Thưa ông, việc các NH phải điều chỉnh chỉ tiêu kinh doanh năm 2012 theo hướng giảm từ doanh thu, lợi nhuận đến thuế… có phải do khó khăn của doanh nghiệp (DN) đã “ngấm” vào các NH?
Đó là hệ quả tất yếu. DN khó khăn đến một lúc nào đó sẽ kéo NH theo. NH cho DN vay để đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, DN phát triển thì NH sẽ phát triển và ngược lại. Trước đây, nhiều NH cho vay với lãi suất cao ngất ngưởng, khi tình hình kinh tế vĩ mô không sáng sủa, DN khó trả tiền lại cho NH, đó là một hệ lụy không tránh khỏi.
Ngoài ra, còn một vấn đề khác là năm nay các NH không thể giấu được nợ xấu như các năm trước, mà phải làm rõ các loại nợ xấu. Kê nợ xấu ra phải trích lập dự phòng, và việc trích lập dự phòng ăn vào lợi nhuận nên các chỉ tiêu kinh doanh và lợi nhuận phải điều chỉnh giảm. Rõ ràng nợ xấu ảnh hưởng rất nhiều đến lợi nhuận của hệ thống NH.
Nói vậy, bây giờ NH mới lộ ra giá trị thực, hệ quả sẽ ra sao?
Trước đây NH báo cáo không trung thực, không chính xác hiệu quả hoạt động nên mới tạo ra con số lãi khủng thế. Nợ xấu nếu là 10% sẽ tương đương với 270.000 tỷ đồng, trong khi tổng vốn điều lệ của hệ thống NH chỉ 220.000 tỷ đồng. NH đang hoạt động với vốn âm, hệ thống đã bị lung lay đến tận gốc rễ.
Do vậy nếu không giải quyết “sức khỏe” của DN sẽ không giải quyết được vấn đề nợ xấu, không giải quyết được nợ xấu, NH đứng trước bờ vực phá sản. Không chỉ năm 2012 mà sẽ còn ảnh hưởng mạnh đến kết quả năm 2013. Nếu không có sự điều chỉnh chính sách đột phá của Chính phủ để hỗ trợ DN phục hồi và phát triển, hệ quả đối với các NH trong năm 2013 còn khủng khiếp hơn.
Theo ông, tình trạng kém hiệu quả của các NH bây giờ mới bộc lộ rõ là bình thường hay bất thường?
Vô cùng bất thường. Việt Nam có 49 NHTMCP, nhưng thật sự chỉ có 10-12 NH hoạt động có hiệu quả và chiếm 80-85% thị phần tín dụng, 37 NH còn lại hoạt động trong thị phần chỉ 10-15%, làm sao hoạt động bình thường được.
Vì vậy mới có chuyện NH dùng “vũ khí” lãi suất huy động để sống còn và hệ quả ảnh hưởng đến cả hệ thống, tình trạng “xé rào” của nhiều NH vừa vi phạm pháp luật, vừa tạo ra tình hình bất ổn cho nền kinh tế… Tôi cho rằng, phải xem xét những NH nào không hiệu quả để cho giải thể và phá sản một cách ổn định. Nếu chỉ còn khoảng 20 NH thay vì 49 có lẽ hoạt động sẽ ổn định hơn.
Việc không cho NH phá sản khiến hệ thống NH có nhiều bất ổn như thời gian qua?
Đó cũng là một trong những lý do tạo cho các NH niềm tin rằng cứ làm bậy vẫn có NHNN đứng sau để cứu vãn tình thế. Phải làm sao để NH hoạt động có trách nhiệm. Không thể vô trách nhiệm khi có NH đẩy lãi suất huy động lên cao để tài trợ cho dự án của các ông chủ NH rồi biến thành nợ xấu.
Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình, nợ xấu của nhiều NH lên đến 40-50%, trong đó phần lớn nằm trong HĐQT, những người có cổ phần lớn trong NH. Như vậy, hoạt động của NH là không bình thường, không hợp pháp, vi phạm những quy định về hoạt động của NH.