Nợ xấu lĩnh vực bất động sản là đáng quan ngại, dù tỷ trọng dư nợ toàn hệ thống ngân hàng chỉ chiếm khoảng 8%. Ảnh: Dũng Minh

Nợ xấu lĩnh vực bất động sản là đáng quan ngại, dù tỷ trọng dư nợ toàn hệ thống ngân hàng chỉ chiếm khoảng 8%. Ảnh: Dũng Minh

Ngân hàng lo “chạy” nợ xấu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chất lượng tài sản của các ngân hàng tương đối ổn định trong quý III/2022, nhưng xuất hiện không ít yếu tố tiêu cực kể từ đầu quý IV/2022, có thể khiến nợ xấu tăng mạnh hơn trong những quý tới.

Dư nợ tín dụng bất động sản thấp, nhưng nguy cơ nợ xấu cao

Theo Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ nợ nội xấu bảng toàn hệ thống ngân hàng đến cuối tháng 8/2022 khoảng 1,9% (tăng từ mức 1,5% cuối năm 2021), tỷ lệ nợ xấu gộp (gồm nợ xấu nội bảng, nợ xấu bán cho VAMC chưa xử lý được, nợ xấu tiềm ẩn từ các khoản cơ cấu lại do dịch Covid-19) khoảng 4,99%, giảm so với mức 6,3% cuối năm 2021.

Về kết quả xử lý nợ xấu, ngày 30/6/2022 là thời điểm kết thúc gia hạn các khoản nợ cơ cấu theo Thông tư 14/2021/TT-NHNN. Tính đến cuối tháng 6/2022, dư nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ khoảng 178.000 tỷ đồng, tương đương 1,6% tổng dư nợ tín dụng, trong khi tỷ lệ bao phủ nợ xấu của ngành ngân hàng ở mức cao (đạt 143%), nên việc hết thời gian gia hạn cơ cấu khoản nợ không ảnh hưởng nhiều đến an toàn của ngành ngân hàng.

Tuy nhiên, theo ACBS, điều đáng chú ý là động thái kiểm soát tín dụng của Chính phủ khiến các doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn. Đặc biệt, cuộc khủng hoảng niềm tin đối với trái phiếu doanh nghiệp khiến kênh huy động vốn quan trọng của các doanh nghiệp bất động sản bị tắc nghẽn. Các doanh nghiệp này sẽ phải đối mặt với áp lực thanh toán khi trái phiếu đáo hạn và áp lực mua lại trái phiếu trước hạn để hạn chế rủi ro pháp lý.

Nhìn sang thị trường Trung Quốc, ước tính của Citigroup cho thấy, tỷ lệ nợ xấu lĩnh vực bất động sản ở nước này là gần 30%, rất cao so với tỷ lệ nợ xấu nội bảng là hơn 1%.

TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho biết, các doanh nghiệp bất động sản Việt Nam nhìn chung có sức khoẻ tài chính tốt hơn so với Trung Quốc, nhưng trước tình hình thanh khoản căng thẳng kéo dài, một số doanh nghiệp có thể lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán và trở thành nợ xấu nếu không được tái cơ cấu nợ.

Một lãnh đạo cao cấp ACB ước tính: “Tỷ trọng dư nợ tín dụng doanh nghiệp bất động sản của hệ thống là 8% (trong đó, 7% là cho vay và 1% là trái phiếu doanh nghiệp). Trong trường hợp tỷ lệ nợ xấu lĩnh vực bất động sản tăng lên 20%, tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng sẽ tăng thêm 1,6%”.

Đối với nhóm ngân hàng niêm yết, bà Trần Thị Thu Thảo, chuyên gia phân tích Công ty Chứng khoán VNDIRECT cho hay, chất lượng tài sản của các ngân hàng bị ảnh hưởng bởi thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng kết thúc vào cuối tháng 6/2022. Tỷ lệ nợ xấu trung bình của 15 ngân hàng niêm yết tăng lên mức 1,44% vào cuối quý III/2022, từ mức 1,34% cuối quý II/2022 và mức 1,28% cuối năm 2021. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) trung bình của các ngân hàng này là 168,7% vào cuối quý III/2022, thấp hơn so với mức 172,6% cuối quý II/2022, nhưng cao hơn mức 159,6% cuối năm 2021.

“Bên cạnh đó, trích lập dự phòng tính đến cuối quý III/2022 của 15 ngân hàng niêm yết tăng 32,9% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng giảm 1,1% so với cuối quý II/2022. Tỷ lệ dự phòng trên cho vay của 15 ngân hàng niêm yết đã giảm về mức trước dịch Covid-19”, bà Thảo nói.

Con đường gập ghềnh phía trước

Tỷ lệ nợ xấu trung bình của 15 ngân hàng niêm yết cuối quý III/2022 là 1,44%, tăng so với mức 1,34% cuối quý II và mức 1,28% cuối năm 2021.

Tuần qua, VietinBank Chi nhánh Khu công nghiệp Biên Hoà thông báo bán khoản nợ thương mại của Công ty TNHH Việt Thuận Thành để thực hiện triển khai xử lý nợ theo quy định. Tổng dư nợ vay (tạm tính đến ngày 8/12/2022) là gần 1.300 tỷ đồng, trong đó, nợ gốc gần 442 tỷ đồng, nợ lãi cộng dồn hơn 700 tỷ đồng và nợ lãi phạt cộng dồn là 146 tỷ đồng.

