Trong vụ án bầu Kiên bộc lộ nhiều quy định pháp lý chưa theo kịp thực tế - Ảnh:Bùi Trang

Trong vụ án bầu Kiên bộc lộ nhiều quy định pháp lý chưa theo kịp thực tế - Ảnh:Bùi Trang

Ngân hàng giữa hai bờ đại án

(ĐTCK) Khi các đại án dần qua đi nghĩa là chu kỳ phát triển mới của ngân hàng và mở rộng ra của cả nền kinh tế đang đến.

Đại án là… chỉ báo

Khi nào thì nền kinh tế đang khủng hoảng, khi nào nền kinh tế bắt đầu phục hồi? Có lẽ các chuyên gia kinh tế sẽ đưa ra nhiều lý thuyết, nhiều chỉ số và nhiều phân tích cho thấy sự biến động lên xuống của chỉ số này kèm theo sự tăng giảm của chỉ số kia chứng minh cho thấy xu hướng vận động kinh tế ra sao.

Nhưng dữ liệu nào có tính khái quát nhất? Có thể là tốc độ tăng trưởng GDP, nhưng điều này có đúng không? Câu trả lời là không, bởi ngay tại nền kinh tế lớn nhất thế giới như Mỹ, mặc dù GDP đã phục hồi từ rất lâu sau cú sốc khủng khoảng kinh tế 2008, nhưng Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn “lần chần” tăng lãi suất bởi chỉ báo việc làm và nhiều chỉ số khác chưa tiến triển như kỳ vọng.

Vì vậy, trong các báo cáo kinh tế, người đọc thường khá đau đầu vì hàng loạt chỉ số được đưa ra từ GDP, CPI, PMI, sản xuất công nghiệp, mức tiêu thụ, tỷ lệ thất nghiệp, xuất nhập khẩu… Sau khi qua rất nhiều phân tích, các chuyên gia mới có thể khẳng định kinh tế đã phục hồi hay chưa? Tăng trưởng có bền vững hay không, theo mô hình V, W, U, L…

Nhưng ở góc độ sự kiện, có một điều “thú vị” mà gần đây có ý kiến đưa ra rằng tại Việt Nam, chu kỳ phát triển kinh tế theo hình gì thì cũng bắt đầu bằng đại án và kết thúc bằng… đại án.

Khi nền kinh tế đang hì hụi “leo dốc” để “lên đỉnh” hình sin hoặc là đỉnh giữa của chữ W ấy, mọi thông tin đều tốt, làm ăn cũng thuận lợi, các án kinh tế ít hẳn đi. Nhưng khi nền kinh tế mệt mỏi, chỉ muốn trượt cỏ thôi, sẽ có hàng loạt thông tin về sai phạm, về thất thoát, về khởi tố, về bắt giam, về những số tiền khủng…

Khi đó, án kinh tế tăng nhiều và các đại án xuất hiện. Và một đặc điểm có tính “truyền thống” là thường gắn với ngành Ngân hàng.

Cơ quan điều tra khám xét, thu giữ các tài liệu liên quan đến vụ việc của ông Hà Văn Thắm. Ảnh: Thành An 

Tăng Minh Phụng - Huyền Như, Bầu Kiên,…

Cách đây gần 20 năm, sau một thời kỳ phát triển nhanh chóng nhờ đổi mới, ngành ngân hàng đón nhận đại án đầu tiên, vụ án Tăng Minh Phụng. Sáu ngân hàng đã bảo lãnh trả chậm cho các công ty của Tăng Minh Phụng nhập hàng từ nước ngoài, một nghiệp vụ thông thường. Nhưng khi nghiệp vụ thông thường đó được doanh nghiệp tận dụng để đổ vốn vào bất động sản, rủi ro đã xảy ra kéo theo hàng loạt cán bộ ngân hàng hầu tòa cùng Tăng Minh Phụng.

Vụ án xảy ra trong thời kỳ khủng hoảng tài chính châu Á 1997 – 1998. Trước đó, thị trường bất động sản bùng nổ sau giai đoạn thăng hoa về vốn FDI, của mở cửa kinh tế 1996. Nhưng khi khủng hoảng, dù tác động không quá lớn với kinh tế Việt Nam nhưng bất động sản vẫn lao dốc. Trong bối cảnh đó Tăng Minh Phụng đã tính toán đầu tư vào thị trường địa ốc, mua vào, chờ khi kinh tế khôi phục sẽ bán ra.

Nhưng kinh tế không hồi phục nhanh như vậy. Cái giá phải trả là vụ án bị khởi tố, Tăng Minh Phụng không có cơ hội bán ra khối tài sản khổng lồ bao gồm 390 danh mục gồm 476 đơn vị tài sản là nhà xưởng, dây chuyền sản xuất, máy móc, kho tàng, văn phòng, biệt thự…

Sau vụ án này là một đề án tái cấu trúc các ngân hàng cổ phần trong 3 năm 1998 - 2001, và không ít cán bộ cao cấp của nhiều ngân hàng đã không còn ở vị trí cũ.

Vào những năm 2000, nền kinh tế chạm đáy khủng khủng hoảng và phục hồi dần để bước vào chu kỳ tăng trưởng mới mà đỉnh điểm là 2006 – 2008, trước khi khủng hoảng nợ dưới chuẩn ở Mỹ xảy ra.

Nhưng sự phục hồi chỉ diễn ra ngắn ngủi vào năm 2009 với gói kích cầu lớn, nhưng để thực sự khẳng định nền kinh tế đã chạm đáy và phục hồi chỉ xuất hiện trong các nhận định vào cuối năm 2014 và đầu 2015.

