Là ngân hàng 100% vốn nhà nước, việc tăng vốn của Agribank hoàn toàn phụ thuộc vào ngân sách.

Là ngân hàng 100% vốn nhà nước, việc tăng vốn của Agribank hoàn toàn phụ thuộc vào ngân sách.

Ngân hàng lớn tính đường dài tăng vốn

0:00 / 0:00
0:00
Bán vốn, nới room, chia cổ phần bằng cổ tức - các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước chi phối đang cần cơ chế dài hơi để xây dựng lộ trình tăng vốn cho cả giai đoạn.

Ăn đong tăng vốn: Chưa thoát hiểm đã gặp gian nan

Là ngân hàng lớn duy nhất 100% vốn nhà nước, việc tăng vốn của Agribank hoàn toàn phụ thuộc vào ngân sách. Sau nhiều năm mòn mỏi đề nghị, giữa năm 2020, Agribank mới được Quốc hội “gật đầu” tăng vốn thêm 3.500 tỷ đồng bằng nguồn lợi nhuận giữ lại. Song việc tăng vốn quá chậm khiến ngay cả khi được tăng vốn theo kế hoạch, hệ số an toàn vốn (CAR) của Agribank vẫn trong tình trạng báo động đỏ.

Ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch HĐTV Agribank cho hay, dù được ngân sách cấp 3.500 tỷ đồng thì sau khi phân phối lợi nhuận năm 2019 theo phương án đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phê duyệt, CAR của ngân hàng này chỉ còn 8,6% (chuẩn tối thiểu là 9%). Nếu tính đúng theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN thì CAR chỉ còn 6%, thấp hơn nhiều so với chuẩn tối thiểu là 8%. Như vậy, dù được tăng vốn, Agribank vẫn không đạt hệ số tối thiểu về an toàn vốn, phải co hẹp tín dụng vào năm 2021.

Trong bối cảnh nguồn vốn thiếu trước hụt sau, trên 2.560 tỷ đồng cho vay cấp bù lãi suất mà Agribank “ứng” trước để giải ngân các chương trình cho vay ưu đãi lãi suất của Chính phủ, đến nay vẫn chưa được Bộ Tài chính hoàn trả.

Giải pháp cấp bách để có thể tăng trưởng tín dụng năm 2021, theo Chủ tịch HĐTV Agribank là NHNN phải áp dụng hệ số rủi ro 50% đối với cho vay cá nhân, hộ gia đình cho vay không thế chấp tài sản đến 200 triệu đồng theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời, Agribank đề nghị Bộ Tài chính cân đối hoàn lại số tiền cấp bù lãi suất mà Agribank đã tạm ứng trước.

Không gian nan như Agribank, song cả BIDV lẫn VietinBank cũng lo lắng cho chặng đường dài tăng vốn trước mắt, khi CAR chỉ vừa chạm mức tối thiểu và nguy cơ hụt vốn là rất lớn. Dù việc tăng vốn từ chia cổ tức bằng cổ phiếu đã được gỡ vướng bằng Nghị định số 121/2020/NĐ-CP, song các ngân hàng này vẫn phải tiếp tục làm việc với các cơ quan liên quan để được phê duyệt.

Ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT BIDV lo lắng, BIDV hiện có vốn điều lệ lớn nhất hệ thống (40.200 tỷ đồng), song hệ số CAR mới đạt chuẩn tối thiểu theo Basel II. Chính vì vậy, BIDV đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, NHNN cho phép BIDV được tăng vốn điều lệ bằng việc chi trả cổ tức năm 2020 bằng cổ phiếu.

Rất có thể, thủ tục tăng vốn cho Agribank, BIDV, VietinBank, Vietcombank sẽ sớm được cơ quan quản lý phê duyệt trong những tháng đầu năm 2021. Nhưng việc “ăn đong” tăng vốn khiến các ngân hàng gặp rất nhiều khó khăn trong xây dựng chiến lược kinh doanh dài hạn.

Cần chiến lược tăng vốn dài hơi cho cả giai đoạn

Tình trạng thiếu hụt vốn kéo dài nhiều năm, CAR suy giảm khiến thị phần của khối ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước suy giảm. Theo báo cáo của Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), thị phần của 3 ngân hàng TMCP có vốn nhà nước là BIDV, VietinBank và Vietcombank đã mất gần 3% trong 2 năm qua do bộ đệm vốn mỏng, phải co hẹp tín dụng. Riêng thị phần của VietinBank giảm gần 2%. Nguy cơ sụt giảm thị phần với Agribank đang rất cận kề.

Đại dịch Covid-19 cho thấy, sự hỗ trợ của ngành ngân hàng với nền kinh tế chủ yếu nằm ở khối ngân hàng thương mại nhà nước. Nếu khối ngân hàng này suy yếu, mục tiêu hỗ trợ nền kinh tế của chính sách tiền tệ sẽ khó lòng đạt được.

Ông Phạm Đức Ấn kiến nghị, nhu cầu vốn của khối ngân hàng thương mại nhà nước là rất lớn, vì vậy Chính phủ nên phê duyệt đề án tăng vốn ít nhất 5 năm, tránh để bị động như thời gian qua.

Đại diện NHNN cho hay, cơ quan này đang xây dựng lộ trình tăng vốn cho các ngân hàng thương mại nhà nước giai đoạn 2021 - 2026, trong đó có phần tăng vốn từ ngân sách nhà nước để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt... Bên cạnh đó, lộ trình tăng năng lực tài chính cho các tổ chức tín dụng cũng sẽ được NHNN đề ra trong Đề án Cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025 đang được xây dựng. Các ngân hàng thương mại nhà nước kỳ vọng, trên cơ sở đề nghị của NHNN, Chính phủ sẽ có giải pháp dài hơi hơn cho câu chuyện tăng vốn của cả giai đoạn.

Riêng Agribank, do là ngân hàng 100% vốn nhà nước, nên việc giải quyết vấn đề tăng vốn sẽ rất khó khăn. Giải pháp khả thi nhất để ngân hàng này có thể tăng vốn là cổ phần hóa, song với quy trình hiện nay, sớm nhất cũng phải 2 năm nữa Agribank mới có thể cổ phần hóa. Trong thời gian này, với tốc độ cấp vốn từ ngân sách như hiện nay, Agribank sẽ đứng trước nguy cơ mất thị phần.

Do đó, ông Phạm Đức Ấn đề xuất Chính phủ cho phép thực hiện thí điểm cổ phần hóa thành hai giai đoạn. Trong đó, giai đoạn I cho phép Agribank bán cổ phần 0,5% cho cán bộ nhân viên, sớm cổ phần hóa, niêm yết lên sàn, tiến tới giai đoạn II là thu hút nhà đầu tư chiến lược.

VietinBank, BIDV, Vietcombank cũng nhiều lần kiến nghị Chính phủ rới room cho khối ngoại. Tuy vậy, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, Việt Nam đã tư nhân hóa hệ thống ngân hàng khá sớm, chỉ còn lại 4 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước. Vì vậy, không nên mở quá mạnh room cho các ngân hàng này, nếu không sẽ không thể dồn nguồn lực tài chính cho một số lĩnh vực ưu tiên của đất nước.

Mặc dù vậy, các chuyên gia đều tán thành quan điểm rằng, cần sớm chấm dứt chuyện tăng vốn kiểu “ăn đong” cho các ngân hàng quốc doanh, mà phải sớm ban hành một lộ trình, cơ chế tăng vốn dài hơi.

Tin bài liên quan