Kích cầu vốn dịp Tết
OCB vừa áp dụng chính sách cho vay nhanh với khách hàng có thu nhập thấp. Theo đó, khách hàng có thu nhập từ 2 triệu đồng/tháng có thể vay đến 70 triệu đồng, thời gian xử lý khoản vay trong 48 giờ.
Ông Trương Đình Long, Phó tổng giám đốc OCB cho biết, song hành cùng thị trường bán lẻ, những năm gần đây, thị trường tài chính tiêu dùng trong nước được người dân quan tâm nhiều hơn. Hàng loạt tên tuổi liên tục ra mắt các sản phẩm cho vay tiêu dùng dành cho khách hàng cá nhân.
Tuy nhiên, thị trường “ngách” dành cho đối tượng khách hàng có thu nhập thấp, thu nhập từ tự doanh, người làm nghề tự do không có đầy đủ chứng từ để chứng minh nguồn thu nhập… vẫn còn bị bỏ ngỏ.
Nhắm vào thị trường này, Khối Khách hàng đại chúng (COM-B) của OCB liên tục ra mắt những sản phẩm tài chính tiêu dùng linh hoạt cho người có thu nhập thấp với thủ tục đơn giản, thời gian xử lý nhanh.
Theo đại diện COM-B, đến cuối năm 2017, doanh số giải ngân tăng 693% so với cùng kỳ năm 2016; tổng dư nợ đạt hơn 157% và lợi nhuận tăng 220% so với kế hoạch đề ra, trong khi chất lượng nợ vẫn được kiểm soát trong kế hoạch.
Bên cạnh đó, các ngân hàng đang ra sức kích cầu người mua nhà dịp Tết. Từ 15/1/2018, ACB triển khai các gói vay ưu đãi lãi suất với tổng số vốn lên đến 15.000 tỷ đồng. Cụ thể, ACB sẽ dành 10.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay với lãi suất thấp nhất 6,8%/năm.
Ông Từ Tiến Phát, Phó tổng giám đốc ACB cho biết, mục tiêu của Ngân hàng hướng đến khi triển khai chương trình là cung cấp nguồn vốn vay ưu đãi để các doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất - kinh doanh, góp phần bình ổn giá cả hàng hóa thị trường Tết.
Bên cạnh đó, ACB dành gói vay 5.000 tỷ đồng cho nhân viên của các doanh nghiệp đang giao dịch với ACB có nhu cầu vay mua nhà theo chương trình “Ngôi nhà đầu tiên”. Chương trình cho vay với đối tượng có thu nhập trung bình này đến nay đã đáp ứng nhu cầu của hơn 27.000 khách hàng.
Số liệu của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho thấy, năm 2017, tín dụng rót vào bất động sản chỉ chiếm 5,9% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống, giảm mạnh so với mức hơn 8% năm 2016.
Tuy nhiên, theo số liệu phân tích của cơ quan này, tín dụng tiêu dùng năm 2017 lại tăng rất mạnh, cao gấp 3 - 4 lần mức tăng trưởng tín dụng bình quân cả nước. Đặc biệt, trong đó tín dụng mua, sửa chữa nhà ở tăng tới 76,5% và hiện chiếm gần 53% tổng dư nợ cho vay tiêu dùng.
Đại diện VPBank cũng cho biết, phần lớn khoản tín dụng trong khu vực cá nhân tập trung vào lĩnh vực bất động sản như mua hay sửa chữa nhà cửa. Theo các chuyên gia tài chính, sự tăng trưởng này là nhờ giá nhà đất và lãi suất hiện ở mức chấp nhận được, đây là thời điểm thích hợp để người dân có thể tăng cường tiêu dùng bằng cách vay mượn ngân hàng.
Mặt khác, cuối năm, ngân hàng cũng đẩy mạnh cho cá nhân vay mua nhà thông qua nhiều chương trình ưu đãi với lãi suất tốt. Nhiều người chọn vay thời điểm này để hưởng khuyến mãi. VPBank cho vay mua nhà với lãi suất 6,9%/năm. Giá trị khoản vay có thể lên đến 10 tỷ đồng cùng thời hạn vay lên đến 25 năm.
