản lý rủi ro tốt thì càng có lãi và phát triển. Quản lý rủi ro cốt lõi là thu thập, xử lý và phân tích thông tin và đây chính là bản chất của công nghệ thông tin, công nghệ số. Điều này lý giải tại sao ngành ngân hàng ở Việt Nam và hầu hết các nước trên thế giới là lĩnh vực đi đầu trong ứng dụng công nghệ số và ngược lại, nhờ ứng dụng công nghệ số mà ngành ngân hàng và tài chính có sự phát triển vượt bậc.

Công nghệ thông tin, công nghệ số và công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) phát triển đang từng bước định nghĩa lại hoạt động ngân hàng, mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp phi ngân hàng cung cấp các dịch vụ truyền thống của ngân hàng một cách hiệu quả. Trước đây, để có thể hoạt động ngân hàng, một công ty tài chính phải có vốn đủ lớn, có khả năng trả lương cho đội ngũ nhân viên chuyên về đánh giá rủi ro và khả năng sinh lợi, có hệ thống phòng giao dịch rộng khắp để phục vụ khách hàng. Ngày nay, một công ty công nghệ có tệp khách hàng lớn có thể thực hiện một số hoạt động ngân hàng mà không cần phải bước qua các hàng rào trên.

Ví dụ, một sàn giao dịch thương mại điện tử có lượng giao dịch lớn có thể đánh giá được rủi ro tín dụng của từng khách hàng chỉ bằng các thuật toán. Nhờ đánh giá rủi ro, sàn này có thể cho mua chịu (là hình thức cấp tín dụng thương mại), hoặc nhận trả trước đối với các sản phẩm đặt mua (chính là hình thức huy động vốn), hoặc mở các ví điện tử để thuận tiện thanh toán.

Trong giai đoạn 2002 - 2012, khi ngành ngân hàng đẩy nhanh phát triển ngân hàng Internet (Bank 3.0) trong khi chưa xuất hiện các công ty Fintech, tổng tài sản của các ngân hàng trên thế giới tăng gần 3 lần, từ 52.000 tỷ USD lên khoảng 143.500 tỷ USD (tăng bình quân 10,56%/năm). Từ năm 2013 đến trước dịch Covid-19, tổng tài sản của ngành ngân hàng tăng không đáng kể (tăng trung bình 1,14%/năm).

Tốc độ tăng tài sản các ngân hàng chậm lại khi xuất hiện các công ty Fintech cho thấy, các ngân hàng bị cạnh tranh mạnh mẽ bởi các công ty này. Khách hàng khi có các nhu cầu về dịch vụ tài chính hầu như sẽ tìm kiếm trực tuyến và các công ty Fintech đã cạnh tranh mạnh mẽ với các ngân hàng để đáp ứng các nhu cầu một cách tốt hơn ngân hàng truyền thống. Cho vay ngang hàng, cho vay tiêu dùng, quản lý tài sản, tài chính cá nhân, thanh toán, cho vay đầu tư chứng khoán… là những dịch vụ mà các ngân hàng truyền thống không cạnh tranh được với các công ty tài chính ứng dụng công nghệ số.

Các ngân hàng đã phải thích ứng với xu hướng này để tồn tại và phát triển. Giai đoạn đầu, các nhà băng tập trung ứng dụng kỹ thuật số, chuyển đổi cách thức hoạt động của ngân hàng truyền thống nhằm cạnh tranh với các công ty Fintech. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ số, ngân hàng gặp phải bất lợi lớn, đó là do quy mô của ngân hàng quá lớn nên rất khó để thay đổi công nghệ liên tục, trong khi các công ty Fintech quy mô nhỏ nên có thể linh hoạt thay đổi công nghệ để nâng cao khả năng cạnh tranh.

Thêm vào đó, hoạt động ngân hàng phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt của pháp luật, trong khi các quy định cho Fintech còn “lỏng”, hoặc chưa có. Vì vậy, xu hướng phát triển tất yếu đó là sự hợp tác giữa ngân hàng và các công ty Fintech, thay vì cạnh tranh trực diện với nhau. Đây chính là sự ra đời của ngân hàng mở. Ngân hàng chia sẻ nguồn lực về dữ liệu khách hàng với công ty Fintech và công ty Fintech ứng dụng công nghệ để biến các dữ liệu đó thành lợi nhuận cho cả hai bên. Nếu quy định chặt chẽ thì ngân hàng cũng sẽ được hưởng lợi từ tệp khách hàng của các công ty Fintech. Sự phối hợp này còn mang lại lợi ích cho bản thân khách hàng.

