Ảnh Internet.

Ảnh Internet.

Ngân hàng mạnh tay đẩy vốn khi được mở room

Hạn ngạch tăng trưởng tín dụng năm 2019 của các ngân hàng đã được mở. Đây là cơ hội để các nhà băng đẩy mạnh vốn ra thị trường, đáp ứng nhu cầu vốn tăng dịp trước Tết Nguyên đán.

Thanh khoản dồi dào, lãi suất vẫn tăng

Dịp trước Tết Nguyên đán là thời điểm kinh doanh cao điểm của doanh nghiệp. Tổng giám đốc một ngân hàng cho biết, trong tháng 12/2018 và tháng 1/2019, nhu cầu vốn của doanh nghiệp tăng mạnh và đây cũng là lúc ngân hàng đẩy vốn ra thị trường.

Cho dù các nhà băng cho biết, thanh khoản khá dồi dào, song thực tế lãi suất vẫn nhích dần.

Ngoài nguyên nhân phải tăng lãi suất huy động kỳ hạn dài để cơ cấu lại nguồn đáp ứng quy định giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn từ 45% xuống còn 40% từ đầu năm 2019, thì việc tăng huy động để đáp ứng cầu vốn tăng cao trước Tết cũng là nguyên nhân đẩy lãi suất tăng.

Mục tiêu tín dụng của Ngân hàng Nhà nước đưa ra năm nay dự kiến thấp hơn năm 2018. Trước đó, tại Chỉ thị 04/CT-NHNN, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung kiểm soát chặt chẽ tốc độ và chất lượng tín dụng của toàn hệ thống. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước không xem xét, điều chỉnh tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng (trừ trường hợp đặc biệt).    

Các nhà phân tích cho rằng, áp lực tăng lãi suất trong quý I/2019 sẽ phụ thuộc chủ yếu vào nhu cầu thanh khoản của từng ngân hàng.

Nhóm phân tích Công ty Chứng khoán SSI cho rằng, trọng tâm điều hành chính sách tiền tệ năm 2019 sẽ hướng sang mục tiêu ổn định tỷ giá thông qua kiểm soát thanh khoản tiền đồng.

Theo thông tin từ Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, tăng trưởng tín dụng năm 2018 ước đạt 14 - 15%, thấp hơn nhiều so 3 năm liền trước đó. Vốn huy động tăng trưởng ổn định ở mức khoảng 15%, trong đó huy động ngoại tệ tăng khoảng 17%, cao hơn nhiều so với năm 2017 cho thấy, tâm lý găm giữ ngoại tệ thể hiện rõ trong năm 2018.

Vì vậy, việc duy trì chính sách lãi suất USD 0%, chênh lệch lãi suất cao giữa VND và USD sẽ hỗ trợ ổn định tỷ giá.

Tuy nhiên, ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Khối Kinh doanh ngoại hối và thị trường vốn của HSBC Việt Nam nhận định, trong năm 2019, nếu đồng nhân dân tệ tiếp tục mất giá thì sẽ gây sức ép nhất định lên tỷ giá USD/VND và gián tiếp gây sức ép lên lãi suất.

Đồng quan điểm, TS. Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế nhận định, mặt bằng lãi suất sẽ đứng ở mức cao và không loại trừ việc nhích tăng nếu xuất hiện áp lực tỷ giá. Song theo ông Lịch, áp lực lên tỷ giá năm nay khó tăng cao khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã có thông điệp giảm tần suất tăng lãi suất USD.

Đẩy mạnh vốn khi được mở room

Hạn ngạch tăng trưởng tín dụng của ngân hàng đã được mở kể từ đầu năm 2019 là cơ hội để các nhà băng đẩy mạnh vốn ra thị trường, đáp ứng cầu tăng trước dịp Tết Nguyên đán 2019.

Đáng chú ý, cuối năm là dịp các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần sự tiếp vốn từ ngân hàng để đẩy mạnh sản xuất - kinh doanh. Đó cũng là lý do để ngân hàng rót vốn.

Trong dịp này, các ngân hàng đã đưa ra nhiều ưu đãi để đẩy vốn cho vay. VPBank đã dành ưu đãi cho 30 khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa đầu tiên thực hiện combo giải ngân khoản vay tín chấp từ 250 triệu đồng trở lên.

Trong khi đó, Sacombank dành 10.000 tỷ đồng vốn cho doanh nghiệp dịp cuối năm, với lãi suất 6 - 7%/năm đối với khoản vay ngắn hạn và 8,5%/năm đối với khoản vay trung và dài hạn... VIB tăng hạn mức vay mua xe lên tới 80%, với lãi suất từ 7,99%/năm.

Ngân hàng Bảo Việt triển khai gói vay 1.000 tỷ đồng nhằm hỗ trợ cá nhân trong hoạt động sản xuất - kinh doanh. BacA Bank ưu đãi dành riêng cho doanh nghiệp bổ sung vốn lưu động, với lãi suất cho vay từ 8,3%/năm. MB giải ngân gói 2.500 tỷ đồng đáp ứng cầu vốn dịp Tết, với lãi suất từ 7%/năm…

Giới phân tích khuyến cáo, cầu vốn dịp Tết tăng khiến lãi suất tăng theo. Nếu không thận trọng trong điều chỉnh lãi suất sẽ lợi bất cập hại, bởi ngân hàng tăng mạnh lãi suất đầu vào để huy động vốn, nhưng khó tăng lãi suất đầu ra, làm tăng chi phí hoạt động, ảnh hưởng đến lợi nhuận.

Tin bài liên quan