Ngân hàng không dễ thu hồi nợ xấu dù rao bán nợ liên tục

Ngân hàng không dễ thu hồi nợ xấu dù rao bán nợ liên tục

(ĐTCK) Kể từ khi có Nghị quyết 42/2017 về xử lý nợ xấu, nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng đã giảm, nhưng so với khối lượng nợ xấu mà VAMC đã gom lại thì con số đã xử lý vẫn còn khiêm tốn. Bởi vậy, các ngân hàng đang nỗ lực phát mãi tài sản để xử lý nợ, song quá trình xử lý là không dễ dàng. 

Đẩy mạnh phát mãi tài sản

Theo thống kê của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC), tính đến 30/6/2018, hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) đã xử lý được 138.290 tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 (không bao gồm 61.040 tỷ đồng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu nội bảng).

Trong đó, xử lý nợ xấu nội bảng là 70.230 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 50,78%), xử lý các khoản nợ đang hạch toán ngoài bảng cân đối kế toán xác định theo Nghị quyết 42 là 21.590 tỷ đồng (tỷ lệ 15,61%) và xử lý các khoản nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 đã bán cho VAMC được thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt là 46.460 tỷ đồng (tỷ lệ 33,59%).

Tuy nhiên, nếu so với khối lượng nợ xấuVAMC đã mua gần 280.000 tỷ đồng từ các ngân hàng tính đến cuối năm 2017 và mua tối đa hơn 30.000 tỷ đồng trong kế hoạch năm 2018, thì con số xử lý được còn khá khiêm tốn.

Trên thực tế, dù nợ xấu đã được bán cho VAMC, nhưng trách nhiệm xử lý nợ vẫn thuộc về các ngân hàng.

Đó cũng là lý do các ngân hàng đã và đang mua lại các khoản nợ xấu đã bán cho VAMC trước đây để xử lý. Đồng thời,  nỗ lực đẩy mạnh phát mãi tài sản là bất động sản.

Đơn cử, Sacombank dự kiến tổ chức bán đấu giá 11 bất động sản tại khu vực TP. HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu vào ngày 27/9, mức giá khởi điểm của toàn bộ bất động sản này là 10.040 tỷ đồng.

Trong tháng 9/2018, Agribank và VietinBank cũng dồn dập rao bán nợ, phát mãi tài sản đảm bảo để xử lý nợ xấu. Cụ thể, Agribank dự tính tổ chức khoảng 10 đợt đấu giá tài sản đảm bảo là bất động sản, với tổng giá trị chào bán khởi điểm là hơn 470 tỷ đồng.

VietinBank sẽ đấu giá các khoản nợ như khoản nợ giá trị gần 111 tỷ đồng (tính đến ngày 22/8/2018) của Công ty Thương mại NEM; khoản nợ hơn 21,55 tỷ đồng tại Công ty TNHH Địa ốc Gia Phú, với tài sản bảo đảm là căn nhà trên đường Hồ Văn Huê, quận Phú Nhuận, TP. HCM có diện tích đất ở 81m2...

Liên quan đến Công ty Địa ốc Gia Phú (chủ đầu tư Chung cư Gia Phú, quận Thủ Đức), trước đó, BIDV đã rao bán đấu giá khoản nợ tại công ty này để thu hồi khoản nợ tạm tính đến tháng 4/2018 là hơn 232 tỷ đồng, trong đó có 88,9 tỷ đồng nợ gốc. 

Không dễ xử lý tài sản đảm bảo, thu hồi nợ

Tuy việc xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 đã đạt những kết quả đáng khích lệ, nhưng việc giải quyết tài sản đảm bảo còn gặp không ít khó khăn liên quan đến cơ chế.

Chẳng hạn, kể từ khi VAMC chính thức “nổ phát súng” đầu tiên thu giữ khối tài sản giá trị  7.000 tỷ đồng của Sài Gòn One Tower theo Nghị quyết 42 hồi tháng 8/2017, đến nay khối tài sản này vẫn chưa bán được.

Tương tự, đối với khoản nợ của Công ty Địa ốc Gia Phú - thuộc đối tượng xử lý theo quy định của Nghị quyết 42, BIDV đã tiến hành bán đấu giá toàn bộ khoản nợ của công ty này, thay vì xử lý theo phương thức “bán tài sản chung cư”, cũng như quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai trong dự án Chung cư Gia Phú. Đến nay, BIDV vẫn chưa thu hồi được nợ.

Năm nay cũng như các năm tới, VAMC sẽ giảm dần việc mua nợ xấu bằng phát hành trái phiếu đặc biệt và chuyển dần sang hình thức "mua đứt, bán đoạn" theo cơ chế thị trường. Ðây là cơ sở để hình thành thị trường mua bán nợ trong tương lai, cũng như là giải pháp để tận dụng nguồn lực bên ngoài.

Lãnh đạo một ngân hàng cho rằng, việc hoàn trả tài sản bảo đảm là vật chứng trong các vụ án hình sự phụ thuộc nhiều quan điểm của mỗi cơ quan tiến hành tố tụng vì chưa có văn bản pháp luật hướng dẫn cụ thể, điều này khiến quá trình xử lý tài sản bị chậm trễ.

Một chuyên gia kinh tế đưa ra quan điểm, thời gian tới, cần điều chỉnh một số quy định pháp lý về xử lý tài sản đảm bảo.

Đơn cử, trong Nghị quyết 42 quy định khách hàng tự nguyện bàn giao tài sản đảm bảo và trong hợp đồng đảm bảo hầu hết đều quy định khách hàng sẽ bàn giao tài sản đảm bảo nếu không trả được nợ, nhưng lại không quy định đồng ý cho TCTD được thu giữ, nên cần phải sửa quy định này.

Về phía VAMC, lãnh đạo cơ quan này cho biết, năm nay cũng như các năm tới, VAMC sẽ giảm dần việc mua nợ xấu bằng phát hành trái phiếu đặc biệt và chuyển dần sang hình thức "mua đứt, bán đoạn" theo cơ chế thị trường.

Ðây là cơ sở để hình thành thị trường mua bán nợ trong tương lai, cũng như là giải pháp để tận dụng nguồn lực bên ngoài.

"Từ nay đến cuối năm VAMC sẽ đề nghị cấp đủ vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng theo phương án đã được phê duyệt, tức thêm 3.000 tỷ đồng so với hiện hành. Theo đó, VAMC có kế hoạch mua tối đa 32.000 tỷ đồng nợ xấu trong năm nay bằng trái phiếu đặc biệt.

Bên cạnh đó, theo phương án đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt thì có 3.500 tỷ đồng được mua theo giá trị thị trường, VAMC sẽ xử lý nợ xấu theo dư nợ gốc là hơn 34.500 tỷ đồng", ông Nguyễn Tiến Đông, Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC nói.

Cũng theo ông Đông, VAMC sẽ phối hợp với các TCTD để đẩy nhanh xử lý nợ xấu đã mua; lựa chọn, rà soát lại các khoản nợ đang hạch toán nội bảng, ngoại bảng của các TCTD có khả thi trong việc xử lý sau khi mua để triển khai theo phương án mua bán nợ theo giá trị thị trường.   

Tin bài liên quan