Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) vừa công bố bức tranh toàn cảnh kết quả kinh doanh quý I/2018 của ngân hàng trên sàn chứng khoán. Theo đó, tổng thu nhập hoạt động và lợi nhuận trước thuế của 14 ngân hàng niêm yết lần lượt đạt 56.340 tỷ đồng và 20.126 tỷ đồng, tăng 35% và 52% so với cùng kỳ 2017.
Nguồn thu nhập chính trong cơ cấu thu nhập của các ngân hàng vẫn là thu nhập lãi. Tuy vậy, sự tăng trưởng và tỷ trọng đóng góp trong cơ cấu có sự phân hóa giữa các nhóm ngân hàng. Thu nhập ngoài lãi ở nhóm ngân hàng nhỏ như KLB, EIB, LPB giảm nhẹ. Ở nhóm ngân hàng lớn, CTG, VCB, BID, mức tăng trưởng mạnh ghi nhận ở BID với mức tăng hơn 34%.
Trong khi đó, ACB, MBB, STB hay VCB có cơ cấu thu nhập ít phụ thuộc vào thu nhập lãi, với tỷ trọng dưới 80%. Điều này sẽ giúp thu nhập hoạt động của ngân hàng ít bị ảnh hưởng hơn so với các ngân hàng khác một khi hoạt động cho vay của nền kinh tế gặp khó khăn. Cùng với đó, tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng hiện đang bị giới hạn bởi mức room do Ngân hàng Nhà nước cấp. Đây cũng là hạn chế khi các ngân hàng khi muốn mở rộng thu nhập từ lãi.
Hoạt động dịch vụ ghi nhận xu hướng khả quan, đặc biệt ở các ngân hàng tốp đầu như ACB, BID, STB, và VCB. Theo phân tích của VDSC, kết quả này được đóng góp bởi hai yếu tố gồm mở rộng mảng dịch vụ và tăng phí dịch vụ. Thực tế, khá nhiều ngân hàng vẫn đang áp dụng mức phí bằng khoảng 30 - 50% mức trần cho phép của Ngân hàng Nhà nước, thậm chí nhiều ngân hàng nhỏ miễn phí giao dịch. Do đó, nhận định của VDSC, dư địa để các ngân hàng tăng phí dịch vụ được đánh giá khá lớn.
Tuy nhiên, qua báo cáo tài chính quý I/2018 của các ngân hàng sau kiểm toán, có một yếu tố cũng cần lưu ý trong kết quả kinh doanh ngành ngân hàng. Đó là tăng trưởng các nguồn thu từ kinh doanh chứng khoán, góp vốn, mua cổ phần đều rất cao. Đây là kết quả của việc lợi tức trái phiếu giảm thấp và thị trường chứng khoán tăng điểm trong quý I/2018.
Tại Techcombank, tỷ trọng thu nhập thuần/tổng thu nhập hoạt động chỉ ở mức 54,6%, trong khi lợi nhuận từ các hoạt động phi tín dụng chiếm tới 45,4% tổng thu nhập.
Kết thúc 3 tháng đầu năm, tín dụng của Techcombank tăng trưởng ở mức khá khiêm tốn là 1,93% (thấp hơn so với mức tăng trưởng trung bình của toàn hệ thống là 3,5%). Theo đó, mảng này mang về cho Ngân hàng khoản lãi thuần 2.546 tỷ đồng, tăng 16,6% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, Techcombank lại chứng kiến sự bật tăng mạnh đến từ các mảng khác như mảng mua bán chứng khoán đầu tư trong kỳ ghi nhận khoản lợi nhuận thuần tăng tới gấp 4,7 lần, lên 441 tỷ đồng. Thu nhập từ góp vốn, mua cổ phần cũng báo lãi tới 894 tỷ đồng, gấp 2,5 lần quý I/2017, chiếm lần lượt 9,5% và 19,2% tổng lợi nhuận.
Mua bán chứng khoán đầu tư của ACB trong quý I/2018 cũng lãi gấp 3 lần cùng kỳ, đạt 138 tỷ đồng. Ông Đỗ Minh Toàn, Tổng giám đốc ACB cho biết, 5 năm qua, ACB tập trung đẩy mạnh xử lý các tồn đọng nên chưa đủ nguồn lực để đón nhận các cơ hội đầu tư. Do đó, kể từ năm 2018, ACB sẽ tập trung hơn vào việc tìm kiếm và đón nhận cơ hội đầu tư. Bên cạnh đó, ACB đẩy mạnh nguồn thu ngoài lãi, thu từ dịch vụ, đồng thời, tiết giảm chi phí và quản lý tốt chi phí.
Lãi từ chứng khoán kinh doanh và chứng khoán đầu tư của VPBank cũng cải thiện rõ rệt trong quý đầu năm nay, lần lượt đạt 30 tỷ đồng và 177 tỷ đồng, tăng gấp 7,5 lần và 2,4 lần so với cùng kỳ năm 2017.
Tổng thu nhập phi tín dụng của Vietinbank trong quý đầu năm nay là hơn 1.601 tỷ đồng, tăng 3% so với đầu năm nay. Trong đó, lãi từ hoạt động dịch vụ tăng 15,6%, đạt 592 tỷ đồng; lãi từ mua bán chứng khoán kinh doanh tăng gấp đôi, đạt 239 tỷ đồng; lãi từ chứng khoán đầu tư đạt 79 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ bị lỗ 17 tỷ đồng. Hoạt động kinh doanh ngoại hối có lãi thấp hơn so với cùng kỳ, giảm 12,7% còn 234 tỷ đồng. Thu từ góp vốn mua cổ phần của VietinBank đạt 99 tỷ đồng, tăng hơn 3,5 lần...
Kết quả, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của VietinBank trước dự phòng đạt 5.379 tỷ đồng. Sau khi trừ đi 2.351 tỷ đồng chi phí dự phòng rủi ro, lợi nhuận trước thuế đạt 3.027 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ, hoàn thành 28% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các nhà phân tích chứng khoán, với xu hướng lãi suất tăng lại trong quý II/2018 và thị trường chứng khoán giảm sâu, nguồn thu này từ đầu tư chứng khoán khó duy trì được đà tăng tốt trong các quý còn lại của năm 2018 cho các ngân hàng. Đó là chưa kể, nhà băng có nguy cơ thua lỗ do diễn biến trồi sụt bất thường của thị trường chứng khoán trong thời gian qua.