Ðể cắt giảm chi phí đầu vào, có thêm điều kiệm giảm lãi vay, chia sẻ khó khăn với khách hàng, các nhà băng phải giảm lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại quầy. Tuy nhiên, tiết kiệm online phải tăng tính hấp dẫn mới có thể thu hút được nguồn tiền nhàn rỗi.
SCB là ngân hàng đang áp dụng lãi suất tiết kiệm online cao nhất cho kỳ hạn 6 tháng, với 8,21%/năm, cao hơn 1,11 điểm phần trăm so với gửi tiết kiệm tại quầy.
Ðáng chú ý, ở kỳ hạn 13 - 15 tháng, SCB tiếp tục là ngân hàng có lãi suất cao nhất cho khách hàng gửi online hiện nay khi đạt mức 8,76%/năm, cao hơn 1,06 điểm phần trăm so với gửi tiết kiệm tại quầy.
Ngân hàng có lãi suất tiết kiệm online cao tiếp theo là Nam A Bank, với mức 8,45 - 8,6%/năm, cao hơn 1,2 điểm phần trăm so với gửi tiết kiệm tại quầy. Cụ thể, với kỳ hạn tiết kiệm 24 tháng, lĩnh lãi cuối kỳ, Ngân hàng áp dụng lãi suất 8,6%/năm dành cho các khoản tiền gửi từ 500 tỷ đồng trở lên.
Trong khi đó, nếu gửi tại quầy, lãi suất kỳ hạn từ 18 - 36 tháng từ mức 7,5-7,8% từ tháng trước đã đồng loạt điều chỉnh xuống mức 7,5%/năm hiện nay, lĩnh lãi cuối kỳ.
Ngoài sản phẩm truyền thống, Nam A Bank cũng triển khai thêm nhiều hình thức huy động khác như tiết kiệm trực tuyến, tiết kiệm hưng thịnh, tiết kiệm yêu thương…
Tại Ngân hàng Xây dựng (CBBank), lãi suất tiết kiệm online lên đến 8,4%/năm, áp dụng cho kỳ hạn 12 tháng, cao hơn 0,1% so với tiết kiệm tại quầy. Ngoài ra, CBBank còn giảm 0,01% phí chuyển khoản ngoài hệ thống, khác tỉnh, thành phố nơi mở tài khoản...
Nhiều ngân hàng khác niêm yết ở mức 7 - 7,9%/năm cho các sản phẩm tiết kiệm online kỳ hạn 6 tháng: SeABank: 7%/năm, OCB: 7,10%/năm, MaritimeBank: 7,2%/năm, Bảo Việt: 7,4%/năm, NCB: 7,5%/năm, Bắc Á Bank: 7,6%/năm. Hay tại MBBank kỳ hạn 6 tháng là 6%/năm, OceanBank là 6,55%/năm, SHB là 6,6%/năm...
Tuy nhiên, lãi suất kỳ hạn 6 tháng khi gửi tiền tiết kiệm online tại nhóm ngân hàng có vốn nhà nước (Vietcombank, BIDV, Agribank, VietinBank) chỉ ở mức 5,1 - 5,4%/năm.
Gửi tiền online là hình thức đang được nhiều ngân hàng khuyến khích khách hàng sử dụng và cũng được nhiều người lựa chọn, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp.
Với dịch vụ gửi tiền tiết kiệm online, khách hàng không cần phải đến quầy giao dịch để mở sổ tiết kiệm.
Chỉ cần một thiết bị điện tử có kết nối mạng và có đăng ký dịch vụ Internet/Mobile Banking, khách hàng có thể thực hiện các giao dịch mọi lúc mọi nơi. Ðiều này không chỉ tiện lợi và tiết kiệm thời gian, đây còn là biện pháp đảm bảo an toàn cho khách hàng trong mùa dịch hiện nay.
Hơn nữa, hình thức gửi tiền online còn giúp khách hàng được hưởng lãi suất cao. Thực tế cho thấy, lãi suất gửi tiết kiệm online của các ngân hàng hầu như đều cao hơn lãi suất gửi trực tiếp tại quầy.
Ở một số ngân hàng, hiện chênh lệch giữa lãi suất tiết kiệm online và lãi suất tiết kiệm tại quầy ở cùng kỳ hạn tới hơn 1 điểm phần trăm một năm.
Ðể chủ động phòng chống dịch bệnh gây ra, nhiều người dân đã chuyển sang hình thức mua hàng trực tuyến, thanh toán online, thay vì phải đến trực tiếp các cửa hàng, siêu thị…
Ông Nguyễn Thiện Tâm, Giám đốc Chiến lược Ngân hàng số OCB cho biết, kể từ thời điểm dịch Covid-19 xảy ra ở Việt Nam, các giao dịch điện tử thông qua kênh OMNI của OCB đã tăng trưởng trên 50%.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã yêu cầu toàn ngành ngân hàng quán triệt đến toàn thể cán bộ và tổ chức triển khai ngay một số nội dung, giải pháp cấp bách phòng, chống dịch trong hệ thống.
Trong đó, đối với công tác phát hành kho quỹ, NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố và các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài triển khai một số biện pháp phòng, chống dịch trong giao dịch tiền mặt.
Còn đối với các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải thực hiện khử trùng, sát khuẩn, vệ sinh thường xuyên tại các khu vực giao dịch tiền mặt, kho quỹ và các máy ATM; có biện pháp vệ sinh khử trùng tiền mặt (bó, bao) thu về trước khi nhập kho cuối ngày hoặc trước khi nộp về NHNN.