Ngân hàng hết thời “hái ra tiền” nhờ bảo hiểm

0:00 / 0:00
0:00
Năm 2023, thu nhập từ bảo hiểm của nhiều ngân hàng sụt giảm sâu. Việc Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, chính thức cấm ngân hàng bán bảo hiểm “bia kèm lạc” sẽ khiến mảng kinh doanh này khó khăn hơn.
Doanh thu từ bảo hiểm của ngân hàng giảm mạnh trong năm qua do những lùm xùm liên quan bancassurance. Ảnh: Đ.T.

Doanh thu từ bảo hiểm của ngân hàng giảm mạnh trong năm qua do những lùm xùm liên quan bancassurance. Ảnh: Đ.T.

Doanh thu bảo hiểm giảm sâu

Năm 2023 là năm khó khăn nhất của doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm và cũng là năm ghi nhận mức sụt giảm sâu nhất trong hoạt động bán chéo sản phẩm bảo hiểm của ngân hàng.

Báo cáo tài chính quý IV/2023 cho thấy, doanh thu bán bảo hiểm của nhiều ngân hàng giảm tới 60-70%.

Cụ thể, năm 2023, thu nhập từ bảo hiểm của VIB chỉ còn 879 tỷ đồng, giảm 32,5% so với năm trước đó. Tại TPBank, doanh thu từ dịch vụ kinh doanh, dịch vụ bảo hiểm và tư vấn năm 2023 giảm tới 57%, chỉ còn 377 tỷ đồng. Tương tự, tại Techcombank, thu nhập từ hợp tác bảo hiểm trong năm qua giảm tới 62%, chỉ đạt 667 tỷ đồng.

Một số ngân hàng chưa công bố báo cáo tài chính quý IV/2023, song kết quả kinh doanh 9 tháng cũng cho thấy, doanh thu từ bảo hiểm sụt giảm rất mạnh. Theo đó, doanh thu từ hoạt động bán bảo hiểm của MB giảm gần 17%, của SeABank giảm hơn 80%, của KienLongBank giảm 51%, của VPBank giảm 23,6%...

Hàng loạt lùm xùm liên quan kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) đã kéo niềm tin trên thị trường bảo hiểm sụt giảm về đáy lịch sử. Doanh thu phí thị trường bảo hiểm cả năm 2023 giảm hơn 8,3%, lần đầu tiên đi lùi sau 10 năm.

Sau khủng hoảng niềm tin, các cơ quan chức năng đã vào cuộc, thanh tra một loạt doanh nghiệp bảo hiểm, xử lý và chấn chỉnh thị trường bảo hiểm, bao gồm cả hoạt động bancassurance. Đây là nguyên nhân khiến thu nhập từ bảo hiểm của các ngân hàng sụt giảm mạnh.

Hoa hồng từ bảo hiểm vô cùng hấp dẫn là nguyên nhân dẫn đến tình trạng một số ngân hàng ép người vay phải mua bảo hiểm, “hô biến” hợp đồng tiền gửi thành hợp đồng mua bảo hiểm…

Theo đại biểu Quốc hội Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang), mức chiết khấu tối đa cho đại lý bảo hiểm nhân thọ với 2 loại sản phẩm bảo hiểm nhân thọ phổ biến là bảo hiểm tử kỳ và bảo hiểm hỗn hợp lên tới 40% phí bảo hiểm năm đầu.

Một số ngân hàng thương mại có liên kết làm đại lý bảo hiểm nhân thọ có hiện tượng gợi ý, ép khách hàng vay vốn phải mua bảo hiểm nhân thọ với mức đóng 1 năm bằng 2-4% giá trị khoản vay. Tại các ngân hàng thương mại, nhân viên ngân hàng được giao chỉ tiêu về số hợp đồng bảo hiểm và doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ. Rất nhiều ngân hàng đã lãi ngàn tỷ đồng nhờ dịch vụ bán chéo sản phẩm bảo hiểm.

Bảo hiểm vẫn là “gà đẻ trứng vàng” của ngân hàng?

Mới đây, Quốc hội đã thông qua Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, trong đó có quy định cấm ngân hàng bán bảo hiểm “bia kèm lạc”.

Trước đó, cuối năm 2023, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 67/2023/TT-BTC quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm. Thông tư này yêu cầu phải ghi âm quá trình tư vấn sản phẩm bảo hiểm đầu tư, doanh nghiệp bảo hiểm phải cung cấp tài liệu tóm tắt về sản phẩm, hỗ trợ bên mua hiểu thông tin trong hợp đồng.

Ngoài ra, để bảo vệ quyền chủ động tham gia của khách hàng, Thông tư số 67/2023/TT-BTC bổ sung quy định: tổ chức tín dụng không được tư vấn, giới thiệu, chào bán, thu xếp việc giao kết hợp đồng bảo hiểm liên kết đầu tư cho khách hàng trong thời hạn trước 60 ngày và sau 60 ngày kể từ ngày giải ngân toàn bộ khoản vay.

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc thắt chặt khung khổ pháp lý với hoạt động kinh doanh bảo hiểm trước mắt sẽ khiến doanh thu của ngân hàng và doanh nghiệp bảo hiểm sụt giảm trong năm 2024. Tuy nhiên, về lâu dài, pháp lý chặt chẽ sẽ giúp thị trường bảo hiểm phát triển minh bạch, bảo vệ khách hàng tốt hơn, từ đó vực dậy niềm tin.

Thực tế, Luật Các tổ chức chức tín dụng (sửa đổi) chỉ cấm ngân hàng gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng. Còn việc kinh doanh đại lý bảo hiểm, ngân hàng vẫn được thực hiện theo quy định pháp luật.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng, bancassurance là kênh bán bảo hiểm thông dụng ở hầu hết quốc gia, không chỉ ở Việt Nam. Việc bán chéo bảo hiểm này mang lại lợi ích cho ngân hàng cũng như có thể lan tỏa sản phẩm bảo hiểm tới khách hàng.

Tất nhiên, vấn đề đặt ra là phải đảm bảo minh bạch, tự nguyện, người mua hiểu đúng bản chất loại bảo hiểm mà mình mua. Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đã giúp hoạt động kinh doanh bảo hiểm của ngân hàng trở nên minh bạch hơn.

Trên thực tế, nhu cầu với bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm phi nhân thọ là rất lớn và đây vẫn là thị trường tiềm năng, còn khủng hoảng trước mắt chỉ là tạm thời. Tại nhiều ngân hàng thương mại, tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm chưa tới 1%, dư địa tăng trưởng vẫn còn rất lớn.

Mặc dù thị trường bảo hiểm đang hứng chịu nhiều lùm xùm do chất lượng tư vấn bán bảo hiểm ở nhiều ngân hàng có vấn đề, song lãnh đạo nhiều nhà băng tin tưởng, với hành lang pháp lý rõ ràng, chuẩn hóa quy trình nghiệp vụ, ra mắt các sản phẩm phù hợp với nhu cầu khách hàng, mảng kinh doanh này sẽ sớm được vực dậy.

Đơn cử, tại Techcombank, doanh thu bảo hiểm giảm sâu trong cả năm 2023, song nếu tính riêng quý IV/2023 thì có sự khởi sắc đáng kể. Cụ thể, thu từ dịch vụ bảo hiểm quý IV/2023 của Techcombank tăng 25,2% so với cùng kỳ năm 2022. Lãnh đạo Techcombank tin rằng, đây là tiền đề để mảng này hồi phục mạnh hơn trong năm 2024.

Tin bài liên quan