VietinBank đã sớm xác định hướng đi và lộ trình triển khai ngân hàng mở từ năm 2017.

VietinBank đã sớm xác định hướng đi và lộ trình triển khai ngân hàng mở từ năm 2017.

Ngân hàng mở: Giai đoạn mới trong hành trình chuyển đổi số

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngân hàng mở (Open Banking) là hoạt động ngày càng được hệ thống tài chính - ngân hàng quan tâm bởi những lợi ích trong việc thúc đẩy chia sẻ dữ liệu, đột phá về năng suất trong hệ sinh thái các sản phẩm, dịch vụ. Ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc Số hoá VietinBank đã chia sẻ góc nhìn xung quanh vấn đề này. 

Ngân hàng mở được đánh giá là mô hình thúc đẩy sự cạnh tranh trong ngành ngân hàng, gây áp lực và buộc các ngân hàng truyền thống phải tăng cường các dịch vụ tài chính của họ, hoặc hợp tác với các công ty công nghệ tài chính (Fintech). Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về mô hình này?

Ngân hàng mở là hoạt động trong đó ngân hàng cho phép các nhà cung cấp dịch vụ bên thứ ba được truy cập vào dữ liệu của khách hàng mà ngân hàng lưu giữ thông qua việc sử dụng các giao diện lập trình ứng dụng mở (Open API) dựa trên sự đồng ý của khách hàng.

Khi được chia sẻ thông qua Open API, dữ liệu có thể được sử dụng để các công ty Fintech, các công ty cung cấp dịch vụ tạo thêm nhiều ứng dụng mới, cung cấp thêm tiện ích cho khách hàng, hỗ trợ khách hàng kiểm soát thông tin cũng như ra quyết định tốt hơn.

Ảnh tác giả

Ngân hàng mở là một trong những dấu ấn quan trọng trong quá trình đổi mới công nghệ tài chính, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số theo hướng thông minh và cởi mở, mở ra những cơ hội kinh doanh mới cho các ngân hàng.

Ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc Số hoá VietinBank

Trong mô hình này, ngân hàng sẽ là người cung cấp các dịch vụ thông qua Open API và cùng các đối tác xây dựng một hệ sinh thái nhằm thỏa mãn các yêu cầu của người dùng.

Bằng cách khuyến khích các ngân hàng và các bên thứ ba kết nối với nhau thông qua các Open API của ngân hàng sẽ mở ra cơ hội phát triển các dịch vụ tài chính mới, gia tăng trải nghiệm và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng.

Ngân hàng mở là một trong những dấu ấn quan trọng trong quá trình đổi mới công nghệ tài chính, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số theo hướng thông minh và cởi mở, mở ra những cơ hội kinh doanh mới cho các ngân hàng. Đây cũng là một trong những lý do chính khiến các quốc gia trên thế giới đã và đang hoàn thiện cơ chế, chính sách về ngân hàng mở.

Được biết, VietinBank đã sớm xác định hướng đi và lộ trình triển khai ngân hàng mở từ năm 2017. Từ kinh nghiệm thực tiễn tại VietinBank, ông có thể cho biết lợi ích khi triển khai mô hình này?

Ở góc độ ngân hàng, ứng dụng mô hình ngân hàng mở sẽ giúp các ngân hàng thiết lập hệ sinh thái phục vụ tối đa nhu cầu của khách hàng, mở rộng sản phẩm, dịch vụ, khai thác tệp khách hàng mới… Cụ thể, ngân hàng mở giúp các ngân hàng tiếp cận đa dạng đối tượng khách hàng với chi phí hợp lý thông qua kết nối các ứng dụng của đối tác, rút ngắn thời gian tìm kiếm và thu hút khách hàng. Dịch vụ ngân hàng không chỉ được cung cấp thông qua các kênh giao dịch truyền thống của ngân hàng, mà còn được cung cấp bởi các bên thứ ba không phải là ngân hàng.

