Ngân hàng gặp “vướng” khi tham gia thị trường chứng khoán phái sinh

Ngân hàng gặp “vướng” khi tham gia thị trường chứng khoán phái sinh

(ĐTCK) Nhiều khả năng, thị trường chứng khoán phái sinh sẽ được khai mở vào tháng 8 tới. 

Trong khi các công ty chứng khoán lớn đã thể hiện sự sẵn sàng tham gia thị trường này ngay khi khai mở, khi đến nay đã có 4 công ty được Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) cấp giấy chứng nhận thành viên bù trừ, thì phía ngân hàng thương mại chưa có đơn vị nào được cấp phép tham gia thị trường.

Theo dữ liệu mới nhất vừa được Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cập nhật đến hết tháng 6/2017, tuy tỷ trọng mua trái phiếu Chính phủ của khối ngân hàng thương mại có xu hướng giảm từ mức 82,28% trong năm 2016 xuống 73,4% trong 6 tháng đầu năm nay, nhưng đây vẫn là nhóm nhà đầu tư chủ lực trên thị trường trái phiếu Chính phủ.

Tìm hiểu của Báo Đầu tư Chứng khoán cho thấy, các ngân hàng thương mại đang có nhu cầu sử dụng sản phẩm phái sinh để phòng ngừa rủi ro cho danh mục trái phiếu. Họ mong đợi sản phẩm hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ sẽ sớm được đưa vào giao dịch, đáp ứng nhu cầu phòng ngừa rủi ro.

“Không chỉ nhà đầu tư nước ngoài, bản thân các ngân hàng thương mại trong nước, với tư cách là nhóm nhà đầu tư đang nắm giữ lượng trái phiếu Chính phủ lớn nhất trên thị trường cũng có nhu cầu lớn trong sử dụng các sản phẩm phái sinh để phòng ngừa rủi ro cho danh mục đầu tư trái phiếu”, phó tổng giám đốc một ngân hàng lớn cho biết.

Tuy nhiên, quá trình ngân hàng hoàn tất hồ sơ để xin phép Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho tham gia thị trường chứng khoán phái sinh đang "vướng".

Theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, các ngân hàng thương mại phải được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản trước khi tham gia hoạt động tự doanh chứng khoán phái sinh và là thành viên bù trừ trên thị trường chứng khoán phái sinh. Nhưng do tính chất quá mới của thị trường này, cũng như chưa có hướng dẫn chi tiết về hồ sơ, trình tự giải quyết, khiến cho việc xem xét ở đầu Ngân hàng Nhà nước có phần chậm trễ.

Còn một lý do “khó nói”, mà như giám đốc đầu tư và quản lý danh mục đầu tư một ngân hàng lớn nhìn nhận, do thị trường chứng khoán phái sinh quá mới và có đặc tính là rủi ro cao, nên có thể cần thời gian quan sát thực tiễn hoạt động của thị trường chứng khoán phái sinh, trước khi “thoáng” hơn trong cấp phép cho các ngân hàng tham gia thị trường này.

“Chúng tôi chia sẻ mối lo của Ngân hàng Nhà nước, nhưng mục tiêu chính của ngân hàng thương mại khi tham gia thị trường chứng khoán phái sinh là để phòng ngừa rủi ro, có nghĩa là gia tăng tính an toàn cho hoạt động của họ, trong khi điều này trùng với quan điểm điều hành của Ngân hàng Nhà nước, nên cần tạo thuận lợi cho ngân hàng thương mại tham gia thị trường chứng khoán phái sinh, chứ không phải quá quan ngại rủi ro mà chậm giải quyết vướng mắc trong quá trình giải quyết hồ sơ cho phép các ngân hàng tham gia thị trường này”, vị lãnh đạo ngân hàng trên nói.                          

Theo định hướng mở cửa thị trường chứng khoán phái sinh của nhà quản lý, tổ chức thị trường, sẽ có hai sản phẩm đầu tiên được giao dịch là hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu và hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ.

Hiện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã phê duyệt 2 mẫu hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu VN30 và HNX30 do Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội xây dựng.

Đối với sản phẩm hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ, Bộ Tài chính đang giao Vụ Tài chính - Ngân hàng của Bộ nghiên cứu, có văn bản chấp thuận về thiết kế sản phẩm này với tài sản cơ sở là trái phiếu giả định.

Tin bài liên quan