Ngân hàng đề nghị cho khách hàng hoãn trả nợ trong thời gian phong tỏa

0:00 / 0:00
0:00
Phong tỏa, giãn cách trên diện rộng khiến khách hàng gặp khó trong thanh toán nợ đúng hạn với ngân hàng
Phong tỏa, giãn cách trên diện rộng khiến khách hàng gặp khó trong thanh toán nợ đúng hạn với ngân hàng

Phong tỏa, giãn cách trên diện rộng khiến khách hàng gặp khó trong thanh toán nợ đúng hạn với ngân hàng

Mới đây, trên một diễn đàn mạng xã hội, một nhân viên thu hồi nợ của một ngân hàng T. đã lên tiếng "cầu cứu" sự chia sẻ của cư dân mạng về việc bị lãnh đạo ép thu hồi nợ bằng mọi cách, mặc dù khách hàng đang là F0, phải điều trị trong khu cách ly.

Tuy nhiên, đây không phải là trường hợp cá biệt. Việc hàng loạt khách hàng đến thời hạn trả nợ nhưng không thể ra ngân hàng hoàn tất thủ tục thanh toán nợ đang xảy ra tại nhiều ngân hàng, gây khó khăn cho cả khách hàng và tổ chức tín dụng (TCTD), gây áp lực tăng nợ xấu.

Theo quy định tại Thông tư 03/2021/TT-NHNN, điều kiện để được xem xét, cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng là khách hàng phải có đề nghị và được TCTD đánh giá khách hàng không có khả năng trả nợ đầy đủ, đúng hạn theo hợp đồng, thỏa thuận do doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Tuy nhiên trong thực tế có nhiều trường hợp khách hàng có khả năng trả nợ nhưng không thể ký được giấy đề nghị cơ cấu và (hoặc) không thể nộp tiền thanh toán nợ do đang bị cách ly (theo diện F1, F2) hoặc không được di chuyển ra khỏi địa phương theo quy định của pháp luật do không phải là nhu cầu thiết yếu, cấp bách hoặc thậm chí khách hàng đang điều trị bệnh ở bệnh viện.

Việc chậm thanh toán trong những trường hợp này vẫn bị chuyển sang nhóm nợ cao hơn theo quy định của NHNN, ảnh hưởng đến uy tín giao dịch của khách hàng khi thể hiện thông tin trên CIC và chất lượng nợ của TCTD.

Chính vì vậy, các tổ chức tín dụng và Hiệp hội ngân hàng đề xuất NHNN có giải pháp hỗ trợ. Theo đó, nếu khách hàng có khoản nợ đến hạn trong thời gian phong tỏa (gốc và/hoặc lãi), cho phép tạm hoãn việc trả nợ trong thời gian phong tỏa và dời thời gian trả nợ của các khoản đến hạn này tới sau thời gian đáo hạn. Nếu khách hàng có khoản nợ đáo hạn trong thời gian phong tỏa, thời gian đáo hạn sẽ được dời tới sau thời gian phong tỏa; Không thu các khoản phí, lãi phạt trong thời gian hoãn trả nợ.

Ngân hàng thương mại cũng đề nghị không áp dụng việc thẩm định về tình hình khách hàng để thực hiện hoãn trả nợ. Đồng thời, được chủ động cơ cấu đối với các khách hàng bị phong tỏa, không cần đề nghị khách hàng cung cấp hồ sơ/tài liệu chứng minh doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi ảnh hưởng của dịch Covid – 19.

Việc hoãn trả nợ được thực hiện tự động bởi Ngân hàng. Thông báo về lịch trả nợ mới sẽ được gửi đến khách hàng đầy đủ qua các kênh thông báo hiện tại như tin nhắn, email… Nếu Khách hàng không muốn hoãn trả nợ, khách hàng có thể thực hiện việc trả nợ như lịch thông thường (không phát sinh thêm các phí trả nợ trước hạn).

Những khoản nợ hoãn trả này không ghi nhận là cơ cấu nợ, không thay đổi phân loại nợ của khách hàng sau khi thực hiện hoãn trả nợ.

Tin bài liên quan