Năm nay, BIDV vẫn tiếp tục thực hiện nhiệm vụ chào bán riêng lẻ 9% vốn (455,3 triệu cổ phiếu). Ảnh: Đức Thanh

Năm nay, BIDV vẫn tiếp tục thực hiện nhiệm vụ chào bán riêng lẻ 9% vốn (455,3 triệu cổ phiếu). Ảnh: Đức Thanh

Ngân hàng đua hút vốn ngoại: Thêm nhiều thương vụ tỷ USD đang đàm phán

0:00 / 0:00
0:00
Hàng ngàn tỷ đồng vốn ngoại đã đổ về tài khoản một số ngân hàng Việt nửa đầu năm nay, nhiều thương vụ tỷ USD khác đang được đàm phán.

Vốn ngoại ồ ạt chảy, thêm nhiều ông lớn lên kế hoạch bán cổ phần

Lãi suất huy động rẻ đi khiến huy động vốn ngân hàng không còn dễ dàng thời gian tới trong khi Việt Nam vẫn là nền kinh tế dựa nhiều vào vốn ngân hàng. Thu hút vốn ngoại thành công đang tạo lợi thế cho nhiều nhà băng. Trong quý II/2023 này, hàng loạt ngân hàng đã nhận về khoản tiền lớn nhờ các hợp đồng bán vốn đã ký trước đó. Cụ thể, mới đây, SHB thông báo vừa hoàn tất việc chuyển nhượng 50% vốn cổ phần tại Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHBFinance). Như vậy, sau hơn một năm, kể từ khi ký hợp đồng chuyển nhượng vốn, hoàn thiện các thủ tục, SHB đã chính thức nhận về khoảng 1.800 tỷ đồng.

Trong khi đó, dự kiến vào khoảng cuối tháng 7 hoặc đầu tháng 8 tới, sau khi hoàn tất thủ tục, VPBank cũng sẽ nhận thêm 32.310 tỷ đồng nữa từ thương vụ bán 15% vốn cho SMBC. Trước đó, giữa tháng 4/2023, ngân hàng này đã nhận khoản đặt cọc 3.590 tỷ đồng.

Ngoài SHB và VPBank, rất nhiều ngân hàng lớn cũng đang lên kế hoạch bán vốn cho cổ đông ngoại với giá trị ước tính lên tới hàng tỷ USD, đáng lưu ý nhất là trường hợp của Vietcombank và BIDV.

Cụ thể, Vietcombank đang lên kế hoạch phát hành riêng lẻ 6,5% cho nhà đầu tư tài chính nước ngoài, số lượng cổ phiếu phát hành là 307,6 triệu, thực hiện trong năm 2023-2024. Với giả định giá phát hành ở mức 92.000 đồng/cổ phiếu như mức đóng cửa cuối tuần qua, thương vụ này sẽ mang về cho Vietcombank gần 28.300 tỷ đồng (khoảng 1,2 tỷ USD).

BIDV có kế hoạch chào bán riêng lẻ 9% vốn (455,3 triệu cổ phiếu) ngay trong năm nay. Với giá đóng cửa ở mức 43.400 đồng/CP như phiên đóng cửa cuối tuần qua, thương vụ sẽ mang về cho BIDV khoảng 18.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 835 triệu USD).

Tại ĐHĐCĐ thường niên vừa qua, ông Phan Đức Tú, Chủ tịch BIDV cho biết, lãnh đạo ngân hàng này đã tiếp xúc tổng cộng 38 nhà đầu tư trong 3 năm qua, song do tình hình thị trường không phù hợp nên chưa thể “chốt” thương vụ. Năm nay, BIDV vẫn tiếp tục nhiệm vụ này.

“Hiện nay, chúng tôi có một số nhà đầu tư tiềm năng, nhưng không thể công bố được. Chúng tôi sẽ cố gắng thực hiện nhiệm vụ này trong năm 2023”, ông Tú cho biết.

Tại Vietcombank, theo Chủ tịch HĐQT Phạm Quang Dũng, thương vụ này đang dừng ở bước thuê tổ chức tư vấn. Theo kế hoạch, Vietcombank sẽ thực hiện phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài trong giai đoạn 2023 - 2024.

