Nhiều nhà băng đề xuất chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn, đáp ứng chuẩn mới theo Basel II

Nhiều nhà băng đề xuất chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn, đáp ứng chuẩn mới theo Basel II

Ngân hàng mãi “bài ca” cổ tức bằng cổ phiếu

(ĐTCK) Ngoại trừ các ngân hàng cổ phần có sở hữu nhà nước chi phối có thể sẽ chia cổ tức bằng tiền mặt theo yêu cầu của cổ đông chi phối, hầu hết các ngân hàng cổ phần còn lại năm nay vẫn "bài ca" cổ tức bằng cổ phiếu.

Áp lực tăng vốn để đáp ứng các chuẩn mới theo quy định thực hiện Hiệp ước vốn Basel II buộc các nhà băng nâng cao năng lực tài chính, nên không thể chia cổ tức bằng tiền mặt.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên diễn ra ngày 10/4, ông Đỗ Minh Toàn, Tổng giám đốc ACB cho biết, Ngân hàng đang hoàn thiện và từng bước triển khai áp dụng các tiêu chuẩn về vốn quy định tại Hiệp ước Basel II, theo lộ trình hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước. Vì vậy, ACB đã trình cổ đông thông qua việc chia cổ tức năm 2016 bằng cổ phiếu tỷ lệ 10%, tăng vốn lên 11.259 tỷ đồng. Ngoài ra, ACB dự kiến sẽ tiếp tục giữ lại 100 tỷ đồng lợi nhuận dùng mua cổ phiếu thưởng nhân viên.

Theo ACB, việc tăng vốn điều lệ là cần thiết với Ngân hàng, vì các quy định mới của Ngân hàng Nhà nước đều gắn các tỷ lệ giới hạn, như giới hạn cấp tín dụng với vốn chủ sở hữu/vốn điều lệ. Việc tăng vốn điều lệ sẽ giúp tăng các giới hạn liên quan tới cấp tín dụng cho khách hàng, thêm nguồn vốn trung và dài hạn để tài trợ cho các hoạt động cấp tín dụng của ngân hàng. Đồng thời, có nguồn lực đầu tư vào các giải pháp để củng cố và nâng cao hệ thống nền tảng, như đầu tư vào hệ thống công nghệ thông tin, cơ sở vật chất và hệ thống quản trị rủi ro.

Theo phương án phân phối lợi nhuận dự kiến năm 2017, ACB cũng lên kế hoạch tiếp tục trả cổ tức bằng cổ phiếu, tỷ lệ 10%.

Cùng ngày 10/4, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2017 của VPBank, HĐQT nhà băng này cũng đề xuất không chia cổ tức bằng tiền mặt mà bằng cổ phiếu để tăng vốn.

Lãnh đạo Ngân hàng cho biết, VPBank vẫn cần nguồn vốn lớn để có thể thực hiện kế hoạch kinh doanh năm 2017 nên năm 2016 trả cổ tức bằng cổ phiếu, thay vì tiền mặt. Việc trả cổ tức sẽ chia làm hai nhóm là cổ phần ưu đãi (146 tỷ đồng) và cổ phần phổ thông (hơn 3.194 tỷ đồng).

Với vốn điều lệ hiện tại của Ngân hàng là 10.765 tỷ đồng và số vốn tự có tương ứng khoảng 15.400 tỷ đồng, trong năm 2017, VPBank cần bổ sung thêm khoảng 3.000 đến 4.000 tỷ đồng vốn điều lệ để đáp ứng các nhu cầu hoạt động của ngân hàng và đảm bảo tuân thủ các tỷ lệ an toàn trong quá trình hoạt động.

Không riêng các nhà băng lớn, áp lực tăng vốn còn đè nặng lên vai ngân hàng nhỏ. Theo đó, năm nay, BacA Bank dự kiến tăng vốn điều lệ thêm 500 tỷ đồng thông qua phát hành 50 triệu cổ phần. Hình thức tăng vốn gồm: chia cổ tức năm 2016 bằng cổ phiếu khoảng 40 triệu cổ phần, phân phối lợi nhuận lũy kế khoảng 6,2 triệu cổ phần, chào bán riêng lẻ 3,8 triệu cổ phần.

Ngân hàng Nhà nước khuyến khích các tổ chức tín dụng sau khi trích lập dự phòng chia cổ tức bằng cổ phiếu.

HĐQT BacA Bank cho biết, việc tăng vốn nhằm nâng cao năng lực tài chính, khả năng cạnh tranh, đảm bảo các chỉ tiêu an toàn trong hoạt động ngân hàng. Vốn điều lệ tăng thêm 500 tỷ đồng được dự kiến phân bổ sử dụng cho việc tiếp tục đầu tư và nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin, xây dựng và phát triển mạng lưới giao dịch, đầu tư góp vốn và cho vay trung và dài hạn.

Trong khi đó, LienVietPostBank đã trình cổ đông kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 7.000 tỷ đồng, chia cổ tức năm 2017 ở mức 12%, cao hơn mức 10% của năm 2016. Bên cạnh đó, tại Đại hội đồng cổ đông vừa mới diễn ra, HĐQT Ngân hàng đã điều chỉnh tăng mức cổ tức năm 2016 từ 8% lên 10%. Vì năm qua, LienVietPostBank đạt lợi nhuận trước thuế 1.348 tỷ đồng, hoàn thành 147% so với kế hoạch và tăng 3,2 lần so với năm 2015. Đây là trường hợp hiếm hoi tăng tỷ lệ cổ tức so với dự kiến ban đầu, bởi thực tế, không ít nhà băng trong tình trạng mất khả năng chi trả cổ tức hoặc không thể thực hiện mục tiêu đã đưa ra.

Tuy nhiên, trong 10% cổ tức chi trả của LienVietPostBank, chỉ 4% được chi trả bằng tiền mặt, 6% bằng cổ phiếu.

Dù đạt 484 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế năm 2016, tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức 1,51%, nhưng khi nói đến vấn đề dự chi cổ tức cho cổ đông, ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch OCB cho hay, Ngân hàng dự kiến chia cho cổ đông khoảng 5%, phần còn lại để dành cho việc tăng vốn, đáp ứng chuẩn mực Basel II.

Hiện vốn của Ngân hàng đang ở mức 4.000 tỷ đồng, dù đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho tăng lên 4.500 tỷ đồng và dự kiến kế hoạch còn tăng lên 5.000 tỷ đồng trong thời gian tới đây.

Chia sẻ về vấn đề cổ tức ngân hàng, ông Nguyễn Văn Dũng, Cục trưởng Cục Thanh tra giám sát, Ngân hàng Nhà nước TP. HCM cho biết, một số ngân hàng sẽ chia cổ tức năm 2016 từ 5 - 7%, nhưng vẫn có những trường hợp không chia cổ tức, do còn phải tập trung nguồn lực tái cơ cấu, xử lý nợ xấu.

Theo ông Dũng, về yếu tố bền vững, việc chia cổ tức bằng cổ phiếu sẽ mang lại giá trị cao hơn nhiều cho cổ đông trong tương lai. Ngân hàng Nhà nước cũng khuyến khích các tổ chức tín dụng sau khi trích lập dự phòng chia cổ tức bằng cổ phiếu.

Tin bài liên quan