Ngân hàng "lách" sang lãi suất USD

Ngân hàng "lách" sang lãi suất USD

(ĐTCK-online) TS. Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh Trường đại học Ngân hàng TP. HCM nhận định, việc tăng mạnh lãi suất USD của một số ngân hàng trong thời gian gần đây mang tính chất cục bộ. Tuy nhiên, trước áp lực huy động vốn VND hiện nay thì cũng khó có thể tránh được việc các nhà băng tăng lãi suất tiền gửi USD để bán lấy tiền đồng.

Theo ông, nguyên nhân nào khiến ngân hàng đẩy mạnh lãi suất huy động USD?

Nguồn kiều hối đang về nhiều, song với tỷ giá chênh lệch ngoài thị trường tự do và trong ngân hàng còn cách xa thì nguồn kiều hối khó có thể hoàn toàn ở lại ngân hàng. Do đó, các ngân hàng tăng cao lãi suất huy động USD, với kỳ vọng hút được nguồn ngoại tệ để đáp ứng cầu vốn của khách hàng trong bối cảnh huy động tiền đồng gay gắt trong dịp cận Tết, khi lãi suất huy động tiền đồng bị khống chế mức trần 14%/năm.

 

Điều đó có nghĩa là các ngân hàng "lách" sang lãi suất ngoại tệ, thưa ông?

Ngân hàng "lách" sang lãi suất USD ảnh 1
TS. Lê Thẩm Dương

Lãi suất huy động tiền gửi ngoại tệ đang tăng ở Việt Nam hiện nay so với lãi suất cơ bản của đồng USD do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đang áp dụng 0,25% là quá cao. Vì thế, khó tránh được việc các nhà băng "lách" sang tăng lãi suất huy động ngoại tệ để có thể thu hút được nguồn vốn nhàn rỗi bằng USD, sau đó bán lấy tiền đồng, đáp ứng nhu cầu vốn VND cho DN. Bởi vào thời điểm Tết, huy động vốn không phải dễ dàng, nhất là khi áp lực lạm phát chưa giảm, trong khi lãi suất tiết kiệm tiền đồng phải khống chế ở mức trần cho phép. Mặt khác, nếu huy động được nguồn vốn ngoại tệ, các ngân hàng cũng có điều kiện để đẩy mạnh hoạt động cho vay bằng ngoại tệ, đáp ứng nhu cầu USD thanh toán hàng nhập khẩu của DN. Thực tế hiện nay, cung cầu ngoại tệ trên thị trường chưa được cân bằng, DN không dễ mua được USD. Tuy nhiên, theo tôi, việc tăng mạnh lãi suất huy động ngoại tệ gần đây chỉ mang tính chất cục bộ ở một số ngân hàng, còn mức bình quân hiện là 3,8 - 4,5%/năm.

 

Theo ông, vay vốn USD lúc này sẽ có thuận lợi và rủi ro gì đối với DN?

So với lãi suất tiền đồng, vay vốn bằng ngoại tệ lúc này có lợi về chi phí. Cụ thể, lãi suất cho vay ngoại tệ được các ngân hàng áp dụng mức bình quân khoảng 6 - 7%/năm, trong khi đó lãi suất cho vay thỏa thuận VND khách hàng cần vốn phải trả cho nhà băng hiện dao động từ 18 - 20%/năm. Song, sử dụng vốn vay bằng ngoại tệ khó có thể tránh được rủi ro, nếu tỷ giá có biến động. Thế nhưng, trước áp lực lãi vay tiền đồng còn ở mức cao hiện nay, vay ngoại tệ vẫn được nhiều DN lựa chọn. Trong đó, phải kể đến các DN có nhu cầu thanh toán hàng nhập khẩu dịp Tết, nhưng không mua được nguồn ngoại tệ nên chọn vay USD. 

 

Ông có cho rằng, việc ngân hàng tăng lãi suất huy động ngoại tệ trong lúc này là cần thiết?

Lãi suất tiết kiệm ngoại tệ lúc này không hấp dẫn hơn tiền đồng và nếu tỷ giá ổn định trong thời gian tới thì gửi USD vẫn không có lợi bằng VND. Do đó, để có nguồn ngoại tệ đáp ứng nhu cầu vay của DN tăng cao trong dịp Tết Ngưyên đán, các ngân hàng thương mại đã tăng mạnh lãi suất huy động USD.

Tuy nhiên, tôi cho rằng, để giảm áp lực lãi suất tiền đồng trước hết cần xem xét để giảm lãi suất ngoại tệ. Bởi lãi suất ngoại tệ cũng là một nhân tố ảnh hưởng tiêu cực tới lãi suất tiền đồng, vì khi lãi suất USD cao, giá USD tăng lên. Vì thế, theo quan điểm của tôi, rất cần thiết phải có "trần" cho lãi suất huy động ngoại tệ. Còn nếu để nhà băng tăng lãi suất USD, sau đó bơm mạnh vốn USD cho DN sẽ có rủi ro.