Ngoài ra, SHB và LPBank cũng có kế hoạch phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài năm nay. LPBank chưa cập nhật thông tin về tình hình đàm phán với đối tác nước ngoài. Trong khi đó, Chủ tịch HĐQT SHB Đỗ Quang Hiển cho biết, SHB đã xoay chuyển chiến lược từ tìm kiếm nhà đầu tư dài hạn, lâu dài sang nhà đầu tư tài chính trung hạn (3 - 5 năm) do xuất phát từ nhu cầu của nhà đầu tư. Dự kiến, cuối năm nay hoặc đầu năm sau, SHB sẽ có những “chàng rể” trung hạn.

Dòng vốn ngoại tạo lợi thế cho nhiều ngân hàng

Trong khi các ngân hàng quốc doanh có nguồn tiền gửi và vay ngoại tệ lớn nhờ quy mô và sự hỗ trợ của các cổ đông chiến lược là các định chế tài chính hàng đầu Nhật Bản, Hàn Quốc thì nhiều ngân hàng TMCP tư nhân như Techcombank, VPBank, VIB… cũng tỏ ra rất năng động trong huy động nguồn vốn vay ngoại tệ từ các định chế tài chính quốc tế.

Ông Phạm Thiên Quang, Giám đốc Khối Quản lý tài sản VNDirect

Mặc dù sức khỏe tài chính của hệ thống ngân hàng Việt Nam đã được cải thiện, song nhìn chung, hệ thống ngân hàng Việt Nam vẫn đang mỏng vốn, Hệ số An toàn vốn (CAR) thấp hơn nhiều so với khu vực. Chưa kể, trong bối cảnh lãi suất ngày càng giảm, sức khỏe tài chính của doanh nghiệp yếu đi, huy động vốn của ngân hàng sẽ ngày càng khó khăn. Trong bối cảnh đó, nguồn vốn ngoại sẽ là nguồn lực quý giá cho các ngân hàng, bao gồm cả nguồn vốn đầu tư trực tiếp (mua cổ phần) lẫn vốn vay.

Ông Phạm Thiên Quang, Giám đốc Khối Quản lý tài sản VNDirect nhận định, huy động vốn từ các tổ chức tài chính quốc tế ngày càng đóng vai trò quan trọng với các ngân hàng. Việc SMBC quyết 1,5 tỷ USD mua 15% cổ phần VPBank cho thấy ngành ngân hàng Việt Nam vẫn hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư lớn.

Ngoài các thương vụ bán vốn, thời gian qua, nhiều ngân hàng thương mại cổ phần khác cũng rất năng động trong tìm kiếm nguồn vốn vay từ các định chế tài chính nước ngoài. Hiện nay, Techcombank đang là ngân hàng dẫn đầu về doanh số vay ngoại tệ của các tổ chức tín dụng khác tiếp đến là VietinBank, Vietcombank, MB, VIB, HDBank…

Việc huy động thành công nguồn vốn từ nước ngoài đang tạo ra lợi thế cho một số ngân hàng. Ông Đỗ Quang Vinh, Phó chủ tịch HĐQT, kiêm Phó tổng giám đốc SHB cho biết, giao dịch này sẽ mang lại nguồn thặng dư đáng kể cho cổ đông SHB, giúp SHB tăng cường bộ đệm vốn, tạo thêm nguồn lực để tăng cường năng lực tài chính và các yếu tố nền tảng, thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động kinh doanh ở các phân khúc trọng tâm.

Với khoản bán vốn lớn được ghi nhận vào lợi nhuận, ngân hàng mẹ SHB sẽ cải thiện vượt bậc chỉ số sinh lời ROE, ROA. Sau thương vụ này, SHB cũng kỳ vọng được Moody’s nâng hạng tín nhiệm, nâng cao khả năng tiếp cận vốn trên thị trường quốc tế. Khoản lợi nhuận này sẽ giúp ngân hàng đẩy mạnh chuyển đổi số, gia tăng vào bán lẻ, tập trung vào phân khúc khách hàng cá nhân.

Tương tự, VPBank cũng cho hay, có thêm gần 36.000 tỷ đồng từ thương vụ bán vốn sẽ giúp ngân hàng mở rộng phạm vi kinh doanh, đáp ứng các nhu cầu đa dạng của nhóm khách hàng cá nhân và doanh nghiệp (trong đó có các khách hàng FDI), tăng cường bộ đệm vốn, hiện thực hóa các tham vọng tăng trưởng cao. Đây là lý do năm nay, VPBank nằm trong số ít ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng cao: tín dụng tăng 35%, huy động vốn tăng 36%, lợi nhuận trước thuế tăng 31%...

Tin bài liên quan