Ngân hàng không thiếu tiền cho vay, nhưng doanh nghiệp phải chuẩn hóa lại cách tiếp cận vốn

Ngân hàng không thiếu tiền cho vay, nhưng doanh nghiệp phải chuẩn hóa lại cách tiếp cận vốn

(ĐTCK) Doanh nghiệp khó khăn trong việc tiếp cận vốn ngân hàng không phải là việc mới, hay do dịch bệnh Covid-19, mà là vấn đề đã tồn tại từ trước tới nay.

Tại buổi Toạ đàm “Nối lại cung - cầu vốn, tiếp sức phục hồi”, ông Bùi Ngọc Tường, Tập đoàn Đầu tư nước sạch và Môi trường Hùng Thành cho biết, doanh nghiệp ông đang quản lý 22 nhà máy nước sạch trên khắp cả nước, thuộc nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ, tức thuộc nhóm doanh nghiệp được ưu tiên. 

Doanh nghiệp chưa từng có nợ xấu, nợ quá hạn tại các ngân hàng. Mỗi tháng doanh nghiệp có khoảng 2 tỷ đồng dòng tiền chảy vào tài khoản, nhưng 10 năm nay vẫn chưa vay được vốn tại ngân hàng này.

“Vốn điều lệ là 120 tỷ đồng, trong khi đầu tư tới 22 nhà máy, nên nhu cầu vay vốn rất lớn. Doanh nghiệp mong được vay vốn với lãi suất thậm chí gần 12%/năm mà chưa được, vì không có tài sản thế chấp. Vay vốn ngân hàng khó quá”, ông Tường nói.

Còn ông Dương Văn Dân, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Bigsun Việt Nam thừa nhận,doanh nghiệp nhỏ và vừa thiếu kinh nghiệm quản trị, thiếu tài sản bảo đảm và 90% gặp vấn đề về vốn, chưa kể thiếu tài sản đảm bảo, nên khi rơi vào khó khăn cụ thể là nhảy nhóm nợ, những doanh nghiệp này càng khó tiếp cận nguồn vốn. Bởi khi có nguồn tiền về ngân hàng chỉ muốn thu lại khoản đã cho vay, chứ không muốn cho vay thêm. 

“Liệu các ngân hàng có nới lỏng các điều kiện cho vay đối với doanh nghiệp?”, ông Dân đặt vấn đề.

Ở khía cạnh khác, ông Võ Việt Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty Thực phẩm Nam Hà Nội lại cho rằng, doanh nghiệp đúng là cần nguồn vốn từ ngân hàng, nhưng vẫn có nhiều cách hỗ trợ, cụ thể ở đây là cơ chế. Chính sách của Chính phủ nhanh, nhưng cần khớp từ trên xuống dưới để tạo lòng tin.

“Chính sách thực sự đi vào thực tiễn mới hiệu quả và có lòng tin là có tất cả. Doanh nghiệp có tài sản thì vay, không có thì thôi. Là chủ doanh nghiệp, tôi cũng không muốn kêu ca, bởi kêu ca sẽ không có thời gian để làm”, ông Dũng nói.

Ngân hàng không thiếu tiền cho vay, nhưng doanh nghiệp phải chuẩn hóa lại cách tiếp cận vốn ảnh 1

Các diễn giả trao đổi tại buổi tọa đàm.

Trước vấn đề được TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế nhận định, có lẽ ngân hàng hơi máy móc khi không nghiên cứu thật kỹ về đặc điểm, quy trình kinh doanh của doanh nghiệp, bà Tạ Thị Tuệ Anh, Giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam, Chi nhánh Hà Nội chia sẻ, ở Việt Nam, doanh nghiệp giao dịch với quá nhiều ngân hàng, chính vì vậy, lý lịch tín dụng của họ vô cùng phức tạp. 

“Muốn làm bạn, đồng hành với nhau, cần phải có sự tin tưởng dài hạn. Khi một doanh nghiệp hỏi vay vốn ngân hàng, nhưng khi đến thẩm định dự án, lại phát hiện ra doanh nghiệp cũng đang dùng tiền của ngân hàng khác, thành ra quá trình vay khá phức tạp”, bà Tuệ Anh nói.

Bà Tuệ Anh chia sẻ lại thông điệp về các ngân hàng phần lớn không có hỗ trợ từ Nhà nước để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, do đó ngân hang cũng cần đến sự thông cảm của doanh nghiệp.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp Việt Nam không chú trọng đầu tư về công nghệ, quản lý và thanh toán. Khi làm việc cùng với doanh nghiệp, HSBC nhận thấy rằng nếu doanh nghiệp làm tốt những việc này, doanh nghiệp sẽ bớt nhu cầu phải vay vốn.

“Các tập đoàn lớn chỉ quan hệ với ít ngân hàng, bởi cả hai bên đều tin tưởng và quan hệ dựa trên chữ tín. Theo đó, ngân hàng sẽ hỗ trợ hết sức với doanh nghiệp”, bà Tuệ Anh cho biết.

Cùng khẳng định ngân hàng là một doanh nghiệp, ông Vũ Tuấn Anh, quyền Giám đốc Khối Ngân hàng doanh nghiệp SHB cho biết, ngân hàng luôn thấu hiểu và chia sẻ, đồng hành cùng doanh nghiệp.

Với các doanh nghệp vừa và nhỏ, theo ông Tuấn Anh, việc tiếp cận nguồn vốn là khá khó khăn và nguyên nhân xuất phát từ cả hai phía: doanh nghiệp và ngân hàng. Về phía doanh nghiệp là các thông tin về thị trường, công nghệ, quản trị có hạn chế nhất định, còn về phía ngân hàng là thủ tục đôi khi còn rườm rà. 

Ông Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp (Ban Kinh tế Trung ương) nhận định, doanh nghiệp khó khăn trong việc tiếp cận vốn ngân hàng không phải là việc mới, hay do dịch bệnh Covid-19, mà là vấn đề đã tồn tại.

Theo ông Tú Anh, doanh nghiệp Việt Nam về bản chất dùng báo cáo tài chính để thuyết phục ngân hàng là khó khăn, chứ chưa nói đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên, điểm tốt là doanh nghệp đã thấy cần vốn hay cần phải đi đường dài với ngân hàng, thì cần phải đảm bảo uy tín, nên đã thay đổi trong việc thực hiện báo cáo tài chính nghiêm túc.

“Nhanh nhưng không thể nhanh quá, bởi ngân hàng có e ngại sự đổ vỡ. Thực tế, ngân hàng không thiếu tiền và ngân hàng cũng cần cho vay, nhưng vấn đề là doanh nghiệp chuẩn hoá lại để tiếp cận nguồn vốn. Tìm hiểu của tôi cho thấy, lãi suất không phải là vấn đề quá lớn. Thực tế, lãi suất các ngân hàng có thể hạ 1 - 2%/năm để cho doanh nghiệp vay, nhưng vấn đề là doanh nghiệp nào có thể cho vay được thì ngân hàng đã cho vay”, ông Tú Anh nói.

“Tôi nghĩ rằng, dòng tiền vào Việt Nam trong thời gian tới không phải là vấn đề. Doanh nghiệp vừa và nhỏ đừng để đứt dòng tiền vào thời điểm này, khi cơ hội đến chúng ta không còn sức làm nữa. Doanh nghiệp nên lựa chọn an toàn hơn mở rộng chờ cơ hội đến”, ông Tú Anh nhấn mạnh.

Tin bài liên quan