Thời gian qua, lần lượt các ngân hàng lớn nhỏ tại Việt Nam đều đã thay nhau thoái vốn tại các công ty tài chính
Ngân hàng SHB vừa ký kết các thỏa thuận chuyển nhượng vốn điều lệ tại SHB Finance cho Ngân hàng TNHH Đại chúng Ayudhya (Krungsri) của Thái Lan - thành viên Tập đoàn MUFG (Nhật Bản).
Theo thỏa thuận, SHB sẽ chuyển nhượng 50% vốn điều lệ của SHB Finance cho Krungsri và sẽ tiếp tục chuyển nhượng 50% vốn còn lại sau 3 năm. Giá trị thương vụ không được tiết lộ, song SHB cho biết, thương vụ này sẽ đem lại nguồn thặng dư vốn đáng kể cho Ngân hàng, mở ra cơ hội phát triển mang tầm khu vực và vươn ra thế giới.
Trong khi đó, theo nguồn tin của Công ty Chứng khoán Guotai Junan Vietnam, Ngân hàng MSB cũng đang trong quá trình đàm phán với đối tác ngoại về việc chuyển nhượng 100% cổ phần tại Công ty Tài chính tiêu dùng FCCOM sau thương vụ bán 50% vốn FCCOM cho Hyundai Card bất thành do Covid-19. Guotai Junan Vietnam kỳ vọng, MSB sẽ chốt được thương vụ này vào cuối năm 2021 - đầu năm 2022.
Trước đó, VPBank đã ký hợp đồng bán 49% vốn Công ty tài chính tiêu dùng FE Credit cho đối tác ngoại là SMBC, với trị giá gần 1,4 tỷ USD. Trao đổi với nhà đầu tư mới đây, lãnh đạo VPBank cho hay, 90% giá trị thương vụ sẽ được đối tác thanh toán trong năm 2021, phần còn lại trả trong năm tiếp theo.
Từng được coi là “gà đẻ trứng vàng”, song thời gian qua, lần lượt các ngân hàng lớn nhỏ tại Việt Nam đều đã thay nhau thoái vốn tại các công ty tài chính. Liệu lĩnh vực tài chính tiêu dùng Việt Nam đã hết hấp dẫn?
Liên quan câu hỏi này, lãnh đạo VPBank khẳng định, tài chính tiêu dùng vẫn là một trong 3 trụ cột chiến lược quan trọng của ngân hàng, vì tiềm năng phát triển của lĩnh vực này là rất lớn. Việc “kết hôn” với đối tác ngoại là để giúp công ty tài chính tiêu dùng này lớn mạnh hơn.
Theo tính toán của lãnh đạo VPBank, FE Credit đang gặp khó khăn vì Covid-19, song sẽ tăng tốc trở lại từ cuối năm nay, đầu năm tới. Theo đó, FE Credit sẽ đạt lợi nhuận 6.000 tỷ đồng, năm 2023 có mức tăng trưởng lợi nhuận 80% và duy trì tốc độ tăng trưởng này tới năm 2025. Nói cách khác, dù chỉ còn sở hữu 50% vốn tại FE Credit, song VPBank sẽ tiếp tục sở hữu nguồn lợi nhuận khổng lồ do công ty này mang lại.
Trong khi đó, SHB cũng khẳng định, việc chuyển nhượng 100% vốn tại SHB Finance cho Tập đoàn tài chính lớn thứ 5 Thái Lan cũng là để ngân hàng này phát triển mạnh lĩnh vực tài chính tiêu dùng.
Ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch Hội đồng Quản trị SHB khẳng định: “Thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam giàu tiềm năng và dư địa tăng trưởng lớn. SHB Finance là một “cô gái đẹp”, có sức khỏe tài chính lành mạnh. Sau thời gian chọn lựa và đàm phán, chúng tôi đã tìm được một đối tác phù hợp với chiến lược phát triển ngân hàng bán lẻ hiện đại đa năng, góp phần mang lại giá trị cộng hưởng trên nhiều khía cạnh như trình độ quản trị, công nghệ, nâng cao năng lực tài chính, phát triển khách hàng, sản phẩm, mở rộng hợp tác đầu tư quốc tế, nâng cao uy tín và hình ảnh SHB trên khu vực và thế giới”.
Trong chiến lược phát triển, SHB đang nhắm tới ngân hàng bán lẻ hàng đầu. Việc bắt tay với đối tác Thái Lan phát triển lĩnh vực tài chính tiêu dùng, đa dạng hóa hệ sinh thái là một trong những con đường để hiện thực hóa mục tiêu này.
TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế cho rằng, tiềm năng của tài chính tiêu dùng Việt Nam còn rất lớn, dù trong ngắn hạn gặp nhiều khó khăn. Việc tham gia thị trường này với nhà đầu tư nước ngoài là không dễ dàng do phải đáp ứng nhiều điều kiện, do đó, mua bán - sáp nhập (M&A) là con đường ngắn nhất. Với kinh nghiệm dày dạn trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng, các tập đoàn tài chính nước ngoài sẽ có nhiều cơ hội phát triển ở thị trường Việt Nam.