Quý III, ngân hàng lớn giảm 7% thu nhập từ trái phiếu
Tổng số lãi từ trái phiếu gồm cả trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp của 7 ngân hàng nhóm đầu thị trường trái phiếu trong quý III năm nay đã giảm nhẹ xuống còn khoảng 8.300 tỷ đồng, so với mức trung bình khoảng 9.000 tỷ đồng/quý của hai quý đầu năm. Các ngân hàng này gồm Vietinbank, Vietcombank, BIDV, MBBank, Techcombank, Sacombank và VPBank.
Một số ngân hàng chứng kiến thu nhập lãi trái phiếu sụt giảm rất mạnh. Sacombank báo cáo thu nhập từ trái phiếu quý III chỉ đạt 467 tỷ đồng, giảm khoảng 21% so với trung bình của hai quý trước - mặc dù Ngân hàng chỉ giảm khoảng 5% tài sản loại này. Sacombank cũng là ngân hàng đi ngược lại xu hướng khi giảm mạnh đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp - loại tài sản sinh lời cao, và tăng đầu tư vào trái phiếu chính phủ trong quý III.
Ngân hàng VPBank thậm chí chứng kiến thu nhập từ trái phiếu trong quý III sụt giảm khoảng 40% so với trung bình quý I và quý II, đạt chưa đầy 470 tỷ đồng. Ngân hàng này cũng đã tăng mạnh tỷ trọng đầu tư vào trái phiếu chính phủ trên tổng tài sản, lên 7%, tính đến cuối quý III, so với tỷ trọng chỉ 4% thời điểm cuối quý II. Trong khi đó, VPBank tiếp tục duy trì tỷ trọng đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp trên tổng tài sản lên đến 18%.
Các ngân hàng lớn như Vietinbank và Vietcombank cũng đều giảm nhẹ thu nhập từ kênh đầu tư này. Vietcombank đã tăng tỷ trọng đầu tư vào trái phiếu chính phủ trên tổng tài sản từ mức 14% cuối quý II lên 17% cuối quý III, tuy nhiên, thu nhập lãi trái phiếu cũng chỉ bằng với mức trung bình của 2 quý trước.
Sự suy giảm thu nhập này xuất phát từ sự đảo chiều của thị trường trái phiếu chính phủ. Trong quý III, lãi suất trúng thầu của loại tài sản này đã tăng trở lại thêm khoảng 67 - 85 điểm cơ bản cho các kỳ hạn 2 - 5 năm so với mức đáy khoảng 7 - 7,5%/năm thời điểm tháng 5 và tháng 6. Việc tăng điểm này đồng nghĩa với giá của công cụ này giảm khoảng 10%.
Trong khi đó, nhiều ý kiến phân tích tiếp tục dự báo sự suy giảm lợi nhuận từ kênh đầu tư trái phiếu, đặc biệt khi chi phí vốn của các ngân hàng đã lên mặt bằng cao hơn trong giai đoạn cuối năm. Thị trường trái phiếu chính phủ trong khi đó tiếp tục ảm đạm từ đầu quý IV đến nay và lãi suất tiếp tục nhích dần một vài chục điểm trên thị trường này.
Tuy nhiên, vẫn có một số ngân hàng tăng lãi từ trái phiếu trong giai đoạn này, trong đó có MBBank. Đối với ngân hàng này, dù giá trị đầu tư trái phiếu đã giảm nhẹ từ 46.500 tỷ đồng thời điểm cuối quý II xuống còn 43.000 tỷ đồng thời điểm cuối quý III, nhưng báo cáo của Ngân hàng cho thấy, thu nhập từ trái phiếu trong quý III vẫn đạt gần 1.100 tỷ đồng, bằng với mức trung bình của 2 quý trước.
Kết quả này có thể do MBBank đã giảm mạnh đầu tư vào trái phiếu Kho bạc trong kỳ để chuyển sang trái phiếu chính phủ bảo lãnh: tổng danh mục đầu tư vào trái phiếu chính phủ bảo lãnh và tín phiếu Kho bạc đã tăng thêm khoảng 16.000 tỷ đồng trong kỳ báo cáo này.
Bản thân các ngân hàng dường như đang cố xoay sở cải thiện lợi nhuận từ các nghiệp vụ khác. Đối với nhóm 7 ngân hàng trên, bất chấp thu nhập từ đầu tư trái phiếu giảm 7%, tổng lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng này vẫn tăng khoảng 9% so với mức trung bình của quý I và quý II.
Mặc dù trái phiếu doanh nghiệp đã bùng nổ trong quý III với tổng lượng phát hành lên tới 20.000 tỷ đồng, báo cáo của các ngân hàng - những tổ chức gần như duy nhất tham gia mua lượng trái phiếu này - lại cho thấy, giá trị danh mục vào trái phiếu doanh nghiệp không thay đổi đáng kể so với cuối quý II.
Chỉ có Vietinbank báo cáo đã tăng khoảng hơn 2.000 tỷ đồng đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp, VPBank tăng khoảng 750 tỷ đồng, trong khi đó, Techcombank thậm chí báo cáo giảm khoảng 450 tỷ đồng vào kênh này. BIDV và Vietcombank không báo cáo chi tiết.
>>Nộp hồ sơ niêm yết, cổ phiếu BIDV tăng giá
>>BIDV: nguy cơ mất 2,7 tỷ đồng vì hợp đồng tín dụng sơ hở