Đua phát hành trái phiếu mới
Báo cáo tình hình phát hành trái phiếu doanh nghiệp 7 tháng đầu năm 2020 của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cho thấy, giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp lên đến 179.500 tỷ đồng, với kỳ hạn phát hành bình quân 3,97 năm.
Trong đó, chỉ riêng tháng 7, giá trị phát hành của các tổ chức tín dụng là 8.134,9 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 40,79% giá trị 7 tháng; các doanh nghiệp bất động sản là 6.993,9 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 35,07%.
Riêng các tổ chức tín dụng, lũy kế 7 tháng, giá trị phát hành đạt 55.434 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ 2019. Trong đó, 98% số trái phiếu phát hành tập trung trong quý II/2020; khoảng 67% là các trái phiếu 2-3 năm có lãi suất cố định, chỉ 33% là các trái phiếu dài hạn 7-15 năm có lãi suất thả nổi.
Kỳ hạn bình quân của trái phiếu do các ngân hàng phát hành là 4,55 năm, dài hơn mức 4,12 năm của năm 2019 và lãi suất bình quân 6,68%/năm, thấp hơn mức lãi suất 7,04%/năm của 2019.
Có 3 ngân hàng có kỳ hạn trái phiếu bình quân trên 5 năm (BIDV, VietinBank, ACB). Lãi suất các khoản trái phiếu kỳ hạn dài ở mức 7,5-8,5%/năm.
BIDV tiếp tục là ngân hàng phát hành nhiều nhất với 15.200 tỷ đồng trái phiếu có kỳ hạn từ 6 đến 15 năm.
Đây là những trái phiếu đủ tiêu chuẩn để tính vào vốn cấp 2 và BIDV đều có quyền mua lại trước hạn sau 1-5 năm, riêng các trái phiếu 15 năm là sau 10 năm kể từ ngày phát hành. Nếu không thực hiện quyền mua, lãi suất các kỳ sau sẽ tăng cao.
Tính theo kỳ hạn thực hiện quyền mua, số trái phiếu của BIDV phát hành trong 6 tháng đầu năm 2020 có kỳ hạn bình quân là 2,34 năm.
Lãi suất bình quân kỳ đầu tiên 7,45%/năm, cao hơn lãi suất tiền gửi tiết kiệm gần 2 điểm phần trăm và các kỳ sau của trái phiếu cộng thêm biên độ từ 0,6-1,2%/năm.
Kế đến là HDBank, khi ngân hàng này vừa phát hành 15 triệu trái phiếu, với tổng giá trị 1.500 tỷ đồng (mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu).
Lãi suất trái phiếu cố định 8,5%/năm, được thanh toán hàng năm, định kỳ vào các ngày tròn năm so với ngày phát hành.
Đây là loại trái phiếu doanh nghiệp không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không được đảm bảo bằng tài sản của tổ chức phát hành, thỏa mãn các điều kiện để tính vào vốn cấp 2 của HDBank theo quy định hiện hành.
Tính từ đầu năm 2020 đến nay, HDBank phát hành lượng trái phiếu có tổng mệnh giá khoảng 8.500 tỷ đồng.
Các trái phiếu HDBank phát hành có kỳ hạn 2-3 năm, mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu với lãi suất dao động từ 5,5-5,93%/năm. Số lượng trái phiếu này nằm trong kế hoạch huy động vốn bằng trái phiếu được HĐQT HDBank thông qua vào tháng 3/2020, với tổng mệnh giá phát hành tối đa 10.000 tỷ đồng.
VPBank với lượng trái phiếu phát hành đạt 7.000 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, kỳ hạn 3 năm, lãi suất 6,06%/năm. VIB, TPBank, OCB cũng có lượng phát hành trái phiếu từ 3.000 tỷ đồng đến dưới 4.000 tỷ đồng trong 6 tháng qua.
Nhóm ngân hàng này chủ yếu phát hành trái phiếu kỳ hạn 2-5 năm, lãi suất 5,9-6,88%/năm.
Mới đây, HĐQT VietinBank đã thông qua phương án phát hành 11.000 tỷ đồng trái phiếu dài hạn trong năm 2020 nhằm tăng quy mô vốn cấp 2.
Lượng trái phiếu này dự kiến được chào bán trong quý III và quý IV/2020. Trong nửa đầu năm nay, VietinBank đã phát hành thành công 550 tỷ đồng trái phiếu, kỳ hạn bình quân 8,64 năm, lãi suất bình quân 7,83%/năm.
