Ngân hàng điều chỉnh lợi nhuận năm 2023 là cần thiết

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đó là quan điểm của TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia kinh tế trong cuộc trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán xung quanh kế hoạch kinh doanh năm 2023 của hệ thống ngân hàng.

Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần hạ lãi suất từ đầu năm đến nay, ông có nhận định gì về động thái của nhà điều hành?

Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp và một trong số đó là việc giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước với mục tiêu hạ chi phí vay, giúp doanh nghiệp tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng.

Tôi ủng hộ quyết định của Ngân hàng Nhà nước và về lý thuyết, đây là hành động đúng, nhưng mũi tên này tôi nhận thấy chưa trúng mục tiêu bởi các doanh nghiệp có vay được vốn hay không không phải chỉ do câu chuyện lãi suất, mà chủ yếu do khả năng có trả nợ được hay không?

Nền kinh tế khó khăn, doanh nghiệp suy yếu, đơn đặt hàng không có hoặc giảm mạnh, đặc biệt từ Mỹ và châu Âu - những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam - nên lãi suất có giảm xuống 0% mà doanh nghiệp không kinh doanh bình thường thì cũng không có nhu cầu vay vốn hoặc chỉ cần vay ít.

TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia kinh tế

TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia kinh tế

Đó là doanh nghiệp xuất nhập khẩu, còn các doanh nghiệp khác thì sao? Mấy tuần qua, ở TP.HCM, tôi quan sát thấy nhiều cửa hàng nằm ngay trung tâm quận 1 đóng cửa hay treo bảng cho thuê, một dấu hiệu phần nào cho thấy kinh doanh khó khăn và do đó, sức cầu của nền kinh tế xuống rất thấp. Sản xuất hàng hóa ra phần lớn chỉ để trong kho, nên nếu tiếp tục vay tiền ngân hàng thì doanh nghiệp đang tự giết mình.

Bên cạnh đó, tôi được biết, có những doanh nghiệp rất cần vốn nhưng không vay được bởi không đảm bảo điều kiện vay, ví dụ như tài sản thế chấp. Trong khi đó, để đảm bảo an toàn hoạt động, ngân hàng không dám cho doanh nghiệp vay nếu không có tài sản thế chấp, bởi nếu doanh nghiệp “chết”, ngân hàng lại nợ xấu chồng nợ xấu. Cùng với đó, các quỹ cũng không dám đầu tư vào doanh nghiệp nhỏ và yếu, là những đối tượng mà Chính phủ đặc biệt quan tâm

Tình trạng bế tắc hiện nay có lẽ là điều tôi chưa bao giờ thấy trong mười mấy năm quay về Việt Nam làm việc. Tuy nhiên, có điểm tích cực là thanh khoản hệ thống ngân hàng khá dồi dào, trái với những lo lắng ở thời điểm đầu năm về rủi ro căng thẳng thanh khoản hệ thống.

Các ngân hàng lớn đã nhiều lần giảm lãi suất hỗ trợ nền kinh tế

Các ngân hàng lớn đã nhiều lần giảm lãi suất hỗ trợ nền kinh tế

Lãi suất điều hành giảm tạo dư địa giảm lãi suất huy động và cho vay, nhưng mức giảm hiện nay được cho là còn ít và chậm, theo ông thì sao?

Trong rổ tiền tệ của các ngân hàng có nhiều món tiền cũ có lãi suất cao nên buộc phải cho vay cao và đến một lúc nào đó sẽ trung hòa các món tiền mới, từ đó hạ được lãi suất như kỳ vọng của thị trường. Tuy nhiên, 80% vốn huy động của hệ thống ngân hàng Việt Nam là ngắn hạn và có thể điều chỉnh rất nhanh, nhưng không vì thế mà có thể hạ lãi suất cho vay nhanh và nhiều như kỳ vọng bởi các lý do sau:

Thứ nhất, nền kinh tế đối mặt với nhiều khó khăn và các ngân hàng nhìn thấy rủi ro đang tăng cao nên giữ mức lãi suất cao (theo nguyên tắc rủi ro cao, lãi suất cao). Khi nền kinh tế ổn định, các ngân hàng không cần đẩy lãi suất cao, mà tự động lãi suất sẽ hạ xuống và biên lãi ròng (NIM) chỉ cần ở mức 3% là tốt, nhưng hiện có những ngân hàng ghi nhận NIM lên đến 5%.

Thứ hai, tại thời điểm này, tình hình kinh tế thế giới vẫn mong manh. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vừa tuyên bố tạm ngưng việc tăng lãi suất, song vẫn để ngỏ khả năng này nếu lạm phát chưa được kiểm soát như mong muốn. Diễn biến đó cho thấy, lạm phát tháng 5 dù đã giảm so với tháng 4 nhưng vẫn ở mức 4% - cao so hơn nhiều với mục tiêu 2%, nên Fed vẫn có thể giữ mục tiêu tăng lãi suất hay duy trì lãi suất cao và sang năm 2024 mới giảm tiếp.

