Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT BIDV chia sẻ, với việc thực hiện giảm 0,5%/năm lãi suất đối với các khoản vay vốn ngắn hạn phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh, còn mức cho vay trung và dài hạn đối với hoạt động sản xuất - kinh doanh tối đa không quá 10%/năm từ ngày 29/4 vừa qua, BIDV có thể bị giảm doanh thu 400 - 450 tỷ đồng.
ĐTCK đã liên hệ với nhiều ngân hàng khác đang triển khai chương trình hạ lãi suất để tìm hiểu về mức độ ảnh hưởng của hạ lãi suất đến kết quả kinh doanh năm nay, nhưng hầu hết lãnh đạo các ngân hàng đều “né” đưa ra con số chi tiết, mà chỉ cho biết “chắc chắn sẽ giảm”.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia kinh tế, hiện dư nợ tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng ước khoảng 4 triệu tỷ đồng, trong đó cho vay ngắn hạn chiếm khoảng 60%, tức khoảng 2,4 triệu tỷ đồng. Lấy con số dư nợ này nhân với mức lãi suất giảm là 0,5%/năm, thì doanh thu của các ngân hàng vơi bớt 12.000 tỷ đồng (trong điều kiện không giảm lãi suất huy động).
“Đây là con số không hề nhỏ, khi mà vốn điều lệ tối thiểu của một ngân hàng theo quy định hiện nay của cơ quan quản lý là 3.000 tỷ đồng”, TS. Hiếu nói.
Cũng theo TS. Hiếu, lợi nhuận biên (chênh lệch lãi suất huy động - cho vay) các ngân hàng ngân hàng thương mại cỡ trung hiện đã giảm xuống còn khoảng 2,7%, trong khi theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, mức 3% đã là khá thấp; với các ngân hàng nhỏ, mức lợi nhuận biên còn thấp hơn nhiều. Lưu ý, mức 3% này phải cõng trên lưng rất nhiều loại chi phí, bao gồm chi phí dự trữ bắt buộc, dự phòng rủi ro, chi phí hoạt động, lương thưởng cho cán bộ và lợi nhuận cho cổ đông. Điều đó cũng có nghĩa, việc tiếp tục giảm lãi suất khiến lợi nhuận biên giảm, nếu không khéo rất có thể ngân hàng sẽ bị lỗ.
Bởi vậy, để giảm được lãi suất, buộc các ngân hàng phải cơ cấu lại hoạt động để tiết giảm tối đa chi phí. BIDV cho biết, song song với việc giảm lãi suất, Ngân hàng thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp về tín dụng, huy động vốn, tài chính... Trong thời gian tới, BIDV sẽ đẩy mạnh cơ cấu danh mục tín dụng theo hướng kiểm soát chặt chẽ quy mô cho vay bất động sản, các dự án BOT, kinh doanh chứng khoán và các lĩnh vực có hệ số rủi ro cao. Đồng thời, tập trung tăng trưởng tín dụng trong các lĩnh vực có hệ số rủi ro thấp, được hưởng lợi từ chính sách hội nhập. Trong lĩnh vực huy động vốn, bên cạnh việc tiếp tục giữ vững nền vốn hiện tại, BIDV đẩy mạnh huy động vốn trung và dài hạn để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng tín dụng và các chỉ số an toàn theo quy định. Đặc biệt, từ nay đến cuối năm, Ngân hàng nỗ lực tiết giảm 500 - 600 tỷ đồng chi phí hoạt động, tăng thu dịch vụ ròng, cải tiến quy trình nghiệp vụ, cải cách thủ tục hành chính.
Thực tế cho thấy, những ngân hàng đầu tàu đang cố gắng thực hiện chủ trương giảm lãi suất của Chính phủ, nhưng các ngân hàng cỡ trung và nhỏ, vốn đang nỗ lực tái cấu trúc, xử lý nợ xấu, lợi nhuận bị thuyên giảm, nên việc giảm lãi suất gặp nhiều khó khăn.
“Chủ trương giảm lãi suất của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, ngân hàng nào cũng muốn triển khai để hỗ trợ DN, nhưng nền kinh tế chưa cho phép các ngân hàng giảm sâu lãi suất khi lợi nhuận vốn đã thấp, trong khi vấn đề nợ xấu dai dẳng. Giữa ý muốn và thực tế, khoảng cách còn khá xa”, TS. Hiếu nhận định.
Tại ĐHCĐ thường niên 2016 vừa qua, BIDV đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 7.900 tỷ đồng. Tương tự, Vietcombank dự kiến lợi nhuận đạt 7.500 tỷ đồng, TPBank đặt chỉ tiêu 695 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, SHB đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế tăng 32,7% so với con số 1.017 tỷ đồng đạt được năm 2015… Thực hiện chủ trương giảm lãi suất, rất có thể nhiều ngân hàng sẽ phải tính toán lại kế hoạch kinh doanh, trong đó có chỉ tiêu lợi nhuận.
Theo các chuyên gia, để hỗ trợ cho các ngân hàng giảm lãi suất, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, cần sự phối hợp của các bộ, ngành trong Chính phủ, đi kèm với đó là hoàn thiện thể chế, tạo điều thuận lợi, thông thoáng, thúc đẩy các DN trở thành động lực phát triển kinh tế.