HDBank vừa phân phối hơn 338 triệu cổ phiếu trả cổ tức năm 2019 đợt 2 để tăng vốn điều lệ.

HDBank vừa phân phối hơn 338 triệu cổ phiếu trả cổ tức năm 2019 đợt 2 để tăng vốn điều lệ.

Ngân hàng mạnh tay tăng vốn

0:00 / 0:00
0:00

Cùng với đà tăng giá của cổ phiếu “vua”, các ngân hàng tranh thủ cơ hội phát hành cổ phiếu chia cổ tức và tăng vốn, nâng cao năng lực tài chính.

Mạnh tay chi cổ tức để tăng vốn

HDBank vừa phân phối hơn 338 triệu cổ phiếu trả cổ tức năm 2019 đợt 2 để tăng vốn điều lệ. Còn lại 4.251 cổ phiếu lẻ được HDBank mua lại để tặng cho Công đoàn Ngân hàng. Sau khi phát hành, vốn điều lệ của HDBank sẽ tăng lên 16.088 tỷ đồng. Hiện số lượng cổ phiếu quỹ của Ngân hàng là 15,08 triệu cổ phiếu.

Trước đó, HDBank đã hoàn thành chia cổ tức và cổ phiếu thưởng để tăng vốn điều lệ đợt 1 năm 2020 từ mức 9.810 tỷ đồng lên hơn 12.707 tỷ đồng. Việc tăng vốn điều lệ đợt 1 năm 2020 được HDBank thực hiện thông qua phát hành cổ phiếu trả cổ tức đợt 1 năm 2019 và phát hành cổ phiếu thưởng với tổng tỷ lệ 30% từ nguồn vốn chủ sở hữu. Số lượng cổ phiếu đã phát hành đợt 1 là 290 triệu cổ phiếu trong tổng số 628 triệu cổ phiếu được Đại hội đồng cổ đông quyết định phát hành để tăng vốn trong năm 2020.

LienVietPostBank cũng vừa hoàn tất tăng vốn điều lệ lên 10.700 tỷ đồng. Cụ thể, Ngân hàng đã phân phối 97,69 triệu cổ phiếu trả cổ tức cho 21.450 cổ đông. Số cổ phiếu này sẽ được giao dịch trong quý I/2021 sau khi Ngân hàng hoàn tất việc lưu ký bổ sung số lượng cổ phiếu mới phát hành và hoàn tất đăng ký niêm yết bổ sung số lượng cổ phiếu mới tại HoSE.

Sau đợt phát hành này, tổng số cổ phiếu hiện tại của LienVietPostBank tăng lên hơn 1,07 tỷ cổ phiếu. Chủ tịch LienVietPostBank, ông Huỳnh Ngọc Huy cho biết, việc tăng vốn điều lệ sẽ giúp Ngân hàng nâng cấp hệ thống mạng lưới, tăng lợi thế cạnh tranh trong mảng bán lẻ, hiện đại hóa hệ thống công nghệ thông tin, phát triển ngân hàng số theo xu hướng 4.0, đảm bảo tuân thủ các quy định của Ngân hàng Nhà nước và giúp Ngân hàng nâng cao năng lực tài chính.

Trước đó không lâu, ACB cũng hoàn tất tăng vốn từ hơn 16.627 tỷ đồng lên hơn 21.615 tỷ đồng, BacABank tăng vốn điều lệ từ 6.500 tỷ đồng lên 7.085 tỷ đồng, VIB tăng từ 9.244 tỷ đồng lên 11.093 tỷ đồng, SeABank tăng từ 9.369 tỷ đồng lên 12.088 tỷ đồng. Nguồn vốn tăng thêm của các ngân hàng đến từ việc chia cổ tức, cổ phiếu thưởng...

Tận dụng cơ hội phát hành thêm cổ phiếu

Tận dụng cơ hội giá cổ phiếu đang nóng, hàng loạt ngân hàng đã lên kế hoạch tăng vốn trong những tháng cuối năm nay và đầu năm tới. Chuyên gia tài chính, TS. Nguyễn Văn Thuận cho rằng, sở dĩ các ngân hàng ráo riết tăng vốn trong thời gian qua là để đảm bảo hệ số an toàn vốn theo tiêu chuẩn Basel II.

Tại Đại hội đồng cổ đông bất thường được tổ chức ngày 7/12/2020, SCB đã thông qua chủ trương tăng vốn điều lệ 15.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2020-2030. Trong đó, riêng năm 2020-2021, SCB sẽ tăng vốn thêm 5.000 tỷ đồng thông qua chào bán 500 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu.

Trong khi đó, Nam A Bank đang triển khai kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 7.000 tỷ đồng, trong đó có phương án phát hành 57 triệu cổ phiếu (tương đương 570 tỷ đồng) để chi trả cổ tức với tỷ lệ 12,4878% và chào bán 143 triệu cổ phiếu riêng lẻ (tương đương 1.430 tỷ đồng). Trước đó, ngày 1/9/2020, Nam A Bank tăng vốn điều lệ từ 3.890 tỷ đồng lên hơn 4.564 tỷ đồng thông qua chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động và chào bán riêng lẻ, tổng cộng phát hành thêm hơn 67,4 triệu cổ phiếu.

Trước đó, Ngân hàng Bản Việt cũng tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường trình cổ đông thông qua phương án phát hành cổ phần tăng thêm tối đa gần 1.000 tỷ đồng trong năm 2020 và quý I/2021. Nhà băng này cũng vừa chốt danh sách cổ đông để lấy ý kiến bằng văn bản ủy quyền HĐQT quyết định tỷ lệ sở hữu của cổ đông nước ngoài, nhằm hút vốn ngoại, tăng vốn.

Tin bài liên quan