Hầu hết tổ chức tín dụng giảm dự báo tăng trưởng tín dụng và huy động vốn trong năm 2021 so với kỳ vọng trước đây

Hầu hết tổ chức tín dụng giảm dự báo tăng trưởng tín dụng và huy động vốn trong năm 2021 so với kỳ vọng trước đây

Ngân hàng gặp khó vì lãi suất thấp

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các ngân hàng khó có thể đặt mục tiêu giảm lãi suất huy động để giảm lãi suất cho vay, bởi nếu làm như vậy thì nguồn tiền nhàn rỗi trong dân sẽ chảy sang các kênh đầu tư khác.

Lãi suất tiết kiệm giảm nhẹ

Tiền nhàn rỗi vào ngân hàng tăng chậm lại, nhưng trước áp lực giảm lãi vay, không ít nhà băng tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất huy động trong thời gian gần đây. Hiện lãi suất tiền gửi cá nhân giảm từ 0,1 - 0,5%/năm ở hầu hết các kỳ hạn so với kỳ điều chỉnh trước đó.

Chẳng hạn, tại Eximbank, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 tháng là 5,1%/năm, 12 tháng là 5,7%/năm, trên 12 tháng là 6%/năm, áp dụng từ ngày 6/10.

Nam A Bank giảm lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 6 tháng trở lên kể từ ngày 4/10. Lãi suất kỳ hạn 6 tháng giảm từ 6%/năm xuống 5,6%/năm, kỳ hạn 9 tháng giảm từ 6%/năm xuống 5,9%/năm, kỳ hạn 12 tháng giảm từ 6,2%/năm xuống 6,1%/năm, kỳ hạn 36 tháng giảm từ 6,6%/năm xuống 5,9%/năm.

Lãi suất tiết kiệm tại NCB giảm từ 0,05 - 0,2% ở hầu hết kỳ hạn so với cuối tháng 9. Lãi suất kỳ hạn 3 tháng giảm từ 3,9%/năm xuống 3,8%/năm, kỳ hạn 6 tháng là 6,1%/năm, kỳ hạn 12 tháng là 6,35%/năm.

Ngược lại, từ ngày 19/10, lãi suất tiền gửi một số kỳ hạn dài của Sacombank tăng thêm 0,4 - 0,6%/năm, đạt mức cao nhất 6%/năm cho kỳ hạn 24 tháng. Tính đến giữa tháng 10/2021, ngoại trừ SCB áp dụng mức lãi suất 6,8%/năm cho số tiền gửi từ 500 tỷ đồng trở lên kỳ hạn 12 tháng, VietABank, Bac A Bank, Kienlongbank có lãi suất tiền gửi cao nhất là 6,5%/năm, kế đến là NCB với mức 6,35%/năm.

Chuyên gia tại Công ty Chứng khoán SSI cho biết, từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ theo hướng nới lỏng nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp. Tính đến ngày 7/10, tổng phương tiện thanh toán (M2) tăng 5,65% so với cuối năm 2020 và tăng 11,56% so cùng kỳ. Lãi suất huy động nhiều khả năng sẽ được các tổ chức tín dụng điều chỉnh giảm nhẹ trong thời gian còn lại của năm 2021.

Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất tiền gửi hiện đã giảm khá sâu so với đầu năm, khiến dòng tiền nhàn rỗi chảy vào ngân hàng thiếu bền vững, kích thích tiền chảy vào chứng khoán, bất động sản. Minh chứng là số tài khoản mới trên thị trường chứng khoán tiếp tục tăng nhanh, thanh khoản ở mức cao và số dư tiền gửi của nhà đầu tư tại các công ty chứng khoán rất lớn. Số liệu của FiinGroup cho thấy, số dư tiền mặt của nhà đầu tư tại các công ty chứng khoán cuối tháng 8/2021 ước đạt 80.000 tỷ đồng.

