Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) dự kiến chào bán riêng lẻ 10% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài. Đối tác chiến lược của Vietcombank là Ngân hàng Nhật Bản Mizuho hiện giữ cổ phần ở mức 15% và đang xem xét khả năng nâng lên 20%. Hiện tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại Vietcombank ở mức xấp xỉ 21%.
Mới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã đồng ý cho Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) điều chỉnh tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài từ 10% lên 20% tổng số cổ phiếu của MB đang lưu hành. Ngày mở room chính thức là 19/2/2016. Theo đó, MB sẽ bổ sung 160 triệu cổ phiếu cho giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài.
Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC), quyết định của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ giúp một số ngân hàng cổ đông đang sở hữu trên 5% cổ phần của MB thoái vốn. Hiện tại, Vietcombank nắm 7,16% cổ phần của MB, trong khi Ngân hàng TMCP Hàng hải (MaritimeBank) sở hữu 8,74%.
Lãnh đạo một ngân hàng cho biết, hiện tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại ngân hàng này là 15%. Với tỷ lệ này, ngân hàng chưa thể cùng đối tác ngoại đẩy mạnh chiến lược tăng trưởng để trở thành ngân hàng hàng đầu, do nguồn vốn của nhà đầu tư ngoại còn hạn chế. Vì vậy, ngân hàng này kỳ vọng các nhà đầu tư nước ngoài được nới room sở hữu cổ phần tại ngân hàng trong nước để có thêm cơ hội hút vốn.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) cũng đề xuất và đã được chấp thuận chủ trương bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài với tỷ lệ trên 50%. Hiện SCB đang tìm hiểu, đàm phán với các nhà đầu tư nước ngoài để có thể hợp tác. Tuy nhiên, quy trình này, cũng như việc trình duyệt lên các cơ quan, ban, ngành phải mất khá nhiều thời gian, đó là chưa kể việc thẩm định cũng mất ít nhất khoảng 1 năm.
Kế hoạch bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài cũng được Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đưa ra trong năm 2015, với dự kiến bán 25% vốn cổ phần cho 2 nhà đầu tư nước ngoài. Trong đó, BIDV sẽ dành 15% vốn cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược và 10% vốn cổ phần cho nhà đầu tưtài chính, nhằm đa dạng hóa cấu trúc sở hữu, giảm tỷ lệ nắm giữ của Nhà nước xuống 65%.
Tháng 10/2015, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã trình Đại hội đồng cổ đông thông qua kế hoạch phát hành cổ phiếu riêng lẻ để chào bán cho nhà đầu tư nước ngoài, tương đương 20% vốn sau phát hành, thực hiện vào quý IV/2015 và năm 2016. Sau khi chia tay với đối tác chiến lược ngoại là Tập đoàn OCBC (Singapore) cuối năm 2013 đến nay, VPBank vẫn chưa tìm được đối tác ngoại phù hợp và đang trong quá trình đàm phán.
Trước đó, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank), ông Lê Đức Thọ cho biết, Ngân hàng đang đề xuất với Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước về việc nới room theo lộ trình lên 30%, 35%, 40% và những mức khác nữa. Tuy nhiên, đây mới chỉ là đề xuất và lĩnh vực ngân hàng có nhiều điểm đặc thù, nên mức độ và thời điểm thực hiện sẽ do Chính phủ quyết định.
Liên quan đến vấn đề tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng thương mại, tháng 4/2015, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan liên quan nghiên cứu đề xuất việc tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng thương mại Việt Nam lên trên mức trần 30% như hiện nay.
Hơn nữa, theo lộ trình hội nhập của Cộng đồng Kinh tế ASEAN, thì đến hết năm 2015, các nước phải mở cửa tất cả các ngành dịch vụ, với mức mở cửa tối thiểu là 70%. Năm 2020 sẽ xóa bỏ mọi rào cản và khác biệt trong ngành ngân hàng giữa các quốc gia nội khối.
Vì vậy, theo lãnh đạo các ngân hàng, cần thiết phải nới room cho đối tác ngoại để thu hút vốn, nâng cao năng lực tài chính, sức cạnh tranh, nên không chỉ 30% mà cần tăng room lên 50%, thậm chí bán 100% cho đối tác ngoại. Điều này cũng đã được Thủ tướng Chính phủ “bật đèn xanh” đối với các ngân hàng đang gặp khó khăn trong quá trình tái cấu trúc và cần thu hút thêm vốn ngoại.