9 tháng đầu năm, lợi nhuận của VPBank tăng 2,4 lần cùng kỳ, đạt 1.346 tỷ đồng

9 tháng đầu năm, lợi nhuận của VPBank tăng 2,4 lần cùng kỳ, đạt 1.346 tỷ đồng

Ngân hàng lãi lớn từ cho vay nhỏ lẻ

(ĐTCK) Trong khi không ít ngân hàng báo lỗ quý III do nợ xấu và tín dụng âm, thì với những nhà băng đẩy mạnh cho vay tiêu dùng, nhỏ lẻ, lợi nhuận tăng vọt, nợ xấu được kiểm soát dưới 3% và mạnh tay tuyển dụng nhân sự.

Lợi nhuận tăng nhờ cho vay cá nhân

9 tháng đầu năm, VPBank ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng lên tới 34,8%, với dư nợ cho vay khách hàng tại thời điểm 30/9 đạt xấp xỉ 70.000 tỷ đồng. Thu nhập lãi thuần trong quý III của nhà băng này cũng khá ấn tượng, tăng 14,1%, đạt 1.099 tỷ đồng và 9 tháng tăng gần 45%, đạt 3.524 tỷ đồng. Nguyên nhân một phần do hoạt động cho vay khối khách hàng cá nhân của Ngân hàng tăng mạnh.

Đặc biệt, việc hoàn tất thủ tục mua lại Công ty Tài chính Vinacomin và chuyển đổi công năng sang công ty tài chính cho vay tiêu dùng trong thời gian qua, đã giúp VPBank nhanh chóng mở rộng thị phần tín dụng cho vay nhỏ, lẻ. Kết quả, quý III/2014, VPBank đạt lợi nhuận trước thuế 612 tỷ đồng, tăng 118% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận của Ngân hàng tăng gấp 2,4 lần, đạt 1.346 tỷ đồng, trong khi dự phòng rủi ro phải trích là 552 tỷ đồng, giảm gần 18% so với cùng kỳ.

Sau 9 tháng, Techcombank đạt 98,5% mục tiêu lợi nhuận cả năm 2014, với 1.163 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế; nợ xấu cũng giảm mạnh xuống dưới 3%. Theo lãnh đạo Techcombank, kết quả này là nhờ Ngân hàng chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ, thiết kế các sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường, đặc biệt cho phân khúc khách hàng cá nhân.

“Ngân hàng sẽ đẩy mạnh hoạt động bán lẻ, tăng trưởng tín dụng khối cá nhân, trong đó chú trọng cho vay mua nhà. Techcombank đang hợp tác với nhiều dự án bất động sản đẩy mạnh vốn hỗ trợ cho người mua nhà và cả chủ đầu tư”, ông Đỗ Tuấn Anh, quyền Tổng giám đốc Techcombank cho biết.

Nhờ đẩy mạnh cho vay nhỏ, lẻ và tập trung phân khúc tín dụng mua nhà, tín dụng của Sacombank tăng trưởng 12,6% trong 9 tháng đầu năm, với dư nợ cho vay khách hàng đạt 124.475 tỷ đồng. Nợ xấu kiểm soát dưới 1%. Lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu năm của Sacombank tăng 13,3%, đạt 1.879 tỷ đồng.

Theo ông Phan Huy Khang, Tổng giám đốc Sacombank, sở dĩ lợi nhuận Ngân hàng đạt mức cao và tín dụng vượt chỉ tiêu cả năm là nhờ vào hoạt động cho vay phân tán, nhỏ lẻ, nên biên lợi nhuận thu về trong hoạt động cho vay ở phân khúc này tương đối lớn. Hiện dư nợ khối cá nhân tại Sacombank chiếm hơn 50% tổng dư nợ cho vay khách hàng; lãi suất cho vay đối với cá nhân khoảng 10 - 12%/năm; khách hàng vay mua nhà ưu đãi 7,99%/năm trong 6 tháng đầu tiên.

