Ngân hàng, doanh nghiệp co kéo room tín dụng

0:00 / 0:00
0:00
Một số ngân hàng thương mại đang giảm lãi suất cho vay để “ghi điểm” với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khi thời điểm “xét room” tín dụng cho năm 2023 cận kề. Trong khi đó, các doanh nghiệp than phiền, xấu hay tốt đều chung cảnh kẹt room tín dụng.
HDBank vừa công bố giảm lãi suất cho vay với mức giảm lên tới 3,5%/năm. Ảnh: Đức Thanh

HDBank vừa công bố giảm lãi suất cho vay với mức giảm lên tới 3,5%/năm. Ảnh: Đức Thanh

Giảm lãi suất, ngân hàng ghi điểm chờ cấp thêm room

Trong khi cuộc đua tăng lãi suất huy động vẫn chưa dừng lại, thì trên thị trường đã có những ngân hàng giảm lãi suất cho vay.

Tuần qua, Vietcombank tiên phong giảm lãi suất cho vay tới 1% với các khoản vay bằng tiền đồng đối với khách hàng doanh nghiệp và cá nhân hiện hữu, cùng thời điểm rộ lên tin đồn Vietcombank nằm trong số các ngân hàng được cấp thêm room tín dụng trong thời gian ít ỏi còn lại của năm.

Đầu tuần này, HDBank công bố giảm lãi suất cho vay với mức giảm lên tới 3,5%/năm với khách hàng cá nhân và doanh nghiệp, với số tiền giảm lãi suất khoảng 120 tỷ đồng.

Nhiều chuyên gia cho rằng, các ngân hàng giảm lãi suất cho vay không chỉ để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, mà còn để thực hiện cam kết trước đó, cũng như để “ghi điểm” với NHNN khi thời điểm cấp room tín dụng mới cận kề.

Trước đó, lãnh đạo NHNN khẳng định, việc cấp room tín dụng không chỉ dựa vào tình hình sức khỏe của ngân hàng, mà còn phụ thuộc vào tiêu chí giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp và người dân và một số tiêu chí khác.

Câu chuyện room tín dụng tiếp tục nóng bỏng bởi áp lực chéo từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Tại buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ mới đây, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi khẳng định, vấn đề khó khăn nhất của doanh nghiệp hiện nay là thiếu vốn phục vụ sản xuất. Chính vì vậy, TP.HCM kiến nghị Chính phủ xem xét nới room tín dụng thêm 2%.

Trước đó, hàng loạt doanh nghiệp cũng bày tỏ mong muốn NHNN nới room tín dụng trong bối cảnh nhu cầu vốn tăng cao dịp cao điểm cuối năm.

Trong khi doanh nghiệp tha thiết muốn nới room, thì Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng, các ngân hàng thương mại đang thiếu nguồn vốn huy động để cho vay do tín dụng tăng trưởng cao, trong khi huy động vốn tăng thấp. Vì vậy, ngay cả khi NHNN nới room thì các ngân hàng cũng không có vốn để cho vay (do dư nợ cho vay và tổng huy động gần như tương đương nhau, thanh khoản không còn dồi dào).

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, thanh khoản của hệ thống ngân hàng hiện nay không đồng đều. Trong khi đa phần ngân hàng nhỏ rơi vào tình trạng thiếu nguồn vốn, thì một số ngân hàng lớn (đặc biệt ngân hàng thương mại có vốn nhà nước) vẫn khá dồi dào thanh khoản và vẫn có thể tăng dư địa cho vay thêm.

TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế nhận định, NHNN hoàn toàn có thể nới thêm room tín dụng 1-2% trong tháng cuối cùng của năm để giải tỏa tình trạng căng thẳng nguồn vốn cho nền kinh tế. Tất nhiên, việc nới room chỉ nên tập trung vào một số ngân hàng khỏe và chỉ giải ngân cho các lĩnh vực ưu tiên.

Chỉ nên áp room cho một số ngành

NHNN hoàn toàn có thể nới thêm room tín dụng 1-2% trong tháng cuối cùng của năm để giải tỏa tình trạng căng thẳng nguồn vốn cho nền kinh tế.

TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế

Tình trạng room tín dụng cạn kiệt đang gây ra nhiều bất cập, với bất cập lớn nhất là doanh nghiệp tốt hay xấu đều chung cảnh cạn room. Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Bùi Dương Thuật, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Mekong (Châu Thành, Bến Tre) cho biết, lãi suất vay vốn tại công ty ông đã tăng 2%/năm với cả khoản vay bằng tiền đồng lẫn ngoại tệ. Tuy nhiên, trớ trêu là, ngay cả khi có tiền, ông vẫn không dám trả nợ ngân hàng, do sợ không được ngân hàng giải ngân khi có đơn hàng.

Tình cảnh này cũng diễn ra ở một số doanh nghiệp khác. Bà Trần Lệ Hằng, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Lê My Trần (Đà Nẵng) cho biết, doanh nghiệp này cũng không dám trả nợ ngân hàng vì ngân hàng thông báo là chỉ thu hồi nợ, chứ không giải ngân mới. Theo bà Hằng, mặc dù chủ trương của NHNN là siết chặt cho vay bất động sản, song thực tế thời gian qua, các ngân hàng chỉ tập trung cho vay bất động sản, nên khi hết room lại siết cào bằng, khiến doanh nghiệp thương mại cũng không có vốn để kinh doanh.

Trước tình trạng bất cập về room tín dụng, TS. Trần Minh Tuấn, Phó chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán Smart Invest (AAS) cho rằng, NHNN không nên bó cứng room tín dụng cho toàn ngành, mà chỉ nên quy định room ở một số nhóm ngành có tính đầu cơ cao. Thậm chí, đối với bất động sản, chỉ nên quy định trần với phân khúc có tính đầu cơ cao (như cho vay mua đất nền) và không nên bó room với phân khúc phục vụ nhà ở thật, nhà ở xã hội…

Ngoài ra, các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, nếu đã đưa ra được room tín dụng cho lĩnh vực rủi ro cao, NHNN cũng có thể bỏ room tín dụng của toàn ngành trên cơ sở siết chặt các tỷ lệ an toàn rủi ro. Đơn cử, với tình hình thanh khoản hiện tại, nếu NHNN siết chặt các chỉ tiêu về an toàn vốn, kể cả khi nới room, thì không phải ngân hàng nào cũng có thể cho vay. Nói cách khác, bỏ trần tín dụng cũng là cách để các ngân hàng cạnh tranh công bằng hơn.

TS. Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng, Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chiến lược Việt Nam (VESS) cho rằng, việc áp dụng trần tín dụng đang khiến ngành ngân hàng trở nên kém cạnh tranh hơn và có thể khiến tín dụng biến tướng sang các dạng khác.

Việc kiểm soát cung tiền của NHNN là rất cần thiết, nhất là với một nền kinh tế có tỷ lệ tín dụng/GDP cao như Việt Nam. Hiện nay, ngoài kiểm soát cung tiền một cách trực tiếp là đưa ra chỉ tiêu room tín dụng, NHNN đang kiểm soát cung tiền bằng các yếu tố khác như lãi suất điều hành, Hệ số An toàn vốn (CAR), tỷ lệ cho vay trên huy động, tỷ lệ huy động ngắn hạn cho vay trung và dài hạn…

Các chuyên gia cho rằng, nếu tận dụng tốt các công cụ này, NHNN hoàn toàn có thể bỏ room tín dụng. Ngoài ra, để tránh hiện tượng tín dụng tăng trưởng giật cục như năm nay, NHNN nên giao hẳn chỉ tiêu tín dụng cho các ngân hàng ngay từ đầu năm để ngân hàng và doanh nghiệp chủ động kế hoạch kinh doanh.

Trong văn bản vừa gửi các tổ chức tín dụng, NHNN vẫn kiên định room tín dụng 14% và nhắc nhở các ngân hàng tăng trưởng tín dụng phải trên cơ sở đảm bảo thanh khoản ổn định, an toàn hoạt động ngân hàng. NHNN khẳng định, thời gian tới, sẽ căn cứ vào diễn biến tình hình của hệ thống và từng tổ chức tín dụng để có giải pháp điều hành room tín dụng phù hợp theo chủ trương của Chính phủ.

Tin bài liên quan