Do đó, bài học kinh nghiệm phòng chống những sai phạm chủ quan từ khách hàng là ngân hàng cần giữ chặt giấy tờ tài sản. Tuy nhiên, các quy định pháp luật theo thời gian đã tước đi thành trì bảo vệ cuối cùng này của ngân hàng.
Giá trị pháp lý bản sao giấy đăng ký xe của ngân hàng
Gần như là một quy trình chung, mọi ngân hàng đều thu giữ giấy đăng ký xe ô tô khi khách hàng dùng xe ô tô làm tài sản bảo đảm. Đổi lại, ngân hàng cấp cho khách hàng một bản sao công chứng, chứng thực giấy đăng ký, với nội dung xác nhận xe ô tô đang thế chấp tại ngân hàng. Bản sao giấy đăng ký xe có ghi rõ một thời hạn hiệu lực và khách hàng sẽ sử dụng bản sao này để lưu thông trên đường thay cho giấy đăng ký xe.
Hơn 18 năm qua, ngành ngân hàng và khách hàng vẫn phối hợp trong thủ tục giao dịch bảo đảm bằng phương tiện vận tải theo quy trình như vậy. Quy trình đó cũng được bên cảnh sát giao thông thừa nhận và phối hợp hỗ trợ.
Chỉ cho đến tháng 5 vừa qua, khi Cục Cảnh sát giao thông Bộ Công an ra một văn bản thông báo hướng dẫn tới các địa phương yêu cầu thực hiện theo quy định của Nghị định số 163 và Nghị định số 11 về giao dịch bảo đảm với nội dung, bên thế chấp giữ bản chính đăng ký xe.
Trước tiên, cần xem xét quy trình ngân hàng giữ đăng ký phương tiện vận tải có nguồn gốc từ đâu?
Vào năm 1999, để hướng dẫn quy định về các biện pháp bảo đảm trong Bộ luật Dân sự năm 1995, Chính phủ ban hành cùng lúc hai Nghị định. Một là Nghị định số 165 về giao dịch bảo đảm, có nội dung tương tự Nghị định số 163 hiện nay.
Hai là Nghị định số 178 về bảo đảm tiền vay của các tổ chức tín dụng. Với đặc thù những quy định dành riêng cho giới ngân hàng khi nhận bảo đảm bằng phương tiện vận tải, Nghị định số 178 năm 1999 của Chính phủ cho phép bên nhận bảo đảm giữ bản chính giấy đăng ký để quản lý và cấp cho khách hàng một bản sao giấy đăng ký có chứng nhận của công chứng và có thời hạn do ngân hàng xác định để lưu hành trên đường. Với quy định này, ngành công an cũng phối hợp với ngành ngân hàng trong việc quản lý phương tiện tài sản bảo đảm và chấp nhận bản sao đăng ký để lưu thông phương tiện.
Đến khi Bộ luật Dân sự năm 1995 bị thay thế bởi Bộ luật Dân sự năm 2005, Nghị định số 163 về giao dịch bảo đảm ra đời. Nghị định này thay thế cho cả Nghị định số 165 và Nghị định số 178 về bảo đảm tiền vay của các tổ chức tín dụng. Vậy là không còn một nghị định riêng về giao dịch bảo đảm dành cho giới ngân hàng.
Điều đáng nói là Nghị định số 163 đã lược bỏ quy định cho phép bên nhận bảo đảm giữ giấy tờ phương tiện vận tải và bỏ ngỏ việc ai giữ bản chính giấy đăng ký. Khi đó các ngân hàng vẫn tiến hành thông lệ theo quy định cũ mặc dù quy định pháp luật hướng dẫn đã không còn.
Đến ngày 10/4/2012, Nghị định số 11 năm 2012 sửa đổi Nghị định số 163 đã bổ sung một quy định hoàn toàn mới và bất ngờ. Theo đó, bên thế chấp mới là người được giữ bản chính Giấy chứng nhận Đăng ký xe. Như vậy, thực chất thì từ năm 2012, cơ quan cảnh sát giao thông đã có quyền không chấp nhận các bản sao giấy đăng ký do ngân hàng cấp để phương tiện vận tải tham gia lưu thông.
