Ngân hàng điện tử: tiền nào của nấy

Ngân hàng điện tử: tiền nào của nấy

Khi giao dịch tại quầy ở các ngân hàng, người tiêu dùng mất ít nhất 15 - 20 phút. Trong khi, sử dụng ngân hàng điện tử, các giao dịch chỉ mất một vài phút. Vì vậy, hầu như ngân hàng nào cũng đưa ra dịch vụ ngân hàng trực tuyến.

Nhưng cũng như sự khác nhau giữa việc đi một chiếc xe Mercedes và một chiếc xe máy, tuỳ mỗi ngân hàng mà ngân hàng điện tử có những giá trị gia tăng và “đẳng cấp” của mình.

 

Ngân hàng điện tử nhắm đến các dịch vụ không liên quan đến tiền mặt

 

Chẳng cần phải đến ngân hàng, chỉ cần ở nhà hay cơ quan, với vài click chuột là người tiêu dùng có thể hoàn tất một giao dịch với ngân hàng. Người sử dụng ngân hàng điện tử, cái lợi trước hết phải kể đến tiện ích giao dịch với tốc độ nhanh chóng, đơn giản, tiết kiệm thời gian và hiệu quả sử dụng dòng tiền khi có thể chủ động chuyển tiền vào nơi có ích nhất cho mình.

Người tiêu dùng có thể sử dụng ngân hàng điện tử qua Internet Banking, Mobile Banking, SMS Banking. Hiện nay, các ngân hàng đã cung cấp khá tốt các tiện ích cơ bản trên ngân hàng điện tử, như chuyển khoản, thanh toán hoá đơn dịch vụ điện, nước, internet, điện thoại, truyền hình cáp, mua vé máy bay, mua hàng trực tuyến, đóng phí bảo hiểm… Các ngân hàng cũng đang mở rộng hơn mạng lưới thanh toán điện tử, nên khách hàng ngày càng được hưởng lợi từ điều này.

Nhưng việc đi trên một chiếc Mercedes sẽ khác với trên một chiếc xe gắn máy, nhất là trong thành phố đầy khói bụi. Về nguyên tắc, các ngân hàng đều có quy trình xử lý tương tự nhau; song mỗi ngân hàng có công nghệ khác nhau, do đó giao diện, các dịch vụ ứng dụng của họ cũng khác nhau. Nhiều ngân hàng chưa tận dụng hết khả năng của công nghệ, hoặc cùng một nền tảng công nghệ nhưng chất lượng dịch vụ khác biệt. Chẳng hạn, trong dịch vụ chuyển tiền qua internet, có nơi chỉ chuyển tiền nội bộ nhưng có nơi cho chuyển tiền ngoài hệ thống.

Hiện tại, có một số ngân hàng đưa ra được một ngân hàng điện tử khá hiện đại. Trước hết, tiện ích tiết kiệm, đầu tư đi kèm cho người tiêu dùng nếu họ muốn mở tài khoản tiền gửi, vay trực tuyến, thanh toán tiền vay trực tuyến, hoặc đầu tư trực tuyến. Chỉ một số ngân hàng mới xây dựng tiện ích này, như ACB, TienPhong Bank, Maritime Bank, HSBC Việt Nam

Ngân hàng trực tuyến nào cũng cho chuyển tiền, nhưng không phải chuyển lúc nào cũng được. Đa số các ngân hàng trực tuyến chỉ làm việc theo giờ… hành chính. Chẳng hạn, ở Maritime Bank, giao dịch chuyển khoản nội bộ ngân hàng từ 8 – 20 giờ hàng ngày, kể cả thứ bảy, chủ nhật, ngày nghỉ lễ, sẽ được xử lý, các giao dịch thực hiện ngoài thời gian trên sẽ bị “treo lại” và được xử lý vào ngày tiếp theo. Tương tự, giao dịch chuyển khoản liên ngân hàng, thực hiện từ 8 giờ sáng đến 15 giờ sẽ có hiệu lực ngay trong ngày làm việc; ngoài thời gian trên sẽ được ghi nhận và có hiệu lực vào ngày làm việc tiếp theo. Hoặc với các giao dịch thanh toán hoá đơn trực tuyến, nạp tiền trực tuyến thực hiện từ 7 – 19 giờ các ngày trong tuần sẽ có hiệu lực; ngoài ra phải chờ ngày làm việc tiếp theo.

Tại thời điểm này, số ít ngân hàng có ngân hàng điện tử hoạt động 24/24, những giao dịch sau khi quầy giao dịch đóng cửa vẫn có hiệu lực ngay lập tức, không bị câu treo, như ở ACB, HSBC Việt Nam

Điều quan tâm kế tiếp là đa số các ngân hàng chỉ cho phép chuyển khoản nội bộ và chỉ một số ngân hàng có thể cho chuyển liên ngân hàng, như ACB, Maritime Bank, Techcombank, TienPhong Bank... Nhưng ở mỗi ngân hàng này, hạn mức chuyển khoản khác nhau, như ở DongA Bank, số tiền chuyển không vượt quá 10 triệu đồng/ngày, còn ACB cho chuyển ở mức cao nhất lên 2 tỉ đồng/ngày, ở Maritime Bank thì chuyển nội bộ cao nhất 500 triệu/ngày, liên ngân hàng tối đa 100 triệu đồng/ngày… Nhưng hạn chế là các ngân hàng này chưa cho phép chuyển tiền ra ngoài nước, trong khi tiện ích này có tại HSBC Việt Nam hay ANZ…

Ngoài ra, tiền nào của ấy, ngân hàng nào có dịch vụ đa dạng và vượt trội đều thu phí cao hơn. Trong khi hầu hết ngân hàng chuyển tiền nội bộ thì đều không thu phí, thì mỗi lần chuyển khoản ở ACB, không phụ thuộc vào số tiền lớn nhỏ, mức phí đều là 10.000 đồng/lần, Maritime Bank là 7.700 đồng/lần. Ở ANZ, phí chuyển tiền nội địa tại chi nhánh là 30.000 đồng/giao dịch, còn phí chuyển tiền nội địa qua dịch vụ ngân hàng điện tử là 15.000 đồng/giao dịch.

Vì mức phí khác nhau, tuỳ theo nhu cầu sử dụng mà người giao dịch chọn dịch vụ ngân hàng điện tử phù hợp. Nếu là người giao dịch cá nhân và không có những giao dịch phức tạp, bất ngờ, thì lựa chọn một ngân hàng trực tuyến có các tiện ích cơ bản, đáp ứng nhu cầu của mình và không bị lấy phí nhiều. Còn nếu thường xuyên có những thanh toán bất ngờ, gấp gáp, thì chọn những ngân hàng cung cấp tiện ích đa dạng và cao cấp. Tuy vậy, dù là ở ngân hàng nào, thì các giao dịch trên ngân hàng điện tử đều mang một rủi ro nhất định.