Trong khi đó, thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, 8 tháng đầu năm 2021, tổng phương tiện thanh toán tăng 5,34%, lên hơn 12,7 triệu tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng tăng 4,17%, lên hơn 10,4 triệu tỷ đồng. Tiền gửi của dân cư là hơn 5,293 triệu tỷ đồng, tiền gửi của tổ chức kinh tế là hơn 5,14 triệu tỷ đồng, lần lượt tăng 2,95% và 5,46% so với đầu năm. Đáng chú ý, so với cuối tháng 7/2021, tiền gửi của dân cư giảm gần 1.000 tỷ đồng, trong khi tiền gửi của doanh nghiệp tăng hơn 59.000 tỷ đồng. Tính riêng tháng 8/2021, người dân chỉ gửi ròng vỏn vẹn 1.250 tỷ đồng vào ngân hàng. Như vậy, trong hai tháng 7 và 8, người dân gần như không gửi thêm tiền vào ngân hàng.

Tại TP.HCM, tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn ước tính đến cuối tháng 9/2021 tăng chậm hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng. Trong 9 tháng năm 2021, tín dụng tăng khoảng 6,41% so với cuối năm 2020, thấp hơn mức tăng chung của toàn ngành (thông thường luôn cao hơn) là 7,17%.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho hay, do tác động của đại dịch Covid-19, vốn huy động của các ngân hàng trên địa bàn tăng chậm trong quý III/2021.

Cụ thể, tổng huy động vốn trên địa bàn TP.HCM tính đến cuối tháng 7/2021 tăng 0,66% so với tháng 6, tháng 8 tăng 0,42% so với tháng 7, tháng 9 ước tăng 1,19% (đạt 3,045 triệu tỷ đồng) so với cuối quý II/2021 và tăng 4,71% so với cuối năm 2020. Trong đó, tiền gửi tiết kiệm của khách hàng dân cư chiếm 36,8%, tăng 0,5%; tiền gửi thanh toán của tổ chức kinh tế và cá nhân chiếm 54,2%, tăng 5,7%; phát hành giấy tờ có giá chiếm 9%, tăng 17,85% so với cuối năm 2020.

Dư địa giảm lãi vay không nhiều

Mặt bằng lãi suất cho vay và huy động đã giảm đáng kể trong vòng một năm qua, nhưng các đợt giảm lãi suất cho vay luôn chậm hơn và ít hơn so với mức giảm của lãi suất tiền gửi. Vì thế, các ngân hàng được kỳ vọng sẽ tiếp tục giảm lãi vay, để mức chênh lệch so với lãi suất huy động hợp lý hơn và có tính cạnh tranh so với mức lãi vay trung bình trong khu vực.

Hiện nay, chênh lệch giữa lãi suất cho vay và huy động phổ biến từ 2,5 - 5%/năm, tùy theo sản phẩm và kỳ hạn, cá biệt có những khoản vay tiêu dùng tín chấp đạt mức chênh 7 - 8%/năm.

Tuy nhiên, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, mặt bằng lãi suất huy động của các ngân hàng đã xuống rất thấp, không thể đặt mục tiêu giảm lãi suất đầu vào để giảm lãi suất đầu ra từ nay đến cuối năm. Lạm phát đang ở mức thấp, 9 tháng đầu năm 2021 là 1,82%, nhưng theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), lạm phát cả năm 2021 vào khoảng 3% (lạm phát mục tiêu của Quốc hội đặt ra là dưới 4%).

Lãi suất đầu vào của các ngân hàng đã giảm liên tục từ năm 2020 đến nay, hiện dao động trong khoảng 4 - 5,5%/năm. Như vậy, nếu lạm phát không tăng cao thì người gửi tiền mới có lãi suất thực dương.