Hệ thống ngân hàng Việt “đi trước đón đầu” trong việc hạ lãi suất, nhưng cơ quan điều hành hiểu rõ việc duy trì mặt bằng lãi suất thấp là “con dao hai lưỡi”, bởi khi giá trị tiền đồng xuống thấp sẽ đẩy tỷ giá USD/VND lên cao, tạo nên sự biến động trên thị trường ngoại hối và đối với các nhà đầu tư, lãi suất thấp sẽ khiến dòng vốn đầu tư nước ngoài rút khỏi thị trường Việt Nam. Hệ thống ngân hàng hiểu cần phải tính toán cẩn trọng bài toán hạ lãi suất.

Ông có thể gợi ý giải pháp cho những vướng mắc hiện nay?

Tạo ra sự không minh bạch trên sổ sách khiến cho những phân tích, phán đoán về lợi nhuận và sức khỏe của ngành ngân hàng trở nên méo mó.

Thị trường chứng khoán phản ứng tích cực khi lãi suất giảm, nhưng VN-Index vẫn ở mức thấp so với mức đỉnh 1.525 điểm trong năm 2022 cho thấy tâm lý nhà đầu tư vẫn chưa ổn định. Sau các vụ việc tại Vạn Thịnh Phát, Tân Hoàng Minh..., thị trường trái phiếu vẫn trong tình trạng “chim sợ cành cong” bởi niềm tin của nhà đầu tư chưa hoàn toàn được lấy lại nên cần một giải pháp tổng thể, nhất là khi kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn trì trệ, cụ thể:

Hệ thống ngân hàng cần tìm phương án cho vay tín chấp, thay vì chủ yếu cho vay thế chấp như hiện nay. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp nhỏ nói riêng, cần được bảo lãnh tín dụng để có thể đi vay được, qua đó có đủ nguồn vốn phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Đồng thời, cần đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công để làm “vốn mồi” cho cả nền kinh tế với quy trình, thủ tục thông thoáng để giải ngân nhanh chóng và một hiện tượng đã được Quốc hội đề cập, đó là tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức có thẩm quyền cần được nâng cao hơn.

Nếu Chính phủ thực sự thu xếp được nguồn tiền thì nên dùng nguồn vốn đó cho những chương trình thiết thực, thay vì triển khai hỗ trợ lãi suất 2%/năm nhưng doanh nghiệp không mặn mà tham gia. Thuế giá trị gia tăng giảm xuống 8% là tốt, nhưng tôi đồng ý với ý kiến của một số đại biểu Quốc hội là nên giảm thấp hơn, về mức 5% để có tác động mạnh mẽ hơn.

Bối cảnh kinh tế nhiều khó khăn, theo ông, lãnh đạo các ngân hàng có nên chấp nhận năm nay không đạt được mục tiêu kinh doanh hay điều chỉnh giảm lợi nhuận nhằm đảm bảo an toàn tài chính?

Các ngân hàng rất nên tính toán điều chỉnh lại mục tiêu lợi nhuận trong bối cảnh hiện nay. Mức chuẩn của lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) đâu đó khoảng 10%, nhưng báo cáo tài chính của nhiều ngân hàng cho thấy rất cao, lên tới hơn 20%. Với mức lợi nhuận cao như vậy, tôi đặt nghi vấn là có thực chất không? Liệu lãi dự thu có đưa ra quá cao, khi hệ thống đã có trường hợp điển hình là năm 2021 có lãi dự thu lớn nhất với 20.844 tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2020 và tăng 78% sau 5 năm?

Báo cáo của các tổ chức tín dụng cho thấy, tỷ lệ nợ xấu nội bảng được kiểm soát ở mức dưới 3%. Tuy nhiên, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, qua rà soát, đánh giá, Ngân hàng Nhà nước nhận thấy có một số khoản đứng trước nguy cơ chuyển thành nợ xấu. Ngân hàng Nhà nước xác định tổng nợ xấu nội bảng, nợ bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) chưa xử lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng đến cuối tháng 2/2023 ước chiếm tỷ lệ 5% so với tổng dư nợ. Song hành với câu chuyện nợ xấu là liệu trích lập dự phòng rủi ro được thu hẹp lại để có một báo cáo lợi nhuận với con số “đẹp”?

Các ngân hàng nên điều chỉnh mức lợi nhuận cho phù hợp với thực tế hiện nay. Báo cáo tài chính phải hết sức minh bạch để không chỉ các lãnh đạo, mà còn cả thị trường được biết thực trạng của ngân hàng. Nếu cứ đẩy lợi nhuận lên cao sẽ gây ra nhiều hệ lụy: Thứ nhất, tạo sự bức xúc trong xã hội bởi lý do, tại sao cả nền kinh tế đang trì trệ như hiện nay mà ngân hàng vẫn ăn nên làm ra?; thứ hai, tạo ra sự không minh bạch trên sổ sách khiến cho những phân tích, phán đoán về lợi nhuận và sức khỏe của ngành ngân hàng trở nên méo mó.

Tin bài liên quan