Ngân hàng lại rao bán 400 khoản nợ vay tiêu dùng để thu hồi nợ

0:00 / 0:00
0:00
Trong đó, khoản nợ thấp nhất chỉ vài trăm nghìn đồng, khoản nợ cao nhất gần 270 triệu đồng.
Ngân hàng lại rao bán 400 khoản nợ vay tiêu dùng để thu hồi nợ

Ngân hàng TMCP VietinBank vừa rao bán 400 khoản nợ vay tiêu dùng để thu hồi nợ. Các khoản nợ này đều không có tài sản đảm bảo, trong đó, khoản nợ thấp nhất là hơn 200 nghìn đồng, khoản nợ cao nhất là gần 270 triệu đồng.

Tổng giá trị của 400 khoản nợ này gần 7,5 tỷ đồng và cũng là giá bán khởi điểm được ngân hàng đưa ra. Giá khởi điểm không bao gồm các chi phí liên quan đến việc chuyển nhượng quyền sở hữu, sử dụng tài sản và các chi phí khác nếu có khi thực hiện mua khoản nợ, các chi phí này do người trúng đấu giá chịu. Phương thức bán là bán từng khoản nợ, một số khoản nợ hoặc tất cả các khoản nợ. VietinBank sẽ lựa chọn người mua trả giá cao nhất và ít nhất bằng giá khởi điểm từng khoản nợ.

Việc rao bán nợ vay tiêu dùng được VietinBank thực hiện từ năm 2021 đến nay. Những năm gần đây, mỗi năm Ngân hàng đều vài lần rao bán nợ vay tiêu dùng, mỗi lần rao bán 400- 500 khoản nợ vay tiêu dùng để thu hồi nợ nhưng việc bán nợ rất khó khăn.

Được biết, tại các ngân hàng lớn, nợ xấu cho vay tiêu dùng không có tài sản đảm bảo lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng nhưng công tác thu hồi nợ gặp khó khăn do mất nhiều nguồn nhân lực để thực hiện. Việc bán danh mục các khoản nợ này không thực hiện được do thị trường không có bên mua, do đặc điểm quy mô khoản vay nhỏ và không có tài sản đảm bảo.

Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng không thuê được các dịch vụ thu hồi nợ, do Luật Đầu tư cấm doanh nghiệp kinh doanh các dịch vụ trong lĩnh vực thu hồi nợ.

Những năm trước, các ngân hàng, công ty tài chính thường bán theo lô các khoản nợ xấu cho vay tiêu dùng này cho các công ty thu hồi nợ, các công ty tư vấn luật. Tuy nhiên, thời gian qua, không ít các công ty này đòi nợ theo hình thức cực đoan, khủng bố, bị công an xử lý.

Mới đây, ngày 20/1, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Gia Lai cho biết, đơn vị đang củng cố hồ sơ để khởi tố vụ án, mở rộng điều tra vụ án “Cưỡng đoạt tài sản” do đối tượng Nguyễn Văn Bình (SN 1988, trú tại quận 12, TP Hồ Chí Minh) và Hoàng Quốc Việt (SN 1983, trú tại phường Long Thạnh Mỹ, TP Thủ Đức) cùng nhiều đồng phạm khác thực hiện.

Cụ thể, các đối tượng góp vốn thành lập Công ty cổ phần VFIN và Công ty TNHH VIF với vỏ bọc “Đầu tư khai thác quản lý tài sản” và “Kết nối tài chính”, hai công ty này đã ký hợp đồng mua, bán nợ xấu với nhiều công ty tài chính, sau đó giao thông tin của người nợ cho các bộ phận pháp lý, bộ phận IT và bộ phận xử lý để đưa thông tin lên hệ thống của công ty. Mỗi nhân viên được trang bị một máy tính kết nối mạng và các phần mềm để vào hệ thống thông tin người vay thực hiện hành vi, phương thức, thủ đoạn đòi nợ.

Theo kết quả điều tra, từ tháng 12/2021 đến nay, đường dây này đã chi số tiền hơn 110 tỷ đồng thu mua hơn 3.247 tỷ đồng nợ xấu của 13 công ty tài chính, tổ chức tín dụng. Với các thủ đoạn cưỡng đoạt, chúng đã thu hồi số tiền hơn 300 tỷ đồng.

Tin bài liên quan