Ngân hàng giảm lãi vay không phải "làm phúc" mà cũng chính là tự cứu mình

0:00 / 0:00
0:00
Trao cho doanh nghiệp cơ hội tiếp cận vốn rẻ hơn để phục hồi sản xuất, ngân hàng không phải “làm phúc”, mà tự cứu mình bởi doanh nghiệp phá sản, thì nhà băng sẽ ngấm nặng đòn nợ xấu.
Khả năng ngân hàng giảm đồng loạt lãi suất cho vay là rất khó xảy ra.

Khả năng ngân hàng giảm đồng loạt lãi suất cho vay là rất khó xảy ra.

Dưới sự vận động của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tuần này đã có nhiều ngân hàng tuyên bố giảm 1% lãi suất cho vay với một số doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng của Covid-19. Rất khó kỳ vọng về một làn sóng giảm sâu, giảm rộng lãi suất cho vay, song doanh nghiệp vẫn mong sẽ có thêm nhiều ngân hàng giảm lãi suất hơn nữa.

Dư địa giảm thêm lãi suất của các ngân hàng vẫn còn, bởi 6 tháng đầu năm nay, các ngân hàng dồn dập công bố lãi khủng, trong đó, rất nhiều ngân hàng lãi lớn nhờ chênh lệch lãi suất huy động/cho vay doãng rộng. Chính vì vậy, việc các ngân hàng giảm biên lợi nhuận để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp không đơn thuần là sự “hy sinh”, mà còn là sự tử tế, công bằng.

Với quy mô tín dụng toàn nền kinh tế hiện trên 10 triệu tỷ đồng, nếu ngân hàng giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay, thì doanh nghiệp sẽ có thêm hàng chục ngàn tỷ đồng để hồi sức.

Tuy vậy, khả năng ngân hàng giảm đồng loạt lãi suất cho vay là rất khó xảy ra. Thực tế, năm 2020, dù NHNN nhiều lần giảm lãi suất điều hành, nhưng lãi suất cho vay chỉ giảm ở mức nhất định, tập trung vào một số gói tín dụng ưu đãi, chứ không giảm đồng loạt.

Nói một cách công bằng, dù dư địa giảm lãi suất cho vay là có, song với ngân hàng, việc giảm lãi suất là không hề dễ. Với ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) ngoài quốc doanh, NHNN không thể can thiệp, bởi quyền này thuộc về đại hội đồng cổ đông ngân hàng và vì một số lý do.

Thứ nhất, giảm lãi suất sẽ tác động ngay đến “nồi cơm” - ở đây là lợi nhuận của ngân hàng. Lãnh đạo một ngân hàng TMCP ước tính, nếu giảm 1% lãi suất với dư nợ hiện hữu, thì ngân hàng này sẽ bị thổi bay 500 tỷ đồng lợi nhuận, không đạt mục tiêu mà đại hội đồng cổ đông đề ra.

Thứ hai, nhìn vào cơ cấu lợi nhuận của các ngân hàng 6 tháng đầu năm nay, có thể thấy, lợi nhuận tăng đến từ 3 thành tố chính: NIM (biên lãi ròng) được cải thiện; dịch vụ tăng trưởng mạnh; chi phí dự phòng rủi ro giảm mạnh nhờ cơ cấu nợ. Tuy nhiên, chi phí dự phòng rủi ro có thể tăng mạnh trở lại vào hai quý cuối năm và những năm tới khi Thông tư số 03/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 hết hiệu lực. Ngoài ra, ngân hàng cũng chỉ có thể mở rộng tăng trưởng dịch vụ đến giới hạn nhất định. Nói cách khác, ngân hàng vẫn lãi lớn nhờ tín dụng, do đó, rất khó để giảm sâu lãi suất cho vay nếu lãi suất đầu vào không giảm.

Nhìn tổng thể thị trường, điều kiện để giảm thêm lãi suất là không nhiều. Và cũng rất dễ hiểu vì sao, bên cạnh việc vận động các ngân hàng thương mại giảm lãi suất để hỗ trợ khách hàng, cả lãnh đạo NHNN lẫn Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đều khuyến cáo, các tổ chức tín dụng phải cân nhắc mức giảm dựa trên cơ sở năng lực tài chính của mình, nhất là khi rủi ro tiềm ẩn nợ xấu còn rất lớn. Nếu sức khỏe hệ thống ngân hàng lâm nguy, thì cả nền kinh tế phải trả giá.

Không chỉ dự phòng cho “núi nợ” sắp dềnh lên, các ngân hàng vẫn đang phải chịu nhiều áp lực để tăng vốn điều lệ đáp ứng chuẩn Basel II, tiến tới là Basel III. Bên cạnh đó, phải đẩy mạnh đầu tư công nghệ để thích ứng với tình hình mới. Trong bối cảnh đó, nguồn lợi nhuận của ngân hàng phải chia năm sẻ bảy, không dồi dào như con số khủng đã công bố.

Để ngân hàng có động lực giảm thêm lãi suất cho vay, có lẽ, Chính phủ và NHNN cần tạo thêm dư địa giúp hệ thống này giảm thêm lãi suất. Theo đó, có thể ban hành cơ chế “thưởng room” tăng tín dụng cho những ngân hàng chịu giảm mạnh lãi suất cho vay, còn dư địa tăng trưởng; tạo cơ chế khoanh nợ với các khoản vay chịu ảnh hưởng nặng do đại dịch Covid-19 (tương tự cơ chế khoanh nợ với thiên tai, dịch bệnh trong lĩnh vực nông nghiệp)…

Chỉ khi có cơ chế phù hợp, ngân hàng mới mạnh dạn giảm lãi suất, mạnh dạn cho vay mới. Nếu không, ngay cả khi dư thừa thanh khoản, ngân hàng sẽ vẫn không mặn mà cho vay sản xuất, kinh doanh, mà chỉ rót vốn vào trái phiếu doanh nghiệp, tín dụng chứng khoán, bất động sản…

Bài viết triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.

Xem thêm nội dung TẠI ĐÂY!

Tin bài liên quan