Ngay sau những ngày đầu đi làm trở lại sau kỳ nghỉ Tết Mậu Tuất, thị trường đã chứng kiến những đợt khuyến mại huy động tiền gửi siêu ngắn hạn trong vòng 2 - 3 ngày. Tuy nhiên, đó chỉ là điểm khởi đầu cho cuộc chạy đua huy động giữa các ngân hàng đang dần trở lên hấp dẫn. Lãi suất cao, khuyến mại tốt vẫn là công cụ có sức áp đảo so với cái gọi là “chất lượng dịch vụ”.
Ghi nhận trên thị trường, có ngân hàng thương mại cho nhân viên gọi điện thoại cho khách hàng thông báo chỉ cần gửi kỳ hạn 12 tháng sẽ được tăng lãi suất lên đến 8%/năm, trong khi trước đó không bao lâu, ngân hàng này chỉ tính lãi suất ở mức 7,4% cho kỳ hạn 12 tháng.
Ngoài ra, nhiều ngân hàng còn áp dụng các chương trình khuyến mãi để thu hút người gửi tiền. HDBank tặng thêm lãi suất tiền gửi lên đến 0,7%/năm.
Từ nay đến ngày 30/4, khi mở sổ tiết kiệm gửi góp Măng Non hoặc Ong Vàng tại Maritime Bank, khách hàng sẽ có thêm một phương thức hiệu quả cho việc lập kế hoạch tài chính trong năm Mậu Tuất và may mắn nhận ngay lì xì Lộc Phát…
Huy động nóng, lãi cho vay có giảm?
Có một câu chuyện trong cuộc đua huy động cần phải nhắc tới, đó là khi áp dụng lãi suất làm công cụ hút vốn thì điều này không giúp cho các ngân hàng giảm chi phí huy động, từ đó phấn đấu giảm chi phí cho vay theo chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Năm 2018, NHNN định hướng tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 16%, tín dụng tăng khoảng 17%. Đồng thời, bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ, ngoại hối, NHNN sẽ xem xét, cân nhắc điều chỉnh linh hoạt lãi suất trên thị trường mở để hỗ trợ tổ chức tín dụng có điều kiện giảm lãi suất cho vay với thời điểm và liều lượng phù hợp.
Việc phấn đấu giảm lãi suất cho vay trong năm 2018 được NHNN xem là một nhiệm vụ trọng tâm. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp tiếp cận vốn là các nhiệm vụ trọng tâm.
Thực trạng thị trường hiện nay cho thấy, đây là yêu cầu không dễ, lãi suất đầu vào khó có thể giảm, trong khi chiều ngược lại chính là yêu cầu giảm lãi suất cho vay.
Đây có thể là lý do khiến một số ngân hàng lớn chỉ dành ưu tiên lãi suất cao cho các khoản gửi tiết kiệm kỳ hạn dài. Tại Techcombank, cao nhất tháng 3/2018 chỉ ở mức 7%/năm đối với kỳ hạn 18, 24 tháng, các kỳ hạn ngắn hơn có mức lãi giảm đáng kể.
Tương tự, lãi suất tiết kiệm tại VietinBank cao nhất là 7%/năm đối với kỳ hạn trên 36 tháng. Các kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 7 tháng, từ 7 tháng đến dưới 8 tháng và từ 8 tháng tới dưới 9 tháng, VietinBank áp dụng lãi suất tiết kiệm ở mức 5,3%/năm...
Các mức trên thấp hơn đáng kể so với một số ngân hàng nhỏ đang có lãi suất huy động kỳ hạn trên 12 tháng từ 8 - 8,5%/năm.
Theo thống kê của NHNN, trong tháng 2/2018, mặt bằng lãi suất huy động VND phổ biến 0,8 - 1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,3 - 5,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,3 - 6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; lãi suất kỳ hạn trên 12 tháng trong khoảng 6,5 - 7,3%/năm.
Cuộc đua tăng lãi suất thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán 2018 đã khiến khoảng cách lãi suất giữa các ngân hàng lớn và ngân hàng quy mô nhỏ đang ngày càng nới rộng… Mặc dù vậy, các chuyên gia cho rằng, hiện có một bộ phận người gửi tiền tiết kiệm đã chuyển sang lựa chọn ngân hàng lớn, thay vì tìm những ngân hàng có lãi suất cao để gửi như trước.
Đặc biệt, vụ mất tiền của một khách VIP vừa qua cũng khiến nhiều người gửi tiền thận trọng hơn. Đây chính là cơ hội để các ngân hàng đang có lượng huy động tốt không phải tham gia cuộc đua tăng lãi suất, từ đó tạo một khoản lợi nhuận đáng kể do NIM (chênh lệch lãi suất cho vay và huy động) lớn năm nay.