Ngân hàng đang chịu rủi ro rất lớn đối với các khoản vay thế chấp Ảnh: Đức Thanh

Ngân hàng đang chịu rủi ro rất lớn đối với các khoản vay thế chấp Ảnh: Đức Thanh

Ngân hàng kêu khổ đoạn trường đòi nợ

0:00 / 0:00
0:00
Cầm sổ đỏ và hợp đồng thế chấp hợp pháp, ngân hàng vui vẻ giải ngân. Bỗng một ngày, ngân hàng bàng hoàng khi tòa án tuyên bố hợp đồng thế chấp vô hiệu, khoản vay bỗng dưng không có tài sản đảm bảo. Đây chỉ là một trong vô vàn vướng mắc liên quan đến xử lý tranh chấp dân sự trong lĩnh vực ngân hàng tại tòa án.

Cầm tiền, sổ đỏ trong tay vẫn bị bắt trả lại, ngân hàng có nguy cơ mất trắng

Ông Nguyễn Thành Long, Phó tổng giám đốc VPBank, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế ngân hàng (Hiệp hội Ngân hàng) cho hay, mới đây, Hiệp hội Ngân hàng nhận được phản ánh các hội viên về bất cập liên quan đến hoạt động xét xử của một số tòa án.

Có trường hợp, tòa tuyên ngân hàng phải trả lại giấy chứng nhận đã được thế chấp hợp pháp và khoản vay đã được thẩm định theo đúng quy định. Nguyên nhân là bởi thẩm phán cho rằng, khi ký hợp đồng thế chấp tài sản bảo đảm cho khoản tiền vay, các tổ chức tín dụng không tiến hành thẩm định tài sản thế chấp theo đúng quy định, không xác định được tài sản thế chấp là của ai, nên tuyên hợp đồng thế chấp vô hiệu. Các trường hợp này thường liên quan đến tranh chấp giữa chủ mới và chủ cũ, quan hệ thừa kế...

Cũng có trường hợp, khách hàng đã tất toán khoản vay cho ngân hàng, nhưng tòa án tuyên buộc ngân hàng phải hoàn trả số tiền này, vì cho rằng, đây là số tiền khách hàng chiếm đoạt từ người khác. Điều này rất vô lý vì ngân hàng không có năng lực, điều kiện thẩm định nguồn tiền trả nợ của khách hàng. Trên hết, không có quy định nào yêu cầu ngân hàng phải kiểm tra nguồn tiền trả nợ của khách hàng.

Đại diện pháp chế các ngân hàng cho rằng, nhiều tòa án đã bác bỏ quyền được bảo vệ của người thứ ba ngay tình là các ngân hàng.

Cụ thể, tòa án nhận định ngân hàng cấp tín dụng cho khách hàng không đúng quy định pháp luật, tuyên hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp vô hiệu khi giấy tờ, tài liệu khách hàng cung cấp cho ngân hàng không đảm bảo tính pháp lý (làm giả chữ ký, giả giấy tờ, tài liệu…). Tuy nhiên, theo quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng, thì khách hàng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác và hợp pháp của các tài liệu gửi cho tổ chức tín dụng. Ngân hàng không có nghĩa vụ phải chứng minh những giấy tờ, tài liệu mà khách hàng cung cấp là giả. Trong trường hợp này, lẽ ra, ngân hàng phải được xác định là người thứ ba ngay tình.

Song, theo hướng dẫn của Tòa án Nhân dân tối cao (Công văn 02/TANDTC-PC 2021), trong trường hợp trên, ngân hàng không được chấp nhận là “người thứ ba ngay tình”.

Công văn 02 của Tòa án Nhân dân tối cao đưa ra ví dụ: nhà đất thuộc quyền sở hữu của vợ chồng ông A, bà B. Ông A làm giả chữ ký của bà B để chuyển nhượng nhà đất cho C. Sau khi chuyển nhượng, ông A, bà B vẫn chiếm hữu, sử dụng nhà đất. Tiếp sau, C dùng tài sản này để thế chấp khoản vay tại Ngân hàng. Trong trường hợp đó, hợp đồng chuyển nhượng tài sản và hợp đồng thế chấp đều vô hiệu.

Giải thích của tòa án khiến các ngân hàng hết sức lo lắng. Phó tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần cho rằng, cách hiểu và áp dụng của tòa gây rủi ro cho hoạt động của các tổ chức tín dụng cũng như cá nhân cán bộ tín dụng. Thực tế, không có quy định nào của pháp luật quy định ngân hàng phải thẩm tra nguồn gốc hình thành tài sản hoặc thẩm tra các giao dịch trước đó. Chính vì vậy, vị lãnh đạo này đề nghị Tòa án Nhân dân tối cao xem xét lại quy định của Công văn 02 về người thứ ba ngay tình.

Ông Nguyễn Ngọc Thành, Chánh tòa Kinh tế, Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội thừa nhận, nhiều trường hợp tranh chấp, xác định ngân hàng có phải là bên thứ ba ngay tình hay không hiện vẫn chưa có sự thống nhất. Dù vậy, theo ông Thành, các ngân hàng vẫn phải tuân thủ hướng dẫn của Công văn số 02 nêu trên. Có nghĩa là, khi ký hợp đồng thế chấp mà ngân hàng không xem xét thẩm định kỹ tài sản thế chấp, chỉ xem xét trên giấy tờ và không xác định được rõ ràng người đứng tên tài sản nhà đất thế chấp có phải là chủ sở hữu thực sự đang quản lý, sử dụng tài sản, thì ngân hàng không phải là bên thứ ba ngay tình và hợp đồng thế chấp sẽ bị tuyên vô hiệu.