... Và mua lại trái phiếu trước hạn
Song song với việc phát hành hàng nghìn tỷ đồng trái phiếu mới, các ngân hàng cũng tiến hành mua lại hàng chục nghìn tỷ đồng trái phiếu trước hạn.
Trong tháng 6 và đầu tháng 7/2020, VPBank công bố mua lại 2.000 tỷ đồng trái phiếu phát hành năm 2018 và 800 tỷ đồng trái phiếu phát hành trong năm 2019.
Đồng thời, VPBank lên kế hoạch mua lại 300 triệu USD trái phiếu đã phát hành theo chương trình Euro Medium Term Note, niêm yết tại thị trường chứng khoán nước ngoài. Thời gian thực hiện trong năm 2020 hoặc 2021 tuỳ điều kiện thị trường.
Từ đầu tháng 6/2020 tới nay, HDBank thông báo đã mua lại 2.300 tỷ đồng trái phiếu phát hành trong năm 2019 và 500 tỷ đồng trái phiếu trong năm 2018. Trước đó, HĐQT HDBank đã thông qua phương án mua lại 8.520 tỷ đồng trái phiếu trước hạn trong năm nay.
Mới đây, BIDV đã thực hiện mua lại toàn bộ 3.500 tỷ đồng trái phiếu tăng vốn phát hành đợt 1 năm 2015, kỳ hạn 10 năm 1 ngày và BIDV có quyền mua lại sau 05 năm.
Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không được bảo đảm hoặc bảo lãnh, được phát hành, thanh toán bằng tiền đồng, xác lập nghĩa vụ trả nợ trực tiếp là nợ thứ cấp, thỏa mãn điều kiện để tính vào vốn cấp 2 của BIDV.
SeABank, VIB, BAC A BANK và OCB cũng mua lại trước hạn lần lượt 2.250 tỷ đồng, 1.600 tỷ đồng, 1.300 tỷ đồng và 1.600 tỷ đồng trái phiếu đã phát hành trong các năm 2018, 2019.
Việc đẩy mạnh mua lại trái phiếu trước hạn của các ngân hàng diễn ra trong bối cảnh thanh khoản của nhà băng đang dư thừa, tín dụng thấp tăng trưởng thấp. 7 tháng đầu năm 2020, tín dụng toàn ngành mới tăng xấp xỉ 4%.
Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng có xu hướng cắt giảm chi phí vốn nhằm bù đắp cho sự đi xuống của thu nhập từ lãi khi phải liên tục triển khai các chương trình giảm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân chịu tác động của đại dịch Covid-19.
Chia sẻ về việc mua lại 8.520 tỷ đồng trái phiếu trước hạn trong năm nay, HDBank cho biết, Ngân hàng hiện có nguồn vốn dồi dào với chi phí huy động thấp so với các năm trước đây.
Do đó, việc chủ động mua lại trước hạn các trái phiếu giúp HDBank cơ cấu lại nguồn vốn, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và giảm chi phí vốn.
Theo số liệu từ báo cáo tài chính hợp nhất năm 2019 đã kiểm toán, tính đến 31/12/2019, HDBank có khoảng 18.400 tỷ đồng trái phiếu đang lưu hành, trong đó phần lớn là các trái phiếu kỳ hạn từ 1 năm đến dưới 5 năm (15.400 tỷ đồng).
Chuyên gia tài chính - ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc các ngân hàng mua lại lượng trái phiếu hành hành có giá cao trước đây là phù hợp ở thời điểm này, khi mà thanh khoản của ngân hàng đang dôi dư.
Ông Ngô Đăng Khoa - Giám đốc toàn quốc Khối Kinh doanh tiền tệ - Thị trường vốn HSBC Việt Nam thì cho biết, kênh trái phiếu giúp các ngân hàng và doanh nghiệp mọi ngành nghề huy động vốn dài hạn, đáp ứng tiêu chí an toàn vốn, giảm áp lực huy động vốn cho hệ thống ngân hàng, định hướng đầu tư trung và dài hạn thay vì gửi tiết kiệm ngắn hạn.
Các ngân hàng dùng kênh trái phiếu để đáp ứng các yêu cầu mới về tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu do Ngân hàng Nhà nước ban hành, cũng như huy động thêm nguồn vốn hỗ trợ kinh doanh.