Đó cũng là thời điểm được ghi dấu bằng hàng loạt các đại án đã được đưa ra xét xử như vụ án bầu Kiên (Ngân hàng ACB), Huyền Như, đại án ALC II (Agribank), đại án nghìn tỷ Tây Nguyên (Ngân hàng Phát triển Việt Nam). Chưa kể tới những vụ khá được chú ý như vụ Hà Văn Thắm – Oceanbank, hay vụ ông Phạm Thanh Tân, nguyên Tổng giám đốc Agribank chưa được xét xử.

Đó là các đại án hay các án lớn, còn thông tin những vụ án ở quy mô nhỏ hơn trong lĩnh vực ngân hàng thì xuất hiện hàng tuần trên các báo suốt hơn 1 năm vừa qua.

Dù lấy đại án hay số lượng án kinh tế, mà đặc biệt trong lĩnh vực ngân hàng, làm thước đo chu kỳ kinh tế có lẽ không được… khoa học. Nhưng ở một góc nhìn đơn giản, điều này đã diễn ra.

Sóng ngầm giữa hai bờ đại án

Có người nhận xét rằng đại án và tăng trưởng ngân hàng biến thiên theo tỷ lệ nghịch, khi các vụ án gia tăng, ngành ngân hàng đang chìm trong khủng hoảng, khi các vụ án giảm dần, nghĩa là sự tăng trưởng đang trở lại. Nhưng trong một nhịp phát triển, giữa hai bờ của đại án, có quá nhiều vấn đề ngành ngân hàng phải đối mặt và nó không nhẹ tênh như “tỷ lệ nghịch” ấy.

Hàng loạt các vấn đề trong ngành ngân hàng hay nền kinh tế được chỉ ra mà cụ thể hóa là những đề án tái cấu trúc lớn với 3 trụ cột là đầu tư công, ngân hàng, và doanh nghiệp nhà nước. Riêng đối với ngân hàng là hàng loạt câu chuyện từ sở hữu chéo, cho vay sân sau, chất lượng tín dụng, trình độ quản trị…

Những câu chuyện rất mới được đề cập, mới vì văn bản pháp luật còn thiếu quy định như câu chuyện về sản phẩm phái sinh. Tận đến gần đây, Ủy ban Chứng khoán đã nỗ lực để ban hành được các văn bản pháp quy về thị trường chứng khoán phái sinh với Hợp đồng tương lai (Futures), dự kiến có thể đưa vào giao dịch trong năm 2015.

Hay như câu chuyện về vàng, không dễ giải thích các khái niệm kinh doanh giá vàng, kinh doanh trạng thái vàng, kinh doanh vàng tài khoản… Ngoài vụ án bầu Kiên, các cơ quan tiến hành tố tụng đã khởi tố, điều tra, bắt tạm giam hàng loạt các đối tượng kinh doanh sàn vàng trái phép như sàn vàng Phú Thái, sàn vàng HGI, sàn vàng IG…

Giữa các đại án đó còn là sự nhập nhằng giữa doanh nghiệp và ngân hàng khi các ông chủ doanh nghiệp thành lập ngân hàng để rồi dùng vốn ngân hàng tài trợ cho các hoạt động khác của mình. Không khó để chỉ ra các tập đoàn, các ông chủ chiếm giữ tỷ lệ cổ phần lớn trong các ngân hàng hiện nay. Hậu quả của mối quan hệ phức tạp giữa doanh nghiệp và hệ thống tài chính là khi khủng hoảng nổ ra, khi chính sách thay đổi, tín dụng thắt chặt, những sai phạm đã bị lôi ra.

Nhìn lại vụ án bầu Kiên, một khối lượng vốn khổng lồ từ các ngân hàng có liên quan đến ông Kiên đã được tài trợ cho các doanh nghiệp do chính ông này thành lập. Hình thức tài trợ là mua trái phiếu doanh nghiệp. Các doanh nghiệp này thường phát hành trái phiếu với giá trị hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng và được các ngân hàng như ACB, VietBank, Phương Nam, MHB Bank mua hết. Số vốn này, sau đó, được dùng đầu tư mua cổ phiếu nhiều doanh nghiệp khác.

Một câu hỏi đơn giản: Nếu đó không phải là công ty của ông Kiên, liệu ACB có sẵn lòng mua hàng nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp?

Một chu kỳ mới

Chính phủ đã nỗ lực lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng nhưng mối quan hệ giữa doanh nghiệp với hệ thống tài chính vẫn phức tạp, tình trạng sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng vẫn còn đó kèm theo rủi ro từ việc tài trợ cho các công ty sân sau.

Đó là thách thức về lỗ hổng quản trị trong ngân hàng, ý thức rủi ro pháp lý khi các ngân hàng buộc phải nhìn vào thực chất và không thể chạy theo bề nổi bằng các hệ thống quản trị này nọ, các quy trình, quy chế, các biểu mẫu, hợp đồng, điều kiện thỏa thuận sao chép na ná như nhau và lắm khi vô nghĩa trong việc ngăn chặn rủi ro…  

Tuy còn nhiều gánh nặng di chứng từ giai đoạn suy thoái nhưng dù sao thì tín hiệu cho một chu kỳ tăng trưởng mới đã xuất hiện - ấy là khi các đại án dần đi vào kết thúc, chỉ báo rằng khủng hoảng đã đến đáy.

Một giai đoạn tăng trưởng mới mở ra cơ hội từ các sản phẩm mới và mở ra cả những nguy cơ pháp lý mới…

Tin bài liên quan