Ngân hàng loay hoay cho vay dự án xanh

0:00 / 0:00
0:00
Khó thu xếp nguồn vốn khi tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn bị siết chặt và việc thiếu hướng dẫn về tiêu chí xác định dự án xanh khiến ngân hàng bối rối khi cho vay.

Thiếu tiêu chí, ngân hàng bối rối thẩm định cho vay

Ưu tiên các dự án xanh, phát triển bền vững đang là định hướng của nhiều ngân hàng. Ông Võ Văn Quang, Phó tổng giám đốc, Giám đốc Khối Đầu tư Bac A Bank cho biết, hiện tại, dư nợ tín dụng xanh của Bac A Bank chiếm hơn 21% tổng dư nợ cho vay của Ngân hàng, chủ yếu là các dự án nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, dự án trồng rừng, dự án du lịch sinh thái nằm trong hệ sinh thái kinh tế xanh, dự án áp dụng khoa học - công nghệ hiện đại và sản xuất theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn…

Thống kê của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho thấy, hiện có 47 ngân hàng phát sinh dư nợ tín dụng xanh. Tuy vậy, dư nợ tín dụng xanh mới chiếm 4,5% tổng dư nợ nền kinh tế. Nguyên nhân khiến tỷ lệ tín dụng xanh còn khiêm tốn, theo lãnh đạo các ngân hàng thương mại, là do hành lang pháp lý về vấn đề này chưa đầy đủ.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng giám đốc Vietcombank cho hay, dù rất muốn đẩy mạnh tín dụng xanh, song ngân hàng này vẫn đang loay hoay vì các chuẩn mực với dự án xanh chưa có. “Rất mong các bộ, ngành sớm xây dựng tiêu chí về dự án xanh để ngân hàng có tiêu chí triển khai”, ông Tùng kiến nghị.

Trong báo cáo kiến nghị mới đây, nhóm chuyên gia nghiên cứu Trường đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, để phát triển tín dụng xanh, giải pháp đầu tiên là phải hoàn thiện khung pháp lý. Cụ thể, phải xây dựng các tiêu chí xác định dự án xanh. Đây là cơ sở để các tổ chức tín dụng căn cứ lựa chọn, thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng xanh cho các dự án.

Việc thiếu hướng dẫn cụ thể về danh mục xanh, dự án xanh khiến các tổ chức tín dụng khó khăn trong việc lựa chọn dự án, thẩm định cho vay.

“Cần xây dựng lộ trình cụ thể cho việc thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ các lĩnh vực, ngành xanh về thuế, phí, vốn, kỹ thuật, thị trường, quy hoạch, chiến lược phát triển... một cách đồng bộ, nhằm thu hút và phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng xanh”, nhóm nghiên cứu đề xuất.

Theo bà Trần Tường Vân, Giám đốc tư vấn, CTCP Tư vấn EY Việt Nam, các ngân hàng đang sẵn sàng cho vay xanh và rất muốn tìm kiếm khách hàng phù hợp. Nhưng để mở rộng cho vay, các ngân hàng cũng đang rất trăn trở về tiêu chí phân loại xanh và nguồn vốn để cho vay xanh.

Đa dạng hóa nguồn vốn xanh để cho vay

Dư nợ tín dụng xanh tăng trưởng khoảng 20%/năm, song tăng trưởng trên nền số 0, nên thực chất vẫn còn rất khiêm tốn. Đặc biệt, các ngân hàng hiện nay không có nhiều vốn cho vay trung và dài hạn đối với Dự án xanh. Nhiều Dự án xanh hiện rủi ro cao, lợi nhuận thấp, nên không thể kỳ vọng ngân hàng tăng đổ vốn, mà phải tìm đến các nguồn tài trợ khác. Đặc biệt, rất cần sự hỗ trợ, bảo lãnh của Chính phủ với tín dụng xanh.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế

Ngoài thiếu hành lang pháp lý, các ngân hàng thương mại cũng đang khó khăn trong việc tìm nguồn vốn xanh để cho vay. Thời gian qua, nhiều ngân hàng thành công trong việc huy động hàng tỷ USD từ các tổ chức quốc tế. Tuy nhiên, nguồn vốn này vẫn còn nhỏ bé so với nhu cầu thị trường. Ông Võ Văn Quang thừa nhận, Bac A Bank đang phải tính toán rất căn cơ khi cho vay tín dụng xanh, bởi nguồn để cho vay dự án xanh không nhiều.

Hiện có hơn 80% vốn huy động của các tổ chức tín dụng là ngắn hạn, trong khi tín dụng xanh chủ yếu là dự án dài hạn (5-20 năm). Trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước siết chặt tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, các ngân hàng thương mại càng khó bố trí nguồn vốn dài hạn để cho vay. Chưa kể, rủi ro với cho vay các dự án này không nhỏ, trong khi thời gian thu hồi vốn dài.

“Tín dụng xanh ở nước ta còn quá khiêm tốn. Hiện tại, tỷ lệ dùng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn xuống rất thấp, các ngân hàng đang bị ‘bó tay’ bởi tỷ lệ đó. Chưa kể, đa phần dự án xanh đòi hỏi lãi suất cho vay thấp, tương đương với lợi nhuận thấp, trong khi rủi ro lớn. Nhiều dự án xanh (như trong lĩnh vực năng lượng), nếu không có sự bảo trợ của Chính phủ, thì khả năng dự án vỡ nợ là có, đồng nghĩa rủi ro cho ngân hàng”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhận định.

Các chuyên gia nghiên cứu Trường đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, cần có cơ chế cho phép bảo lãnh các khoản tín dụng xanh hoặc thành lập định chế tài chính đặc biệt trong cấp tín dụng xanh vào các dự án trọng điểm. Chính phủ cũng có thể nghiên cứu thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển bền vững cho các dự án xanh trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của các nước và rà soát lại hệ thống chính sách hiện hành để đảm bảo tập trung, tránh phân bổ nguồn lực dàn trải.

Ngoài ra, có thể cân nhắc cho phép không tính nguồn vốn để cho vay các dự án xanh vào tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn và ưu đãi tái cấp vốn, tái chiết khấu, giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với phần nguồn vốn ngân hàng huy động để tài trợ cho các dự án tín dụng xanh. Đồng thời, nới room tín dụng với các ngân hàng cho vay dự án xanh.

Tin bài liên quan