Vấn đề đối với sự phát triển của ngân hàng mở

Hầu hết các ngân hàng trên thế giới đều đang từng bước thực hiện ngân hàng mở. Tuy nhiên, có khoảng 124 nước chưa có quy định rõ ràng về pháp lý cho các hoạt động ngân hàng mở, mà đang để các ngân hàng và các công ty Fintech tự hợp tác với nhau theo quy định hiện hành. Phương pháp tiếp cận này (thị trường thúc đẩy phát triển) đang đẩy rủi ro về phía khách hàng; các cơ quan nhà nước chủ yếu giám sát trên cơ sở pháp luật hiện hành. Thực tế tại Trung Quốc cho thấy, sự đổ vỡ của hoạt động cho vay ngang hàng năm 2020 sau nhiều năm để cho hoạt động này tự phát rầm rộ khiến hàng chục triệu người bị thiệt hại hơn 120 tỷ USD.

Khoảng 43 nước và vùng lãnh thổ đã có các quy định về hoạt động ngân hàng mở để tạo hành lang phát triển bền vững, dẫn đầu là Liên minh châu Âu (EU) khi ban hành PSD 2 (Chỉ thị thứ hai về dịch vụ thanh toán) và nước Anh với Tiêu chuẩn ngân hàng mở.

Ngân hàng Trung ương Hồng Kông (Trung Quốc) đã ban hành Khung giao diện lập trình ứng dụng mở (Open API) vào tháng 7/2018, đề ra cách tiếp cận 4 giai đoạn để các ngân hàng thực hiện API mở, bắt đầu bằng việc chia sẻ thông tin về sản phẩm, dịch vụ và kết thúc bằng việc chia sẻ thông tin giao dịch, dịch vụ khởi tạo thanh toán.

Úc nổi bật với cách tiếp cận sáng tạo khi ban hành quy định về gốc của ngân hàng mở đó là dữ liệu. Đạo luật Quyền dữ liệu người tiêu dùng (CDR) cho phép người tiêu dùng chia sẻ dữ liệu của họ với bất kỳ bên thứ ba được ủy quyền nào mà họ chọn. Tuy nhiên, điểm khác biệt chính là CDR là một sáng kiến chính sách dữ liệu, chứ không phải một sáng kiến dịch vụ tài chính. CDR được áp dụng cho các ngân hàng trước, sau đó dự kiến áp dụng cho các lĩnh vực năng lượng, viễn thông và cuối cùng có thể được áp dụng cho bất kỳ lĩnh vực nào.

Vấn đề lớn nhất đối với việc phát triển ngân hàng mở hiện nay đó là thiếu vắng hành lang pháp lý đồng bộ để giảm thiểu rủi ro cho các bên tham gia, bao gồm cả ngân hàng, công ty Fintech và khách hàng. Sự đi trước của Anh, châu Âu, Úc và một số nền kinh tế khác về quy định hành lang pháp lý hứa hẹn sẽ tạo ra một hạ tầng chia sẻ dữ liệu mới, hình thành cơ sở cho một loạt dịch vụ, sản phẩm phong phú hơn trong toàn bộ dịch vụ tài chính và quan trọng là trong các ngành công nghiệp khác nữa. Ngân hàng mở, được dẫn dắt bởi một hệ sinh thái chia sẻ dữ liệu liên ngành rộng hơn, là con đường phát triển tất yếu của ngành tài chính.

Ngân hàng mở và chia sẻ dữ liệu đang làm mờ ranh giới giữa dịch vụ tài chính và các ngành công nghiệp khác. Theo đó, mối quan hệ của các doanh nghiệp với khách hàng, cũng như việc phân phối rủi ro và trách nhiệm giữa các doanh nghiệp và các bên dần thay đổi một cách căn bản. Trong xu thế này, các nhà quản lý cần nhanh chóng có các quy định pháp luật về dữ liệu như bảo vệ dữ liệu, sử dụng hợp lý dữ liệu của khách hàng, chia sẻ dữ liệu, trách nhiệm các bên trong việc bảo vệ dữ liệu, quyền khai thác dữ liệu…

Những nước vẫn để ngân hàng mở tự phát ngoài việc phải chịu các rủi ro lớn hơn còn hạn chế các lợi ích tiềm năng mà ngân hàng mở có thể mang lại. Việc chậm ban hành các hành lang pháp lý cho sự phát triển bền vững ngân hàng mở có thể kéo lùi sự phát triển của ngành tài chính.

Tin bài liên quan