VietinBank cho biết đã giảm từ 0,5 -1,5%/năm lãi suất cho vay so với biểu lãi suất thông thường cho gần 3.000 khách hàng bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, với số tiền giải ngân khoảng 60.000 tỷ đồng. Ðể có thể cân đối được việc giảm lãi suất cho vay hỗ trợ các khách hàng, Ngân hàng đã triển khai các giải pháp gì?
Thực hiện chủ trương chung của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước trong việc đồng hành, chia sẻ khó khăn với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, VietinBank đã và đang hỗ trợ trực tiếp các doanh nghiệp thông qua kết hợp tổng hòa nhiều biện pháp, trong đó có chủ trương giảm lãi suất cho vay.
Ðể có thể cân đối được việc giảm lãi suất cho vay hỗ trợ các khách hàng ảnh hưởng từ dịch bệnh, VietinBank phải triển khai quyết liệt đồng thời nhiều giải pháp: thứ nhất, tiết giảm tối đa chi phí hoạt động của Ngân hàng; thứ hai, phối hợp với Hiệp hội Ngân hàng và các ngân hàng thương mại nhà nước chủ lực trên thị trường tạo sự đồng thuận giảm mặt bằng lãi suất huy động, qua đó, giảm chi phí vốn của Ngân hàng, hỗ trợ cắt giảm lãi suất thêm nữa cho các khách hàng vay vốn trong thời gian tới.
Ðược biết, VietinBank cũng cam kết tiếp tục giảm lãi suất tới 2%/năm trong thời gian tới. Ông có thể cho biết mức giảm này dành cho đối tượng nào và dự báo với những biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, VietinBank sẽ giảm bao nhiêu lợi nhuận?
Mức giảm này sẽ ưu tiên tập trung cho các đối tượng khách hàng doanh nghiệp hoạt động trong ngành, lĩnh vực được đánh giá là chịu tác động trực tiếp và lớn nhất của dịch bệnh, trước hết là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cung cấp hàng hóa dịch vụ thiết yếu cho xã hội.
Ngân hàng sẽ xem xét hỗ trợ lãi suất trên cơ sở đánh giá cụ thể tình hình thực trạng tài chính, hoạt động của từng khách hàng đảm bảo hỗ trợ đúng đối tượng, tới những khách hàng thật sự cần thiết, không để hiện tượng trục lợi tiêu cực có thể xảy ra.
Về lợi nhuận ảnh hưởng, hiện nay, số lượng và mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh còn chưa phản ánh đầy đủ, nhưng chúng tôi ước tính các chương trình hỗ trợ lãi suất, phí dịch vụ có thể làm giảm từ 10 - 20% lợi nhuận của Ngân hàng.
Giải pháp hỗ trợ về mặt tài chính để các doanh nghiệp đi qua giai đoạn khó khăn bởi dịch bệnh Covid-19 được đánh giá là rất cần thiết, tuy nhiên, cần nhiều hơn các giải pháp khác hỗ trợ. Theo quan điểm của ông, đó là những giải pháp gì?
Tôi cho rằng, giải pháp tài chính thông qua việc miễn giảm lãi suất chỉ là giải pháp hỗ trợ một phần giúp doanh nghiệp giảm bớt khó khăn, cần hơn nữa đó là sự hỗ trợ về mặt thanh khoản, thông qua việc ngân hàng hỗ trợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ, tái cấu trúc tài chính.
Bên cạnh đó là việc tiếp tục xem xét cho vay mới với những nhu cầu phục vụ hoạt động kinh doanh cần thiết để giúp doanh nghiệp cân đối, ổn định được tài chính, tránh nguy cơ đổ vỡ, phá sản, gián đoạn trong hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Thông tin VietinBank cho biết, thời gian qua Ngân hàng đã cơ cấu, giữ nguyên nhóm nợ khoảng 350 khách hàng với dư nợ khoảng 18.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 2% dư nợ. Ngân hàng đã ước tính nợ xấu sẽ phát sinh sau dịch bệnh Covid-19 như thế nào? Kế hoạch phòng chống rủi ro được Ngân hàng khởi động ra sao?
Việc cơ cấu, giữ nguyên nhóm nợ của VietinBank thực hiện theo đúng chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, theo đó, chỉ các khách hàng khó khăn tạm thời, sụt giảm doanh thu do dịch bệnh có khả năng phục hồi hoạt động sản xuất đảm bảo khả năng trả nợ sau khi hết dịch mới được Ngân hàng xem xét cho cơ cấu, giữ nguyên nhóm nợ.
VietinBank tăng cường khả năng chống chịu về mặt tài chính thông qua việc dự trù tăng thêm chi phí dự phòng rủi ro để đảm bảo Ngân hàng luôn ở tình trạng sẵn sàng trước những biến động có thể chưa dự đoán hết của đợt dịch bệnh này.
Theo ông, hoạt động sản xuất - kinh doanh có thể nhanh chóng hồi phục sau dịch?
Các khó khăn của doanh nghiệp giai đoạn này không đến từ nguyên nhân cốt yếu từ sự suy giảm nhu cầu của thị trường, mà đến từ nguyên nhân dịch bệnh làm đứt gẫy, gián đoạn các chuỗi sản xuất, cung ứng và tiêu dùng.
Khó khăn hiện nay với các doanh nghiệp và ngân hàng là rất lớn, tuy nhiên, nếu ngân hàng và các doanh nghiệp cùng phối hợp chặt chẽ, triển khai quyết liệt các giải pháp hỗ trợ để các doanh nghiệp có thể duy trì, vượt qua giai đoạn này thì khả năng các doanh nghiệp sẽ phục hồi nhanh, mạnh ngay sau dịch là rất lớn.
Ðiều này là do nhu cầu thị trường sau dịch sẽ gia tăng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thể nhanh chóng phục hồi sản xuất - kinh doanh.
Thực tế tại Trung Quốc cho thấy, ngay sau khi chấm dứt dịch tại quốc gia này, các doanh nghiệp đã quay lại hoạt động sản xuất, với nhiều doanh nghiệp hoạt động hơn 100% công suất so với trước kia.