Thông qua nền tảng ngân hàng mở, các ứng dụng của ngân hàng như Mobile Banking, Internet Banking không chỉ dừng lại ở ứng dụng ngân hàng điện tử, mà còn có thể cung cấp những dịch vụ tiện ích ngoài ngân hàng như mua sắm trực tuyến, chăm sóc sức khỏe, đi lại, du lịch, học tập…

Với việc cho phép bên thứ ba phát triển các ứng dụng ngay trên dịch vụ ngân hàng, ngân hàng có thể tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mang tính cá nhân hóa một cách nhanh chóng, tiện lợi, từ đó giữ chân khách hàng và tăng lượng khách hàng thân thiết.

Ngoài ra, chia sẻ quyền truy cập vào dữ liệu khách hàng từ những ứng dụng khách hàng tương tác còn hỗ trợ cho ngân hàng trong việc chấm điểm tín dụng khách hàng đa chiều từ nhiều nguồn thông tin.

Do vậy, mô hình này thúc đẩy sự cạnh tranh trong ngành ngân hàng, gây áp lực và buộc các ngân hàng truyền thống cần phải thay đổi theo hướng mở, tích cực hợp tác với các bên thứ ba để tăng cường sản phẩm, dịch vụ, đem lại trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng, giữ chân và thu hút khách hàng.

Còn đối với khách hàng, ngân hàng mở giúp mang đến trải nghiệm giao dịch tài chính được nâng cao, tiết kiệm thời gian, chi phí giao dịch qua trung gian và quản lý tài chính tốt hơn.

Đối với bên cung cấp dịch vụ thứ ba, ngân hàng mở giúp bên thứ ba sáng tạo ra các sản phẩm, dịch vụ hoàn chỉnh, tạo ra những mô hình kinh doanh mới, doanh thu mới, khách hàng mới.

Phát triển ngân hàng mở thông qua các giao diện lập trình ứng dụng, ông có thể cho biết rõ hơn?

Trước đây, khi ngân hàng và đối tác muốn hợp tác thì hai bên cần phải làm việc với nhau, tìm hiểu về dịch vụ, hệ thống của nhau, tìm hiểu cách thức tích hợp kết nối, thời gian có thể kéo dài từ 6 tháng đến một năm thì mới có thể cho ra được sản phẩm.

Nhưng hiện nay, thông qua việc chuẩn hóa Open API, ứng dụng kiến trúc phần mềm (microservice) giúp việc tích hợp từ bên ngoài với các hệ thống nội bộ là trong suốt và dữ liệu được trao đổi theo thời gian thực giữa ngân hàng với đối tác cho phép xử lý giao dịch trực tiếp hoàn toàn tự động (STP).

Do vậy, ngân hàng có thể cung cấp rộng rãi cho đối tác thông tin về các Open API của ngân hàng. Các bên thứ ba có thể tự lên trang web của ngân hàng tìm hiểu về các Open API được cung cấp này, tải về (download) và tự kiểm thử khả năng kết nối sử dụng dịch vụ trên môi trường thử nghiệm

“Sandbox” mà ngân hàng cung cấp. Như vậy, việc tích hợp kết nối trở nên dễ dàng và chủ động hơn bao giờ hết.

Tuy nhiên, để có thể làm được việc này thì các ngân hàng cần phải đạt được 2 yếu tố sau.

Thứ nhất, về nhận thức của ngân hàng. Ngân hàng có sẵn sàng cung cấp các thông tin, dữ liệu mà từ trước đến nay là độc quyền của ngân hàng để phục vụ kinh doanh cho riêng ngân hàng hay không?

Thứ hai, khi cung cấp các dịch vụ Open API ra ngoài thì ngân hàng cần phải đóng gói các dịch vụ cung cấp như thế nào để tối ưu được hiệu quả sử dụng, giúp đáp ứng được đa dạng nhu cầu của các bên thứ ba. Điều này, theo kinh nghiệm của VietinBank, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa bộ phận kỹ thuật và nghiệp vụ của ngân hàng, làm việc theo mô hình Agile để thiết kế, đóng gói và tùy chỉnh dịch vụ, đáp ứng nhu cầu đa dạng và biến đổi của thị trường.