Một lãnh đạo ngành ngân hàng cho rằng, chi phí trong hoạt động cho vay nhỏ lẻ, tiêu dùng cao, tuy nhiên, khi cho vay phân tán, chênh lệch lãi suất giữa đầu vào đầu ra tương đối tốt, giúp tăng nguồn thu cho ngân hàng. Bên cạnh đó, cho vay nhỏ lẻ, tính an toàn sẽ cao hơn so với những khoản vay lớn, nên ngân hàng cũng tránh được nhiều rủi ro tiềm ẩn. 

Tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận lớn

Tiềm năng và dư địa của phân khúc khách hàng cá nhân chính là nguyên nhân khiến nhiều ngân hàng đẩy mạnh chiến lược ngân hàng bán lẻ, nhất là mảng cho vay tiêu dùng, vay mua nhà, đồng thời gia tăng số lượng nhân sự.

Tại thời điểm 30/9, số lượng nhân sự của Sacombank là 11.531 người, tăng 442 người so với cuối quý II. Với VPBank, tính đến 30/9, Ngân hàng có 8.760 nhân sự, tăng 1.340 người so với cuối quý II. Đây không phải quý đầu tiên VPBank tăng cường lực lượng lao động. Trong đó, một phần nhân sự được tuyển dụng cho công ty tài chính trực thuộc - FE Credit (Công ty Tài chính Ngân hàng VPBank). Hiện tỷ lệ tăng trưởng khách hàng của FE Credit cao hơn nhiều so với tỷ lệ tăng trưởng khách hàng trung bình 20 - 30% của thị trường và là một trong những đơn vị có mức tăng trưởng cao nhất thị trường.

 “Mỗi tháng, FE Credit thu hút trên 70.000 khách hàng. Dự kiến, đến cuối năm, số lượng khách hàng và danh mục cho vay của Công ty cao hơn 140 - 150% so với cùng kỳ”, ông Kalidas Ghose, quyền Tổng giám đốc FE Credit nói và cho rằng, ngành tài chính tiêu dùng tại Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh trong tương lai. Với cơ cấu dân số trẻ, mỗi năm, một lượng lớn người Việt Nam gia nhập thị trường lao động và thu nhập của họ cũng theo đà tăng trưởng mỗi năm. Vì thế, khả năng tỷ lệ người sử dụng dịch vụ tài chính tiêu dùng cũng sẽ gia tăng từ 20 - 30% mỗi năm trong vòng 3 - 4 năm tới.

Đây có lẽ là lý do để các ngân hàng đẩy mạnh thâu tóm công ty tài chính cho vay tiêu dùng. NHNN đã chấp thuận về chủ trương cho Maritime Bank mua lại Công ty Tài chính cổ phần Dệt may, đồng thời đồng ý đề nghị Công ty Tài chính cổ phần Vinaconex Viettel sáp nhập vào SHB và đề nghị của Techcombank mua lại Công ty Tài chính Hóa Chất.

Ông Đỗ Tuấn Anh, quyền Tổng giám đốc Techcombank cho biết, với đội ngũ hơn 7.000 nhân sự và sự tham gia của các chuyên gia nước ngoài, cùng với 313 chi nhánh, phòng giao dịch và 12.000 máy ATM trong hệ thống BankNet, Smartlink, Ngân hàng hiện phục vụ trên 3,4 triệu khách hàng cá nhân và hơn 87.000 doanh nghiệp. Vì thế, nguồn thu và lợi nhuận từ mảng bán lẻ chiếm tới 40% tổng dư nợ của Ngân hàng.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, Việt Nam là thị trường tiềm năng cho dịch vụ ngân hàng bán lẻ, bởi dân số trẻ và thu nhập của người dân ngày càng được cải thiện. Vì thế, để có thể thu lợi nhuận và tăng trưởng bền vững, ngân hàng phải đẩy mạnh mảng bán lẻ, nâng cao chất lượng dịch vụ cho nhóm khách hàng cá nhân.

Tin bài liên quan