Ngân hàng mạnh tay đẩy vốn ra thị trường

0:00 / 0:00
0:00
Cầu vốn trở lại, ngân hàng mạnh tay đẩy vốn ưu đãi ra thị trường để cùng doanh nghiệp khôi phục hoạt động, nối lại chuỗi đứt gãy do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Agribank đang áp dụng gói tín dụng tiêu dùng với lãi suất ưu đãi trị giá 25.000 tỷ đồng. Ảnh: Đức Thanh

Agribank đang áp dụng gói tín dụng tiêu dùng với lãi suất ưu đãi trị giá 25.000 tỷ đồng. Ảnh: Đức Thanh

Khơi dòng chảy tín dụng

Mới đây, Nam A Bank đã ký kết hợp tác chiến lược với Nam Miền Trung Group nhằm xây dựng chuỗi giá trị ngành tôm Việt Nam lên đến 30.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2022 - 2025. Đây là một trong những chương trình hướng đến lĩnh vực thủy sản lớn nhất trong năm 2022 của Nam A Bank, góp phần phát triển ổn định ngành tôm trong tình hình mới, nâng cao lợi thế cạnh tranh của tôm Việt Nam và ngành thủy sản thời kỳ hậu Covid-19.

Ông Trần Ngọc Tâm, Tổng giám đốc Nam A Bank cho hay, dịch bệnh dần được kiểm soát, thị trường mở cửa kể từ tháng 10/2021, các hoạt động sản xuất cải thiện nhanh chóng, xuất khẩu đạt kỷ lục năm 2021 và khu vực dịch vụ, trong đó có du lịch, hàng không... bắt đầu hồi phục mạnh mẽ. Theo đó, hoạt động tín dụng của ngành ngân hàng dần cải thiện khi sức cầu về vốn của khách hàng tái tăng. Vì thế, Nam A Bank từng bước cung ứng vốn giá rẻ hỗ trợ doanh nghiệp.

Mới đây nhất, BIDV cũng có chương trình ưu đãi tín dụng dành cho khách hàng cá nhân có tổng quy mô lên tới 200.000 tỷ đồng, lãi suất linh hoạt chỉ từ 5%/năm. Gói tín dụng triển khai từ nay đến khi hết quy mô gói nhằm giúp khách hàng phát triển kinh doanh, vay tiêu dùng, trở lại cuộc sống “bình thường mới”.

Agribank vừa công bố gói tín dụng tiêu dùng trị giá 25.000 tỷ đồng dành cho những khách hàng vượt qua dịch bệnh Covid-19 vay vốn với lãi suất 7,5%/năm qua hình thức phát hành thẻ. Theo đó, từ nay đến ngày 30/6/2022, người nhận lương qua tài khoản tại hệ thống Agribank sẽ được hưởng lãi suất ưu đãi áp dụng đối với các khoản thấu chi.

ABBank dành hạn mức lên đến 4.500 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi từ 7,29%/năm trong 12 tháng đầu cho các hồ sơ vay có kỳ hạn từ 24 tháng trở lên. Với khách hàng có mức vay từ 5 đến 10 tỷ đồng, lãi suất sẽ được giảm thêm 0,3%/năm, nếu trên 10 tỷ đồng, sẽ giảm thêm 0,5%/năm.

Trong khi đó, MSB cấp hạn mức tín dụng tín chấp đến 500 triệu đồng/khoản vay đối với các nhà xuất khẩu; lãi suất cho vay bằng ngoại tệ chỉ từ 2,5%/năm, bằng VND là 5,5%/năm.

Việc tiếp thêm vốn giá rẻ vào thị trường trong thời điểm hiện tại hỗ trợ thúc đẩy các hoạt động sản xuất - kinh doanh đang trên đà vực dậy và giúp khách hàng bắt nhịp với điều kiện “bình thường mới”.

Lãi suất có giảm thêm?

Ông Nguyễn Thành Nhân, Giám đốc Khối khách hàng doanh nghiệp của Ngân hàng Bản Việt cho hay, Ngân hàng Bản Việt sẵn sàng cấp tín dụng không có tài sản đảm bảo nợ vay cho các khách hàng bị ảnh hưởng của dịch bệnh, song doanh nghiệp cần minh bạch tài chính để Ngân hàng có thể đánh giá đúng thực lực và có hỗ trợ phù hợp. Để tiếp cận được vốn tín dụng ngân hàng, doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, cần rà soát lại lĩnh vực kinh doanh để bỏ bớt những lĩnh vực không còn phù hợp và bổ sung ngành hàng kinh doanh mới.

Giới phân tích cho rằng, khả năng tín dụng quý I năm nay tăng trưởng tích cực. Dư nợ tín dụng ngành ngân hàng bứt phá ngay từ những ngày đầu năm cho thấy dòng vốn đã khai thông, khả năng phục hồi của doanh nghiệp sau dịch khá tích cực.

Thế nhưng, tín dụng tăng trở khiến lo ngại lãi suất tăng theo. Các chuyên gia của VNDirect dự báo, lãi suất cho vay có thể sẽ tăng trở lại trong năm sau do một số lý do như: cầu huy động vốn tăng do tín dụng tăng, áp lực lạm phát năm 2022, sự cạnh tranh từ các kênh đầu tư hấp dẫn như bất động sản và chứng khoán.

Tính đến cuối năm 2021, 16 ngân hàng thuộc Hiệp hội Ngân hàng đã thực hiện giảm lãi suất theo cam kết tại cuộc họp hồi đầu tháng 7/2021. Tổng số tiền lãi suất giảm đạt 21.244 tỷ đồng, bằng 105,13% so với cam kết. Nêu quan điểm về cách thức giảm lãi suất cho vay, một chuyên gia tài chính cho rằng, việc Ngân hàng Nhà nước vận động các ngân hàng giảm chi phí cũng là một cách, nhưng không phải yếu tố quan trọng để giảm lãi suất cho vay.

Từ phía Ngân hàng Nhà nước, Phó thống đốc Phạm Thanh Hà khẳng định, dư địa chính sách tiền tệ liên quan mật thiết đến thách thức của hệ thống ngân hàng trong thời gian tới. Lạm phát đang trở thành vấn đề toàn cầu, các ngân hàng trung ương đã bắt đầu thu lại hỗ trợ. Ngân hàng Nhà nước đang theo dõi sát, nếu nguy cơ lạm phát hiện hữu, thì có thể phải kiểm soát tiền tệ, ảnh hưởng đến thanh khoản và mặt bằng lãi suất.

Ông Phạm Thanh Hà cho rằng, hệ thống ngân hàng huy động tiền của nền kinh tế để cho vay, nên mặt bằng lãi suất chỉ có thể giảm đến mức còn đủ sức hấp dẫn để thu hút được tiền vào hệ thống ngân hàng để cho vay nền kinh tế. Ngân hàng Nhà nước cần cân bằng việc điều hành lãi suất trong tương quan với lạm phát và lợi ích của người gửi tiền, chất lượng tài sản của tổ chức tín dụng.

Tính theo con số tăng trưởng dư nợ gần cuối tháng 1/2022, lượng tín dụng được bơm ra trong tháng 1 gần 286.000 tỷ đồng, đạt mức tăng theo tháng mạnh nhất trong nhiều năm trở lại đây. Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, đến ngày 28/1/2022, dư nợ tín dụng tăng khoảng 2,74% so với cuối năm 2021, tăng 16,32% so cùng kỳ năm trước và cao hơn nhiều mức tăng 0,53% của tháng 1/2021.

Tin bài liên quan