Mặt bằng lãi suất huy động cao hơn
Nếu như thời điểm cuối quý I/2022, biểu lãi suất tiền gửi kỳ hạn 3 tháng và 12 tháng được các tổ chức tín dụng áp dụng hầu như không thay đổi so với hồi cuối năm 2020 và năm 2021 thì từ tháng 5/2022 trở lại đây có xu hướng nhích lên.
Báo cáo thị trường tiền tệ của Công ty Chứng khoán SSI cho biết, thời điểm đầu tháng 5, mặt bằng lãi suất huy động đã tăng khoảng 0,3 - 0,5%/năm so với cuối năm 2021 ở hầu hết các ngân hàng thương mại cổ phần, nhằm thu hút dòng tiền nhàn rỗi trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng mạnh vào các tháng đầu năm.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 31/5/2022, tín dụng toàn ngành tăng 8,04% so với cuối năm 2021 và tăng 16,94% so với cùng kỳ năm 2021. Số liệu này cho thấy nhu cầu tín dụng tăng mạnh nhằm phục vụ cho hoạt động kinh doanh quay trở lại sau đại dịch.
Các ngân hàng thương mại nhà nước nắm cổ phần chi phối không còn đứng ngoài cuộc đua tăng lãi suất tiết kiệm như giai đoạn trước. Ngày 1/6/2022, BIDV đã công bố biểu lãi suất huy động mới áp dụng từ tháng 6. Theo đó, ngân hàng này nâng lãi suất tiền gửi tiết kiệm ở các kỳ hạn dài (từ 12 tháng trở lên) thêm 0,1%/năm, lên mức 5,6%/năm. Được biết, lần điều chỉnh lãi suất huy động gần nhất của BIDV cách đây gần 1 năm, thực hiện vào tháng 8/2021.
Vietcombank mới đây cũng công bố nâng lãi suất tiết kiệm online thêm 0,1%/năm so với hình thức gửi tại quầy.
Mới đây, Chính phủ đã có ban hành Nghị định về gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước. Gói hỗ trợ này được triển khai trong hai năm 2022 và 2023 thông qua hệ thống ngân hàng, với mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh… tiếp cận vốn ngân hàng với lãi suất ưu đãi. Bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán VNDirect kỳ vọng, nhờ gói hỗ trợ này, lãi suất cho vay sẽ giảm trung bình khoảng 0,1 - 0,3% so với cùng kỳ trong năm 2022. Tuy vậy, theo bà Hiền, “lãi suất tiền gửi sẽ khó duy trì ở mức thấp và sẽ bắt đầu tăng trở lại trong năm nay”. Lý do là, nhu cầu huy động vốn tăng dựa trên tín dụng tăng trưởng, bên cạnh đó là sự cạnh tranh từ các kênh đầu tư hấp dẫn như bất động sản và chứng khoán và đặc biệt là áp lực lạm phát.
Bà Hiền dự báo, lãi suất tiền gửi sẽ tăng 0,3 - 0,5%/năm trong năm 2022.
Tăng trưởng tín dụng chậm lại
Trước diễn biến tín dụng tăng trưởng mạnh trong những tháng đầu năm, thậm chí nhiều ngân hàng đã sử dụng hết chỉ tiêu tín dụng được Ngân hàng Nhà nước phân bổ trong năm nay, một lãnh đạo cao cấp Ngân hàng Nhà nước cho biết: “Cơ quan quản lý vừa mừng, vừa lo”.
Các ngân hàng có tăng trưởng tín dụng cao trong quý I, nhiều khả năng kết quả kinh doanh quý II có thể không được lạc quan như trước.
Ông Hoàng Công Tuấn, Kinh tế trưởng MBS
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cũng chia sẻ thông điệp điều hành chính sách tiền tệ: “Nhu cầu tín dụng rất lớn của nền kinh tế đặt ra bài toán với Ngân hàng Nhà nước về điều hành chính sách tiền tệ trong những tháng cuối năm, vừa đáp ứng nhu cầu tín dụng của nền kinh tế, vừa không chủ quan với lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô”.
Điểm đáng chú ý, theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, khoảng 94% dư nợ tín dụng bất động sản hiện nay là cho vay trung và dài hạn (từ 10 - 25 năm), trong khi nguồn huy động của ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn. Chênh lệch kỳ hạn và lãi suất giữa nguồn vốn và cho vay đối với lĩnh vực này là rủi ro lớn đối với các ngân hàng… Theo đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ giám sát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng dư nợ và chất lượng tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản cùng một số lĩnh vực rủi ro khác để kịp thời phát hiện dấu hiệu tiềm ẩn rủi ro và có biện pháp xử lý phù hợp, góp phần đảm bảo an toàn hoạt động hệ thống các tổ chức tín dụng.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết thêm, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, trong đó có đầu tư, kinh doanh bất động sản, đồng thời tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân tiếp cận nguồn vốn tín dụng để mua, đầu tư nhà ở tự sử dụng, tiêu dùng, đặc biệt là nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, nhà ở thương mại giá rẻ. Ngân hàng Nhà nước cũng tăng cường thanh tra, giám sát chặt chẽ việc cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản để kịp thời đưa ra giải pháp nhằm bảo đảm an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, có các biện pháp ngăn ngừa, phát hiện kịp thời rủi ro, vi phạm phát sinh.
“Cho vay bất động sản luôn là miếng bánh ngon, doanh thu từ lĩnh vực này là một trong những trụ cột lợi nhuận của ngân hàng, nên việc hạn chế cho vay đồng nghĩa với việc lợi nhuận của ngân hàng sẽ chịu tác động ngay lập tức”, tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần nhận định.
Quý II/2022 đã gần kết thúc, nhìn nhận về triển vọng lợi nhuận trong giai đoạn này của ngành ngân hàng - ngành đóng vai trò huyết mạch của nền kinh tế cũng như đóng góp tỷ trọng lớn trong chỉ số chứng khoán - ông Hoàng Công Tuấn, Kinh tế trưởng Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho rằng, có 2 điểm đáng chú ý ở nhóm này trong quý II. Đó là, mặt bằng lãi suất huy động đang có xu hướng tăng và tăng trưởng tín dụng đã chậm lại hơn. Cụ thể, số liệu Ngân hàng Nhà nước cho biết, tăng trưởng tín dụng tính từ đầu năm đến cuối tháng 3 đạt 5,04%, nhưng đến 31/5/2022 đạt 8,04%.
Ông Tuấn cho biết: “Thực tế, trong hai tháng 4 và 5, tăng trưởng tín dụng đã có xu hướng hạ nhiệt đáng kể bởi các áp lực từ phía Ngân hàng Nhà nước về việc phải điều chỉnh lại tốc độ tăng trưởng tín dụng để hài hòa công tác kiềm chế lạm phát”.
Vị chuyên gia kinh tế đánh giá, triển vọng ngành ngân hàng quý II/2022 chỉ ở mức trung tính và có sự phân hóa khá cao. Các ngân hàng có tăng trưởng tín dụng cao trong quý I, nhiều khả năng kết quả kinh doanh quý II có thể không được lạc quan như trước.
“Một số ngân hàng vẫn rất tốt để đầu tư, ví dụ như MB, HDBank, tuy nhiên, quý II này sẽ là kém ấn tượng hơn so với quý I, mặc dù vẫn ghi nhận tăng trưởng hơn cùng kỳ”, ông Tuấn nói.