Chuyển mô hình kinh doanh ngân hàng từ hệ sinh thái đóng sang hệ sinh thái mở sẽ là bước đột phá quan trọng mang lại nhiều lợi ích hơn cho nền kinh tế, tuy nhiên, là mô hình mới chắc hẳn có nhiều khó khăn và thách thức?

Open Banking không thuần túy là việc triển khai dự án về công nghệ, mà còn là việc phối kết hợp giữa công nghệ và nghiệp vụ để tìm kiếm các đối tác, sáng tạo ra các mô hình kinh doanh, các ý tưởng kết nối giữa ngân hàng và bên thứ ba để cung cấp sản phẩm, dịch vụ tới khách hàng.

Với kinh nghiệm đã triển khai mô hình ngân hàng mở tại VietinBank, tiềm năng phát triển Open Banking là rất lớn, nhưng để tạo được động lực hỗ trợ cũng như các công cụ để thúc đẩy sự phát triển của Open Banking thì cần giải quyết 5 nhóm vấn đề sau.

Một là, về tính pháp lý. Ngân hàng từ trước đến nay được cấp quyền để thực hiện các dịch vụ về tài chính ngân hàng, vậy khi ngân hàng đóng gói các API và cung cấp cho bên thứ ba thì ngân hàng có cần kiểm tra và chịu trách nhiệm pháp lý về tính chất hoạt động kinh doanh của các đơn vị sử dụng API của ngân hàng hay không? Có những điều kiện pháp lý gì để có thể sử dụng API của ngân hàng? Hiện tại, chưa có quy định, hướng dẫn về việc này.

Hai là, đảm bảo an toàn bảo mật thông tin khách hàng. Hiện vẫn chưa có quy định hướng dẫn về ứng dụng Open API, những dịch vụ, dữ liệu nào mà ngân hàng được quyền cung cấp (chuyển tiền, thanh toán, sao kê, truy vấn số dư, mở thẻ, mở tài khoản, gửi tiết kiệm…).

Ba là, có cần thẩm định đối tác sử dụng dịch vụ của ngân hàng hay không? Có cần phải cấp phép kiểm tra bên thứ ba sử dụng hay không? Tần suất kiểm tra việc sử dụng của các đối tác này là như thế nào?

Bốn là, chưa có tiêu chuẩn chung về API. Việc mô tả về dữ liệu khách hàng, mô tả về tài khoản, về dịch vụ ngân hàng chưa có một chuẩn chung. Điều này dẫn đến việc khi đối tác hợp tác với ngân hàng thứ nhất, áp dụng theo công nghệ của ngân hàng đó, nhưng khi đối tác kết nối với ngân hàng thứ hai thì API của ngân hàng thứ hai lại theo công nghệ khác. Trên thực tế, không có đối tác nào chỉ làm với một ngân hàng, mà sẽ kết hợp với nhiều ngân hàng để cung cấp dịch vụ. Như vậy, việc không có chuẩn API sẽ dẫn tới phát sinh chi phí cho đối tác và ngân hàng kết nối.

Năm là, ngân hàng cung cấp dịch vụ ra bên ngoài, nhưng trách nhiệm bảo vệ dữ liệu, bảo vệ thông tin về tài khoản vẫn thuộc ngân hàng. Do vậy, cần phải xác định được việc khách hàng đã đồng ý cho bên thứ ba sử dụng thông tin dữ liệu của khách hàng hay chưa và mỗi khi phát sinh giao dịch từ bên thứ ba thì ngân hàng cần phải định danh và xác thực có đúng là khách hàng đang sử dụng dịch vụ hay không. Theo đó, ngân hàng cần xác định được hình thức xác thực sẽ qua các bước như thế nào để đảm bảo an toàn và chính xác.

Tin bài liên quan