Ông Trần Quang Khánh.

Ông Trần Quang Khánh.

Ngân hàng Hợp tác xã: Nâng cấp hoạt động trên nền tảng đã có

(ĐTCK) Kể từ ngày 1/7/2013, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam (Ngân hàng Hợp tác) chính thức đi vào hoạt động và khai trương vào ngày 9/7/2013. ĐTCK đã có cuộc phỏng vấn ông Trần Quang Khánh, Chủ tịch HĐQT, Đại diện vốn Nhà nước tại Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam xung quanh việc thành lập và hoạt động của Ngân hàng.

Có ý kiến cho rằng, ở Việt Nam hiện dư thừa ngân hàng, việc thành lập thêm một ngân hàng nữa là không cần thiết. Ông có suy nghĩ gì đến trường hợp ra đời của Ngân hàng Hợp tác vào thời điểm này?

Tôi xin khẳng định, đây không phải là việc sinh ra một ngân hàng mới mà là chuyển đổi mô hình và nâng cấp hoạt động của Quỹ Tín dụng nhân dân Trung ương lên một cấp độ cao hơn với mục tiêu thực hiện điều hòa vốn, hỗ trợ nâng cao hiệu quả hoạt động và bảo đảm cho hệ thống Quỹ tín dụng Nhân dân (QTDND) trên phạm vi toàn quốc hoạt động an toàn và phát triển bền vững hơn, đồng thời vươn tới phục vụ ngày càng nhiều hơn đối với các loại hình hợp tác xã khác trong phạm vi năng lực của Ngân hàng Hợp tác.

           

Xin ông cho biết cụ thể hơn về mục tiêu hoạt động của Ngân hàng Hợp tác?

Đó là phát triển Ngân hàng Hợp tác trở thành tổ chức đầu mối liên kết đủ mạnh để thúc đẩy phát triển hệ thống TCTD là hợp tác xã bao gồm Ngân hàng Hợp tác và các QTDND trở thành một bộ phận quan trọng trong hệ thống các TCTD Việt Nam, góp phần đáp ứng nhu cầu vốn trong khu vực nông thôn và từng bước tại khu vực đô thị trên cơ sở các nguyên tắc tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau nhằm khuyến khích tiết kiệm, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn tiết kiệm của các thành viên để hỗ trợ các nhu cầu về vốn cho sản xuất, kinh doanh, cải thiện đời sống của các thành viên; hướng tới phục vụ người nghèo, người có thu nhập thấp, các doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ, góp phần thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển nông nghiệp - nông thôn, hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, đảm bảo an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững; đồng thời góp phần thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tập thể, trong đó nòng cốt là các hợp tác xã.

 

Hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận trong nền kinh tế thị trường sẽ phần nào hạn chế sự phát triển của Ngân hàng Hợp tác?

Ngân hàng Hợp tác là tổ chức đầu mối liên kết nhằm mục tiêu hỗ trợ cho hệ thống QTDND phát triển ổn định, an toàn và bền vững hơn chứ không phải là một ngân hàng thương mại hoạt động vì mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận. Tuy nhiên, để có thể hỗ trợ cho hệ thống QTDND được ngày càng nhiều hơn thì Ngân hàng Hợp tác cũng phải có lợi nhuận để tăng cường năng lực tài chính. Điều khác biệt so với các ngân hàng thương mại khác là Ngân hàng Hợp tác hoạt động có lợi nhuận nhằm tăng cường năng lực tài chính ngày càng vững mạnh làm cơ sở cho việc quay trở lại phục vụ cho các QTDND thành viên của mình một cách tốt nhất. Đó chính là lý do chúng tôi đề nghị Nhà nước nên giảm 50% mức thuế hiện hành áp dụng với Ngân hàng Hợp tác và các QTDND thành viên.

           

Cho vay các cá nhân nghèo và doanh nghiệp siêu nhỏ, ông có nghĩ rằng, Ngân hàng Hợp tác sẽ hoạt động chồng chéo với các tổ chức tài chính vi mô?

Tổ chức tài chính vi mô cũng cho vay hướng vào các khách hàng cá nhân và doanh nghiệp siêu nhỏ nhưng là thành viên của các tài chính vi mô đó. Trong khi đó, hệ thống QTDND nói chung và Ngân hàng Hợp tác nói riêng cũng đều có phân khúc thị trường phục vụ, cung cấp các sản phẩm dịch vụ tài chính cho các thành viên của mình. Ngoài ra, Ngân hàng Hợp tác cũng cung cấp dịch vụ, sản phẩm cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ trong địa bàn hoạt động của mình. Vì vậy, sẽ không có sự dẫm chân, chồng chéo đối với các tổ chức tài chính vi mô.

 

Như ông nói, về lâu dài, Ngân hàng Hợp tác sẽ phát triển Hợp tác với các tổ chức tương tự trên thế giới. Ông có thể chia sẻ thêm về vấn đề này?

Trên thực tế, trước khi chuyển đổi thành Ngân hàng Hợp tác, chúng tôi đã nghiên cứu rất nhiều loại hình tín dụng hợp tác trên thế giới để có thể vận dụng vào điều kiện thực tiễn ở Việt Nam . Chúng tôi đã, đang và sẽ thường xuyên có các mối quan hệ giao lưu với hệ thống Ngân hàng Hợp tác của Đức, Cannada, pháp, Hà Lan… là các nước đã phát triển rất thành công mô hình này. Trong khuôn khổ quy định pháp lý mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho phép, ngoài việc kết nạp các QTDND làm thành viên, Ngân hàng Hợp tác cũng có thể kết nạp các thành viên khác có nguyện vọng hợp tác hỗ trợ hệ thống QTDND và khu vực kinh tế hợp tác xã. Do đó, khi có điều kiện hợp lý và được sự cho phép của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thì việc hợp tác với các đối tác quốc tế cũng luôn được chúng tôi coi trọng.

 

Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam có tên viết tắt bằng tiếng Việt là Ngân hàng Hợp tác; tên đầy đủ bằng tiếng Anh là Co-operative Bank of Vietnam; tên viết tắt bằng tiếng Anh là Co-opBank; Tên giao dịch là Ngân hàng Hợp tác hoặc Co-opBank. Vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng. Thời hạn hoạt động 99 năm.