Năm 2018, mức tăng trưởng tín dụng tối đa mà NHNN giao cho các ngân hàng là 14%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu chung của toàn ngành là 17%. Đến hết tháng 9/2018, nhiều ngân hàng đã dần cạn room tín dụng được cấp từ đầu năm.
Thậm chí, trong nửa đầu năm, tăng trưởng tín dụng của nhiều ngân hàng đã vượt mức được giao. Chẳng hạn, TPBank đã tăng ở mức trên 16,4%, LienVietPostBank tăng 13% so với chỉ tiêu là 14%...
Chưa kể, hàng loạt ngân hàng khác có mức tăng dư nợ tín dụng 3 quý đầu năm từ 9 - 15% như: Vietcombank 15%; HDBank 14%; MB 10%; ACB, Kienlongbank tăng 11%... Vì vậy, nhiều ngân hàng đã chủ động xin NHNN nới room tín dụng, tuy nhiên, đến thời điểm này chỉ có duy nhất Techcombank được chấp thuận.
Tại cuộc gặp gỡ nhà đầu tư và báo chí mới đây, Tổng giám đốc Techcombank, ông Nguyễn Lê Quốc Anh cho biết, Ngân hàng đã được NHNN chấp thuận nới hạn mức tăng trưởng tín dụng từ 14% lên 20%.
Theo ông Quốc Anh, Techcombank dự báo trước việc siết tín dụng của NHNN nên đã huy động vốn chủ sở hữu rất cao từ đầu năm, vào khoảng 45.000 tỷ đồng và vào cuối năm sẽ đạt khoảng 50.000 tỷ đồng. Tỷ lệ cho vay trên vốn chủ sở hữu của Techcombank thấp hơn so với nhiều ngân hàng khác.
Mặt khác, trong 3 quý đầu năm, Techcombank có nhịp độ tăng trưởng tín dụng ở mức khá thấp. Tính đến cuối tháng 9/2018, dư nợ tín dụng tại nhà băng này chỉ mới tăng trưởng ở mức 3,3%. Tổng giám đốc Techcombank cho rằng, cuối năm là thời điểm nhu cầu vốn khách hàng tăng cao, nhất là với các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Do đó, Ngân hàng để dành nguồn vốn lớn nhằm đáp ứng nhu cầu tăng mạnh vào dịp này.
Với quyết định nới room tín dụng từ NHNN, Techcombank sẽ có thêm 6.000 - 8.000 tỷ đồng để cho vay trong những tháng cuối năm 2018.
Trong bối cảnh chưa được nới room tín dụng, Tổng giám đốc OCB, ông Nguyễn Đình Tùng cho hay, OCB đang tập trung tài trợ vốn cho nhóm khách hàng cá nhân, DNNVV, trong đó chủ yếu cho vay vốn ngắn hạn.
Tuy nhiên, dư nợ cho vay khách hàng của Ngân hàng đến hết quý III/2018 đã tăng 11,3%, đạt 53.158 tỷ đồng, nên cũng có mong muốn được nới thêm room tín dụng, tạo dư địa cho vay trong 2 tháng còn lại của năm.
Tương tự, lãnh đạo của không ít nhà băng đang nỗ lực thu hồi nợ xấu để có thêm dư địa cho vay, khi room tín dụng đã cạn và chưa được NHNN nới thêm.
Báo cáo của NHNN gửi Quốc hội mới đây cho thấy, tính đến đầu tháng 10/2018, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng ở mức 9,89% so với cuối năm ngoái, thấp hơn khá nhiều so với mức tăng cùng kỳ là 11,73%.
Ngay từ đầu năm, Quốc hội và Chính phủ đã đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2018 là 6,7% và lạm phát bình quân khoảng 4%. Trên cơ sở đó, NHNN đã xây dựng và thực hiện các biện pháp kiểm soát tăng trưởng tín dụng, có điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế.
Tháng 8/2018, tại Chỉ thị 04/CT-NHNN, NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung kiểm soát chặt chẽ tốc độ và chất lượng tín dụng của toàn hệ thống.
Theo đó, NHNN không xem xét, điều chỉnh tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng (trừ trường hợp đặc biệt, như một số ngân hàng thương mại tham gia tái cơ cấu trong năm 2018 đối với các tổ chức tín dụng yếu kém)…
Vì thế, các nhà băng ít có khả năng được nới room tăng trưởng tín dụng. Riêng HDBank được xem là trường hợp đặc biệt, nếu sớm hoàn tất kế hoạch sáp nhập thêm PGBank thì sẽ được nới thêm room.
Một lãnh đạo NHNN cho hay, mục tiêu điều hành của NHNN với tín dụng năm nay là tăng tối đa 17% và sẽ điều chỉnh hài hòa với ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá, cũng như sức hấp thụ của nền kinh tế…
Việc xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với từng tổ chức tín dụng sẽ dựa trên cơ sở đánh giá tình hình hoạt động, việc chấp hành các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động, quy mô tín dụng, khả năng mở rộng tín dụng của các tổ chức tín dụng vào lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên khuyến khích theo chủ trương của Chính phủ.
Theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, con số 17% là một chỉ tiêu phù hợp để vừa đạt được tăng trưởng, vừa bảo đảm được kiểm soát lạm phát. Cùng quan điểm, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, việc nới room tín dụng cần được xem xét cẩn thận, bởi mở rộng tín dụng đi cùng nhiều rủi ro nếu tình trạng phân bổ không rõ ràng, kiểm soát dòng vốn không tốt.