Để tất toán được trạng thái vàng, trong năm qua, không ít ngân hàng đã thua lỗ lớn. Đồng thời, các hạn chế kinh doanh vàng miếng cũng như việc điều hành ổn định tỷ giá hối đoái của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong những năm gầy đây đã khiến nguồn thu từ mảng hoạt động kinh doanh vàng và ngoại hối của các ngân hàng giảm khá mạnh.
Sacombank cho biết, hoạt động tất toán trạng thái vàng trong năm qua khiến Ngân hàng lỗ đến 524 tỷ đồng. Còn tại ACB, hoạt động kinh doanh vàng và ngoại hối trong quý IV/2013 cũng lỗ 34 tỷ đồng, cả năm, mảng kinh doanh ngoại hối và vàng của Ngân hàng lỗ gần 78 tỷ đồng. Một năm trước đó, ACB cũng lỗ hơn 1.100 tỷ đồng từ mảng kinh doanh này. Eximbank cũng lỗ 230 tỷ đồng từ kinh doanh vàng và ngoại hối trong quý cuối năm vừa qua.
Thế nhưng, tính đến cuối năm 2013, vẫn còn 9 ngân hàng tại TP. HCM chưa thể hoàn tất việc tất toán trạng thái dư nợ cho vay bằng vàng. Tổng dư nợ cho vay bằng vàng chưa tất toán được ước tính vào khoảng 4 tấn. Lý do là nhiều khách hàng vẫn chưa muốn chuyển dư nợ bằng vàng sang tiền đồng, vì lãi suất cho vay vàng trước đây thấp, nếu chuyển sang VND lãi suất cao. Việc tồn đọng số dư nợ bằng vàng nói trên được NHNN cho rằng, sẽ không tác động đến ngân hàng từ biến động của giá vàng. Tuy nhiên, nếu các ngân hàng đồng loạt mua vàng tất toán cũng sẽ phần nào tác động đến thị trường. Nhưng đến nay, NHNN vẫn chưa có quyết định về ngày tất toán dư nợ vàng.
Tuy chưa có hạn định cuối cùng cho việc tất toán trạng thái dư nợ bằng vàng, song NHNN yêu cầu NHTM phải sớm hoàn tất việc đàm phán với khách hàng chuyển đổi dư nợ cho vay bằng vàng sang tiền đồng, hoặc mua vàng cân đối để sớm đóng trạng thái trong năm nay. Các ngân hàng chưa vội mua vàng, mà kỳ vọng giá giảm thêm.
Mặt khác, theo đánh giá của lãnh đạo một ngân hàng cổ phần tại TP. HCM, khả năng vàng sẽ còn điều chỉnh giảm, nếu kinh tế Mỹ dần hồi phục và Fed rút dần gói nới lỏng định lượng và đây sẽ là cơ hội để ngân hàng thuyết phục khách hàng chuyển đổi các khoản dư nợ cho vay bằng vàng sang tiền đồng để ngân hàng có thể đóng trạng thái dư nợ bằng vàng, mà không phải mua vàng tất toán như đối với trạng thái huy động vàng.
Số liệu đưa ra từ NHNN TP. HCM cho thấy, khối lượng mua – bán vàng miếng của các ngân hàng trên địa bàn Thành phố trong năm qua và ngay cả tháng 1/2014 (khi giá vàng giảm) cũng không tăng. Cụ thể, doanh số mua vàng của các ngân hàng năm qua là trên 6,5 triệu lượng và doanh số bán ra cũng chỉ thấp hơn chút đỉnh. Riêng trong tháng 1/2014, doanh số mua - bán vàng miếng của các ngân hàng trên địa bàn cũng chỉ trên dưới mức 200.000 lượng.
Giám đốc Kinh doanh vàng miếng PNJ, ông Nguyễn Ngọc Trọng cũng cho hay, mãi lực vàng hiện nay khá chậm và chủ yếu từ khách hàng cá nhân. Qua đó, có thể thấy, trạng thái kinh doanh vàng miếng của các ngân hàng hiện nay đang ở thế cầm chừng, giao dịch trầm lắng.
Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần cho rằng, mua vàng trong thời điểm hiện nay tuy rủi ro không cao, nhưng khả năng vàng sẽ giảm thêm trong thời gian tới nên các ngân hàng hạn chế giao dịch. Vả lại, việc đóng trạng thái đối với dư nợ cho vay bằng vàng vẫn còn bỏ ngỏ nên ngân hàng chưa vội mua. Đối với giữ hộ vàng, hiện các ngân hàng được phép vẫn triển khai và khuyến khích khách hàng giữ hộ dưới nhiều hình thức khác nhau và có phí giữ hộ.
Nhìn chung, các NHTM không còn kỳ vọng vào mảng kinh doanh vàng và ngoại hối như trước đây, kể cả với những ngân hàng được kinh doanh vàng miếng. Chủ tịch HĐQT một ngân hàng cho biết, trước đây, lợi nhuận ngân hàng ngoài tín dụng được kỳ vọng nhiều từ các mảng dịch vụ, trong đó có kinh doanh vàng và ngoại tệ. Thế nhưng, những năm gần đây, nguồn thu từ mảng hoạt động này không còn nhiều.