Ngân hàng vẫn phải giữ giấy đăng ký phương tiện vận tải
Giấy đăng ký xe phương tiện vận tải không phải giấy tờ sở hữu tài sản. Chính xác thì đây là dạng giấy tờ quản lý nguồn nguy hiểm cao độ. Xuất phát từ việc cơ quan công an coi các phương tiện vận tải là nguồn nguy hiểm cao độ, có thể gây thiệt hại đến sức khỏe, tính mạng, tài sản của mọi người nên cần quản lý.
Giấy đăng ký phương tiện vận tải được cơ quan công an cấp chính nhằm mục đích đó. Tuy nhiên, do thiếu đi một cơ chế cấp giấy tờ đăng ký quyền sở hữu đối với phương tiện vận tải, nên trong mọi giao dịch người ta vẫn thường dùng giấy đăng ký xe như một loại giấy tờ sở hữu.
Chính vì vậy, ngân hàng không thể không giữ giấy đăng ký phương tiện vận tải. Với cách quản lý về sở hữu tài sản phương tiện vận tải như hiện nay, với thực trạng phổ biến về mua bán trao tay loại tài sản này và với cách xử lý của các cơ quan Nhà nước liên quan khi rủi ro phát sinh, quả thực không có gì đảm bảo cho ngân hàng nếu bàn giao giấy đăng ký phương tiện vận tải cho khách hàng.
Một nghịch lý là suốt những năm qua, quy định tại Nghị định số 11 có hiệu lực và ngành ngân hàng vẫn cấp bản sao giấy đăng ký phương tiện vận tải để lưu thông mà không gặp bất kỳ sự cản trở nào. Đến nay, về mặt pháp lý, Nghị định số 163 và Nghị định số 11 thực chất đã hết hiệu lực.
Hai nghị định này hướng dẫn Bộ luật Dân sự năm 2005, mà Bộ luật này đã bị thay thế bởi Bộ luật Dân sự năm 2015. Khi đã hết hiệu lực rồi, cơ quan quản lý liên quan mới lại viện dẫn đến các nghị định để từ chối bản sao đăng ký phương tiện vận tải của ngành ngân hàng.
Quy định xa rời một thực tế là cả ngân hàng cũng như khách hàng đều không muốn thực hiện theo. Nếu phải thực hiện theo quy định bàn giao giấy tờ đăng ký xe cho khách hàng, nhiều ngân hàng sẽ dứt bỏ sản phẩm tín dụng cho vay mua xe vì không quản lý được rủi ro.
Đồng nghĩa với việc nhiều khách hàng không thể có được phương tiện vận tải từ nguồn hỗ trợ tài chính của ngân hàng. Cũng đồng nghĩa với việc thị trường phân phối phương tiện vận tải sẽ mất đi một phân khúc lớn và đương nhiên ngân sách Nhà nước mất đi một nguồn thu từ nghĩa vụ tài chính của các doanh nghiệp chuyên doanh.
Vậy nên, đã đến lúc cần thực hiện một trong các giải pháp, mà giải pháp nào cũng đều khả thi. Một là khôi phục lại một nghị định về bảo đảm tiền vay dành riêng cho giới ngân hàng, khôi phục lại quy định về trình tự cấp bản sao đăng ký xe như nội dung từng có của Nghị định số 178 năm 1999. Hai là hình thành một cơ chế đăng ký quyền sở hữu đối với phương tiện vận tải, tách bạch vấn đề quản lý sở hữu với vấn đề quản lý của cơ quan công an về phương tiện vận tải.
Tuy nhiên, các giải pháp này không thuộc trách nhiệm triển khai và không nằm trong tay ngân hàng cũng như khách hàng.