Ông Tú cho hay, thời gian qua, khi lãi suất huy động giảm 1 - 1,5%/năm, tăng trưởng tiền gửi của các ngân hàng trên địa bàn TP.HCM có dấu hiệu giảm, tính đến ngày 7/10/2021 chỉ đạt 4,8%, trong khi cùng kỳ năm ngoái là hơn 6%. Mức tăng trưởng huy động kể trên cũng thấp hơn đáng kể so với tăng trưởng tín dụng toàn ngành là 7,42%.

“Nếu huy động với lãi suất quá thấp thì người dân sẽ không gửi tiền ngân hàng, mà đi mua nhà, mua vàng… Điều này có thể dẫn đến bất ổn cho nền kinh tế. Trong khi đó, ngân hàng chủ yếu đi vay từ người dân để cho vay trở lại nền kinh tế. Do đó, phải duy trì được nguồn vốn đầu vào, ổn định lãi suất, đảm bảo lợi ích người gửi tiền mới có thể huy động”, ông Tú nói.

Theo ông Tú, mặt bằng lãi suất cho vay của các ngân hàng hiện giảm hơn 1,5%/năm so với trước khi có dịch Covid-19. Nếu áp dụng biên lợi nhuận ròng (NIM) 2,5%/năm trong hoạt động cho vay của các ngân hàng, mức lãi suất cho vay hiện chỉ khoảng 8%/năm, thậm chí thấp hơn với các gói cho vay đặc thù. Vì vậy, để giảm thêm lãi suất cho vay, ngân hàng cần tiết giảm chi phí và cắt giảm lợi nhuận. Đây cũng là hai vấn đề được Ngân hàng Nhà nước liên tục chỉ đạo, đốc thúc các ngân hàng thực hiện trong thời gian qua.

Báo cáo vĩ mô tháng 9 và triển vọng quý IV/2021 của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định, xu hướng giảm của lãi suất huy động sẽ chững lại trong quý cuối năm 2021, còn lãi suất cho vay tiếp tục giảm để hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn vì dịch Covid-19.

TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia tài chính đánh giá, lãi tiết kiệm hiện tuy thấp, nhưng phù hợp với kinh tế vĩ mô và so với lạm phát, lãi suất tiền gửi thực dương cho người gửi tiền. Diễn biến lãi suất thời gian tới sẽ phụ thuộc rất nhiều vào định hướng chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước. Trong bối cảnh doanh nghiệp và người dân chịu tác động tiêu cực bởi dịch bệnh, cơ quan này có thể sẽ áp dụng chính sách tiền tệ nới lỏng đi cùng các gói hỗ trợ kích cầu tín dụng. Tuy nhiên, TS. Hiển cho rằng, việc mở rộng cung tiền cần thận trọng để tránh rơi vào tình trạng bất ổn kinh tế như giai đoạn trước đây.

Trong khi đó, một nhà phân tích tài chính cho rằng, gánh nặng nợ xấu sẽ hạn chế động lực giảm thêm lãi suất cho vay của hệ thống ngân hàng. Nguy cơ nợ xấu tăng từ các khoản vay tái cơ cấu mà ảnh hưởng của dịch bệnh chưa biết sẽ còn kéo dài đến đâu buộc ngân hàng phải cho vay với lãi suất cao để có lợi nhuận nhằm tăng trích lập dự phòng rủi ro.

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng quý IV/2021 do Ngân hàng Nhà nước thực hiện cho thấy, hầu hết tổ chức tín dụng giảm dự báo tăng trưởng tín dụng và huy động vốn trong năm 2021, do tác động khó lường của dịch Covid-19. Cụ thể, dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng được các tổ chức tín dụng dự báo tăng 4% trong quý IV và tăng 12,3% trong năm 2021, giảm so với mức dự báo tăng 13,1% tại kỳ điều tra trước đó. Huy động vốn toàn hệ thống được kỳ vọng tăng bình quân 4,6% trong quý IV và tăng 10,4% trong năm 2021, giảm so với mức kỳ vọng 11,9% của kỳ điều tra trước.

Tin bài liên quan