Khởi kiện dai dẳng không được tòa thụ lý, xét xử, con nợ ngày càng nhờn

Với ngân hàng khi thu hồi nợ, giải pháp cuối cùng và cũng là giải pháp bất đắc dĩ nhất là khởi kiện ra tòa. Tuy nhiên, nhiều ngân hàng TMCP cho hay, dù đã nộp đơn kiện nhiều năm, nhưng vẫn không được tòa thụ lý, khiến ngân hàng rất mệt mỏi.

Bà Nguyễn Thị Phương, Giám đốc Ban Pháp chế (Ngân hàng BIDV) cho hay, nhiều vụ việc ngân hàng đã nộp hồ sơ từ năm 2018-2019, song đến nay, đã 3-4 năm trôi qua mà tòa vẫn không thụ lý. Có vụ án thì thụ lý cách đây 3-4 năm, nhưng không xét xử sau nhiều lần hòa giải bất thành.

Cụ thể, bà Phương cho biết, năm 2019, BIDV nộp đơn khởi kiện một công ty lưới thép ra Tòa án Nhân dân quận Long Biên, năm 2020 thụ lý, năm 2021 hòa giải không thành và đến nay vẫn chưa đưa ra xét xử. Tương tự, BIDV sau nhiều lần hòa giải bất thành với con nợ đã kiến nghị Tòa án Nhân dân huyện Ứng Hòa (Hà Nội) đưa ra xét xử, song đến nay, Tòa vẫn không xử, khiến bị đơn ngày càng “nhờn”.

Theo các ngân hàng, việc tòa án kéo quá dài quá trình xử lý khiến các con nợ chây ỳ do cảm thấy công cụ thực thi pháp luật không hiệu quả.

Chưa kể, nhiều phán quyết của tòa đưa ra khiến ngân hàng dở khóc dở cười. Đơn cử, mới đây, Tòa án Nhân dân quận Thanh Xuân (Hà Nội) trong một vụ án liên quan đến Công ty 116 đã xác định BIDV không phải là ngân hàng bảo lãnh thanh toán của Công ty 116, song phán quyết lại yêu cầu BIDV phải thanh toán cho Công ty X (chủ nợ của Công ty 116), nếu trường hợp Công ty 116 không còn tiền.

Một trường hợp khác, Agribank được Tòa án Nhân dân quận 7 (TP.HCM) trao quyền xử lý tài sản là cổ phần, cổ phiếu của Công ty A. Tuy nhiên, do số cổ phần, cổ phiếu này không phải là tài sản đảm bảo, nên ngân hàng cũng bó tay, không thể xử lý.

Trước bức xúc của các ngân hàng, Chánh án Tòa án Nhân dân Đống Đa (Hà Nội) phân trần: Tòa án Đống Đa hiện có tới 500 vụ án cần xét xử, song chỉ có 15-16 thẩm phán, nên việc chậm là đương nhiên. Vị chánh án này bức xúc rằng, ngân hàng không chịu hòa giải với con nợ, mà cứ đòi khởi kiện. Tuy nhiên, các ngân hàng thương mại phản ứng cho rằng, con nợ không hợp tác, không có thiện chí trả nợ, thì ngân hàng mới phải kiện ra tòa, Chánh án nói như vậy là không hợp lý.

Một bất cập nữa liên quan đến thủ tục phá sản. Lãnh đạo Ngân hàng Vietcombank cho hay, nhiều trường hợp, ngân hàng yêu cầu mở thủ tục phá sản với doanh nghiệp để thu hồi nợ, song 5 năm chưa được tòa án giải quyết.

Về vấn đề này, Tòa án Hà Nội thừa nhận, 90% vụ việc liên quan đến phá sản vẫn chưa thể giải quyết, do hướng dẫn của Tòa án Nhân dân tối cao chưa rõ.

Vợ chồng kiện nhau, ngân hàng chịu đòn

Hiện nay, nhiều ngân hàng cho vay cầm cố sổ tiết kiệm. Theo quy định pháp luật, tiền gửi tiết kiệm là khoản tiền của cá nhân, người gửi là người sở hữu, được tự mình thực hiện các giao dịch liên quan đến tiền gửi tiết kiệm, mà không cần có sự đồng ý của chồng hoặc vợ. Do pháp luật không yêu cầu, nên ngân hàng cũng không thể biết tài sản nào là tài sản chung, tài sản nào là tài sản riêng của vợ/chồng. Tuy nhiên, theo quan điểm của tòa án, mọi giao dịch liên quan đến tài khoản ngân hàng đều cần có ý kiến định đoạt của bên vợ hoặc chồng, nên khi có khiếu kiện của vợ hoặc chồng về tài sản, một số tòa tuyên hợp đồng thế chấp hợp pháp của ngân hàng là vô hiệu. Điều này gây rủi ro lớn cho ngân hàng.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho biết, hiện nay, có hàng triệu tỷ đồng tiền gửi tiết kiệm là tiền gửi dân cư. Thực tế, trong các tranh chấp vợ chồng liên quan đến cầm cố sổ tiết kiệm, có tòa án đồng ý ngân hàng là bên thứ ba ngay tình, có tòa án lại phản bác. “Nếu tất cả tòa án đều coi ngân hàng không phải là bên thứ ba ngay tình, thì cả hệ thống ngân hàng có nguy cơ bị sập”, ông Hùng khuyến cáo.

Tin bài liên quan