Ngân hàng mạnh tay kích cầu tín dụng đầu năm Nhâm Dần

Ngân hàng mạnh tay kích cầu tín dụng đầu năm Nhâm Dần

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dịch bệnh dần được kiểm soát, kinh tế hồi phục, tín dụng ngân hàng được cải thiện... là điều kiện để các nhà băng đẩy mạnh kích cầu cho vay sau tết Nhâm Dần.

Giảm lãi vay

Để kích cầu tín dụng cá nhân, Ngân hàng Shinhan Việt Nam vừa công bố gói lãi suất vay mua nhà và mua ô tô mới.

Cụ thể, với gói vay mua nhà, lãi suất 3,9%/năm, cố định 6 tháng; 7,6%/năm cố định 36 tháng; 7,9%/năm cố định 60 tháng. Nhà băng này cho vay 70% giá trị tài sản đảm bảo và thời hạn vay lên đến 30 năm.

Còn với gói vay mua ô tô, lãi suất 6%/năm cố định 1 năm hoặc 7,5%/năm cố định suốt thời gian vay. Ngoài ra, khách hàng còn được giảm thêm 0,3%/năm khi vay mua các dòng xe điện và xe hybrid hoặc giảm thêm 0,1% khi vay mua các dòng xe THACO.

Từ nay đến ngày 28/2, Nam A Bank ưu đãi cho khách hàng trong thời kỳ "bình thường mới” với hạn mức 3.000 tỷ đồng.

Lãi suất cho vay giảm về mức 5,99%/năm đối với khoản vay hiện hữu của khách hàng cá nhân đang vay phục vụ nhu cầu đời sống và hoạt động sản xuất kinh doanh.

Trước đó, Nam A Bank cũng đã nhiều lần triển khai các chương trình giảm lãi suất cho khách hàng như: giảm lãi suất tối đa 0,5%/năm đối với khoản vay hiện hữu của khách hàng cá nhân trong vòng 3 tháng.

Bên cạnh đó, SHB dành 6.000 tỷ đồng cho vay khách hàng cá nhân vượt qua khó khăn do ảnh hưởng từ dịch Covid-19. Thời gian giải ngân từ nay đến 30/6, với lãi suất vay ưu đãi chỉ từ 7%/năm khi vay sản xuất kinh doanh ngắn hạn. Còn đối với khách hàng vay trung dài hạn, lãi suất ưu đãi chỉ từ 7,79%/năm áp dụng cho vay sản xuất kinh doanh, vay mua nhà đất, vay mua ô tô hoặc vay tiêu dùng.

OCB ưu đãi lãi suất cho vay ngắn hạn chỉ từ 6% dành cho doanh nghiệp trong thời gian từ nay hết ngày 30/6.

Chương trình trên được áp dụng cho khách hàng doanh nghiệp chưa giao dịch tại Ngân hàng, có nhu cầu cấp mới hạn mức bổ sung vốn lưu động hoặc khách hàng đã được OCB cấp hạn mức nhưng tỷ trọng giải ngân vay ngắn hạn thấp tính tới thời điểm 31/12/2021.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, thực hiện Nghị quyết 63/NQ-CP của Chính phủ, 16 ngân hàng thương mại đã đồng thuận giảm lãi suất cho vay với tổng số tiền lãi giảm lũy kế từ 15/7/2021 đến 31/12/2021 khoảng 21.244 tỷ đồng.

Trong đó, 4 ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước tiên phong và dẫn đầu về số tiền giảm lãi. Cụ thể, Agribank đứng đầu với mức giảm 5.512 tỷ đồng; Vietcombank giảm 4.635 tỷ đồng; BIDV giảm 4.128 tỷ đồng; VietinBank giảm 2.259 tỷ đồng.

Như vậy, nếu so với mức 20.613 tỷ đồng đã cam kết hồi trung tuần tháng 7/2021, đến nay, 16 ngân hàng thương mại đã thực hiện được 105,13%.

Kích tín dụng

Trả lời Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Trịnh Bằng Vũ, Giám đốc Khối Bán lẻ Ngân hàng Shinhan Việt Nam cho rằng, nhu cầu vốn của khách hàng dần tăng trở lại sau khi dịch bệnh được kiểm soát.

Để kích cầu tín dụng, lãi suất cho vay khó sớm tăng trở lại, nhưng không loại trừ tình hình có thể sẽ rất khác trong 2022, đặc biệt khi dịch Covid-19 dần được kiểm soát tốt từ cuối quý II/2022 như kỳ vọng và kinh tế dần hồi phục trở lại.

Khi đó, để thực hiện thành công các mục tiêu về điều hành kinh tế vĩ mô trong năm 2022, theo ông Vũ rất có thể Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ điều chỉnh chính sách tiền tệ theo hướng thắt chặt hơn. Theo đó, lãi suất đối với tín dụng nói chung cũng như cho vay mua nhà nói riêng chắc chắn sẽ tăng cao hơn so với 2021.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cho hay, giảm lãi vay là thiết thực với các doanh nghiệp đang có nhu cầu vay vốn lưu động nhằm khôi phục sản xuất kinh doanh, đặc biệt với tình hình dịch bệnh đang dần được kiểm soát và để tái thiết lại quá trình hoạt động, doanh nghiệp có nhu cầu rất lớn về vốn.

Với quy mô giá trị gói ưu đãi lên tới 1.500 tỷ đồng và thời gian chương trình kéo dài đến hết 6 tháng đầu năm 2022, OCB hy vọng chương trình sẽ tiếp cận tới nhiều khách hàng, góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp trong năm 2022.

Bên cạnh đó, từ nay đến hết 30/6/2022, OCB cung cấp sản phẩm "Hỗ trợ tài chính dành cho nhà phân phối ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG)" với tỷ lệ cấp tín dụng lên đến 100% giá trị tài sản bảo đảm. Mức cấp thêm không cần tài sản bảo đảm lên đến 70 tỷ đồng với mỗi nhà phân phối.

Các khoản giảm lãi suất được Nam A Bank triển khai ở hầu hết các ngành nghề chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 như: du lịch, giao thông vận tải, nuôi trồng thủy hải sản… nhằm giúp khách hàng sớm ổn định đời sống và hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ông Trần Ngọc Tâm, Tổng giám đốc Nam A Bank cho biết, bối cảnh dịch Covid-19 kéo dài khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, ngân hàng không đứng ngoài cuộc mà triển khai hàng loạt chính sách hỗ trợ linh hoạt với từng phân khúc.

Trước sự hồi phục sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, Nam A Bank còn triển khai cấp tín dụng mới cho những khách hàng có triển vọng, có tiềm năng phục hồi bởi nguồn vốn mới để duy trì và đẩy mạnh hoạt động sản xuất - kinh doanh, từ đó đẩy mạnh tín dụng.

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước ông Đào Minh Tú cho hay, năm 2022, ngành ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 14%, nhưng trong điều hành có thể tăng lên và cũng có thể dưới mục tiêu.

Phương án tín dụng sẽ hướng vào lĩnh vực ưu tiên, khó khăn của nền kinh tế do tác động của đại dịch. Đồng thời, không tập trung vốn cho những lĩnh vực không ưu tiên như: bất động sản bao gồm đầu cơ, vốn cho dự án lớn với rủi ro hệ số cao, thị trường chứng khoán đầu cơ.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu ngành ngân hàng tiếp tục phấn đấu giảm lãi suất cho vay, tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát rủi ro, kiểm soát tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro cao, hướng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt chẽ việc mua trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng…

Tin bài liên quan