Thua lỗ trên TTCK là chuyện bình thường và nơi nào rủi ro cao thì có cơ hội mang lại lợi nhuận cao. Những nhà đầu tư mua cổ phiếu OGC thời gian qua đều hiểu rõ điều đó. Tuy nhiên, họ bức xúc khi không nhận được đầy đủ thông tin để lượng hóa được rủi ro gặp phải.
“Nếu như biết tình hình của Ocean Bank nghiêm trọng đến mức mất hết cả vốn chủ sở hữu, dẫn đến Ngân hàng Nhà nước phải mua lại với giá 0 đồng, thì tôi đã không mua cổ phiếu OGC ở mức giá 5.000 đồng/CP”, một nhà đầu tư lỡ “bắt dao rơi” với cổ phiếu OGC nói.
Trên thực tế, Ocean Bank là công ty đại chúng, chịu chi phối bởi các quy định công bố thông tin của công ty đại chúng.
Trong báo cáo tình hình quản trị công ty năm 2014 của ngân hàng này gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ngày 2/2/2015 có liệt kê rất nhiều nghị quyết, quyết định của HĐQT, đáng chú ý là Nghị quyết 06 ngày 16/6/2014 thông qua việc đầu tư Dự án Nam Đàn với nguồn vốn tự có của Ocean Bank theo mục tiêu ban đầu của dự án.
Báo cáo này cho thấy, Ocean Bank vẫn nỗ lực thực hiện các công việc về quản trị nhằm củng cố hoạt động kinh doanh. Không có cuộc họp nào của HĐQT đề cập đến việc xử lý tình trạng thua lỗ dẫn đến mất hết vốn chủ sở hữu.
Với tình trạng công bố thông tin như vậy, làm sao nhà đầu tư bên ngoài có thể dự đoán được hết rủi ro khi đầu tư vào ngân hàng này, dù là đầu tư gián tiếp qua OGC cũng như qua một số cổ đông lớn của Ngân hàng?
Trong khi đó, cơ quan có khả năng phát hiện sai phạm tại Ocean Bank là Thanh tra Ngân hàng Nhà nước thì dường như các kết luận thanh tra này chỉ dùng để phục vụ hoạt động nội bộ của hệ thống ngân hàng. Bởi chỉ đến khi ông Thắm bị bắt, công chúng đầu tư mới biết được rằng, Chủ tịch HĐQT Ocean Bank đã có những sai phạm, Ngân hàng Nhà nước đã cho thời gian để khắc phục, nhưng sau thời hạn đó, ông Thắm không những không khắc phục được, mà có thêm những sai phạm đến mức bị khởi tố hình sự.
Nếu như các cổ đông nhỏ lẻ, các khách hàng gửi tiền biết một thành viên HĐQT có quyền quyết định sử dụng đồng vốn của Ngân hàng vi phạm quy định, gây tổn thất vốn Ngân hàng, thì khách hàng có gửi tiền vào Ngân hàng, cổ đông có đồng ý cho ông Thắm tiếp tục giữ vị trí để khắc phục sai phạm hay không?
Nếu những sai phạm tại Ngân hàng được công khai sớm hơn thì áp lực từ cổ đông, từ khách hàng gửi tiền có thể khiến ông Thắm sớm từ chức, thậm chí phải dùng tài sản cá nhân để đền bù những thiệt hại gây ra cho Ngân hàng. Đặc biệt, các cổ đông nhỏ lẻ không bị ngỡ ngàng khi Ngân hàng Nhà nước mua lại Ocean Bank với giá 0 đồng.
Ngân hàng Nhà nước mua lại Ocean Bank với giá 0 đồng nhằm đảm bảo hoạt động an toàn của ngân hàng cũng như hệ thống, đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền, nhưng quyền lợi của cổ đông nhỏ lẻ, cổ đông đại chúng thì ai đảm bảo? Ai đảm bảo họ được quyền tiếp cận thông tin đầy đủ để lường hết rủi ro cho quyết định đầu tư của mình?
Câu hỏi này dành cho Ngân hàng Nhà nước cũng như dành cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cơ quan nhận báo cáo và giám sát các công ty đại chúng. Thực tế, các cổ đông đại chúng chỉ biết được vi phạm của các lãnh đạo ngân hàng khi sự đã rồi, cơ quan điều tra ra quyết định bắt, khởi tố với các cá nhân lãnh đạo ngân hàng đó. Chức năng giám sát, cảnh báo, bảo vệ NĐT của các cơ quan quản lý ở đâu trong những trường hợp này?