Tương tự, VietinBank Chi nhánh Bắc Phú Thọ thông báo bán đấu giá tài sản là toàn bộ khoản nợ của Công ty cổ phần Giấy BBP, tạm tính dư nợ gốc đến ngày 30/6/2022 là 212 tỷ đồng, lãi vay trong hạn gần 155 tỷ đồng, lãi phạt quá hạn gần 22 tỷ đồng (tổng dư nợ gốc cùng lãi là hơn 389 tỷ đồng). Bên cạnh đó, VietinBank thông báo bán các khoản nợ cho vay tiêu dùng với danh sách là 452 người, tổng giá trị ghi sổ khoản nợ (bao gồm gốc, lãi, lãi phạt) gần 10 tỷ đồng.

Tại Agribank Chi nhánh Đông Hà Nội, toàn bộ giá trị ghi sổ khoản nợ của Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Thăng Long phát sinh đến ngày 9/9/2022 là hơn 156 tỷ đồng và 664.500 USD, giá trị quy đổi là trên 172 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ gốc là 78,4 tỷ đồng và 400.000 USD; nợ lãi gần 78 tỷ đồng và 264.500 USD.

Agribank Chi nhánh Trường Sơn sẽ bán đấu giá quyền sử dụng đất tại thửa đất số 171, tờ bản đồ số 49 ở phường Trường Thạnh, Quận 9 (nay là TP. Thủ Đức), TP.HCM là tài sản bảo đảm cho khoản vay của Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Thiết kế Hợp Thành theo hợp đồng thế chấp ký ngày 6/8/2020, với giá khởi điểm gần 14 tỷ đồng.

BIDV Chi nhánh Ninh Thuận vừa thông báo bán đấu giá tài sản bảo đảm là công trình xây dựng trên đất tại địa chỉ 87 đường Bác Ái, phường Đô Vinh, TP. Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận, với giá khởi điểm 37 tỷ đồng.

BIDV Chi nhánh Thành Đô thông báo tổ chức bán đấu giá lần 2 tài sản bảo đảm là quyền sử dụng 67,2 m2 đất ở, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại Tổ 2, phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội, với giá khởi điểm 4,7 tỷ đồng.

Không chỉ ngân hàng có vốn nhà nước, mà các ngân hàng thương mại cổ phần cũng trong “vòng xoáy” thanh lý tài sản thế chấp.

Trên website của VIB, ngân hàng bán lẻ có tốc độ tăng trưởng cao và đang tập trung cho vay mua nhà, mua xe cũng dày đặc danh mục các tài sản chờ thanh lý.

“Biên lãi ròng (NIM) thu hẹp và chi phí dự phòng tăng là khó tránh khỏi khi VIB có tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) không quá cao và tỷ lệ bán lẻ gần như đã được tối ưu hóa. Chất lượng tài sản của Ngân hàng cũng không được tốt bằng một số đơn vị khác ở cùng phân khúc cho vay”, chuyên gia phân tích của VNDIRECT nhận định.

VPBank vừa thông báo thu giữ tài sản bảo đảm liên quan đến khoản vay của một cá nhân là quyền sử dụng đất có diện tích 531,6 m2 và tài sản gắn liền với đất tại thửa đất số 1069, tờ bản đồ số 18, ở phường Thịnh Đán, TP. Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên do vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trả nợ theo hợp đồng cho vay ký ngày 11/3/2021. Trước đó, Ngân hàng này thông báo lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản là các khoản nợ cho vay tiêu dùng.

“Là doanh nghiệp đầu ngành trong mảng cho vay tiêu dùng với thương hiệu FE Credit, tuy nhiên, hồi phục sau dịch Covid-19 của mảng này hiện tương đối yếu. Bên cạnh đó, tỷ trọng trái phiếu doanh nghiệp/bất động sản tương đối cao sẽ tạo nên rủi ro về chất lượng tài sản của VPBank”, chuyên gia phân tích VNDIRECT nhận xét.

Với HDBank, chuyên gia của VNDIRECT cho rằng, chất lượng tài sản có thể bị ảnh hưởng do Ngân hàng đang tham gia vào thị trường cho vay tiêu dùng - một thị trường sẽ gặp khó khăn khi kinh tế suy giảm.

Ngân hàng Thế giới cảnh báo, vốn mỏng và tỷ lệ dự phòng khác nhau ở các ngân hàng là một vấn đề đáng quan ngại.

Ngày 15/12/2022, Ngân hàng Nhà nước có Văn bản số 8774/NHNN-TTGSNH yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nghiêm túc thực hiện các quy định về bán tài sản bảo đảm.

Cụ thể, thực hiện hạch toán các khoản vay đảm bảo đúng quy định pháp luật; phân loại, trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ đối với các khoản vay chưa thu được nợ gốc theo quy định pháp luật, trong đó đặc biệt lưu ý không tất toán các khoản vay mà tổ chức tín dụng thực hiện bán tài sản bảo đảm trả chậm nhưng chưa thu được tiền.

Rà soát, đảm bảo thực hiện bán tài sản bảo đảm đúng quy định pháp luật và kịp thời có biện pháp xử lý, khắc phục nếu phát hiện vi phạm.

Tăng cường công tác thẩm định, đánh giá thận trọng năng lực tài chính, khả năng chi trả theo lộ trình kế hoạch đặt ra của bên mua tài sản bảo đảm đối với những trường hợp bán tài sản bảo đảm trả chậm phát sinh mới.

Theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình tài chính của bên mua tài sản bảo đảm để phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường về khả năng thực hiện các nghĩa vụ tài chính của bên mua tài sản bảo đảm, tăng cường kiểm soát rủi ro, kịp thời có biện pháp xử lý phù hợp nhằm thu hồi nợ xấu hiệu quả, đúng lộ trình đặt ra.

Tin bài liên quan