Lãi suất giảm, tín dụng vẫn khó đột biến
Không chỉ ra sức đẩy mạnh tín dụng dịp Tết nhằm đón đầu nhu cầu vốn tiêu dùng tăng, lãi suất cho vay cũng được nhiều nhà băng điều chỉnh giảm. Trong năm 2018, lãi suất nhiều khoản vay ở Vietcombank còn 6%/năm cho các đối tượng ưu tiên.
Theo đại diện Vietcombank, chính sách này nhằm giúp doanh nghiệp chủ động nguồn vốn để hoạt động hiệu quả. Nhiều gói tín dụng ngắn hạn và trung dài hạn với lãi suất ưu đãi ra đời để phục vụ sản xuất nông nghiệp sạch, xuất khẩu, hợp tác phát triển ngành công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ, phát triển ngành y tế…
Một số ngân hàng lớn khác cũng vừa công bố giảm lãi suất cho vay 0,5%/năm, thậm chí có nơi cho biết sẽ cắt giảm 1% lãi suất. Kể từ ngày 10/1/2018, Agribank giảm lãi suất cho vay ngắn hạn từ tối đa 6,5%/năm xuống còn tối đa 6% mỗi năm và giảm lãi suất cho vay trung, dài hạn từ 8%/năm xuống còn từ 7,5%/năm đối với các khách hàng thuộc 5 đối tượng ưu tiên và có tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh.
Trước đó, VietinBank cho biết từ nay đến hết 30/11/2018, nhà băng này áp dụng mức lãi suất chỉ từ 5%/năm dành cho đối tượng khách hàng là các doanh nghiệp nhỏ.
Động thái giảm lãi suất cho vay diễn ra ngay sau đề nghị của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng ngày 9/1/2018. Cụ thể, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng tiền đồng với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế được điều chỉnh giảm 0,5%/năm, về mức tối đa 6%/năm. Các khoản cho vay hiện hữu, khoản giải ngân mới từ nay đến hết 2018 được giảm về mức 6%/năm.
Triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2018, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cũng cho biết, ngay sau hội nghị ngày 9/1/2018, Ngân hàng Nhà nước sẽ có Chỉ thị số 01, chỉ đạo toàn hệ thống triển khai nhiệm vụ năm 2018, trong đó, xem xét giảm lãi suất cho vay là một nội dung trọng tâm.
Thống đốc cũng gợi mở, Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét giảm cả lãi suất cho vay trên thị trường mở (OMO) để hỗ trợ các tổ chức tín dụng có điều kiện để giảm lãi suất cho vay.
Cùng với xu hướng lãi suất giảm và room tín dụng mới được mở ra ngay đầu năm 2018 là cơ hội cho các ngân hàng đẩy mạnh vốn ra thị trường. Tuy nhiên, để kỳ vọng dư nợ tín dụng đột biến trong quý đầu năm là điều không dễ dàng đối với ngân hàng. Bởi giai đoạn sau Tết, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp có phần trầm lắng, nhu cầu tiêu dùng của khách hàng cá nhân cũng không còn tăng cao…
Trên thực tế, dư nợ tín dụng của ngành ngân hàng thường giảm trong quý I, chỉ mới tăng trưởng trong 1 năm trở lại đây. Đánh giá được đưa ra từ chuyên gia tài chính -ngân hàng Huỳnh Bửu Sơn, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu khi hoạt động của doanh nghiệp đang giai đoạn hồi phục. Vì thế, quota tăng trưởng tín dụng được nâng lên 21-22% năm 2017 khó được sử dụng hết.
Trong khi đó, TS. Trần Đình Thiên, chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu bơm tín dụng ra nền kinh tế nhanh, mà không tính toán, không kiểm soát kỹ thì hậu quả sẽ khó lường.
Đối với mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2018, Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, sẽ điều hành tín dụng theo hướng kiểm soát tăng trưởng tín dụng hợp lý để góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng, nâng cao chất lượng tín dụng; chủ động kiểm soát tín dụng ở một số ngành, lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.