TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia kinh tế

TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia kinh tế

Ngân hàng “đầy” tiền không phải là tín hiệu tốt

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Lãi suất tiền gửi thấp, nhưng tiền vẫn “đầy” trong ngân hàng, đồng nghĩa với việc ngân hàng được chọn là điểm đến đầu tư, thay vì chảy vào hoạt động sản xuất - kinh doanh.

1. Số liệu mới nhất về tiền gửi của khách hàng tại hệ thống tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước cập nhật cho biết, tiền gửi của cả khách hàng doanh nghiệp và dân cư đều giảm trong tháng đầu năm 2024. Cụ thể, tiền gửi của các tổ chức kinh tế giảm hơn 165.000 tỷ đồng, tiền gửi của dân cư giảm hơn 34.600 tỷ đồng so với cuối năm 2023.

Tuy nhiên, lượng tiền gửi của cả hai nhóm khách hàng vẫn rất cao. Tính đến cuối tháng 1/2024, tiền gửi của các tổ chức kinh tế là hơn 6,67 triệu tỷ đồng, tiền gửi của cư dân là gần 6,5 triệu tỷ đồng.

Trước đó, tiền gửi của các tổ chức kinh tế tăng đột biến, hơn 457.000 tỷ đồng trong tháng 12/2023, lên mức kỷ lục hơn 6,84 triệu tỷ đồng, còn tiền gửi của cư dân có tháng thứ 25 tăng trưởng dương liên tiếp.

Tiền gửi vào ngân hàng nhiều, mặt tích cực là đáp ứng nhu cầu luôn cần tiền gửi của các ngân hàng, đặc biệt là những nhà băng có nợ xấu cao hơn mức bình quân. Lý do là bởi, tiền gửi dùng để cho vay đã trở thành nợ xấu nên một phần không nhỏ dòng tiền không quay trở lại; khi đến hạn, người dân rút tiền gửi, ngân hàng cần dòng tiền mới để chi trả. Một yếu tố tích cực khác liên quan đến người dân, trong bối cảnh các thị trường tài chính đều kém hấp dẫn, trừ thị trường vàng, tiền gửi ngân hàng luôn là nơi an toàn nhất cho người dân, khiến tiền được dồn vào ngân hàng.

Điểm không tích cực ở đây là lượng huy động rất lớn, nhưng cho vay rất chậm. Thậm chí, ngân hàng không cho vay được nhưng vẫn phải nhận tiền gửi của khách hàng, không thể từ chối. Lãi suất huy động được điều chỉnh xuống mức thấp nhất trong lịch sử, nhằm hạn chế phần nào lượng khách gửi tiền, nhưng các ngân hàng cũng lo ngại, nếu khách không gửi tiền sẽ có rủi ro về thanh khoản và ảnh hưởng đến cơ hội huy động vốn trong tương lai.

Đối với nền kinh tế, tiền gửi của người dân và các tổ chức kinh tế “đầy” trong ngân hàng cũng đồng nghĩa với việc ngân hàng được chọn là điểm đến đầu tư và dòng vốn không chảy vào hoạt động sản xuất - kinh doanh, vốn đang được nhận định có nhiều rủi ro, khiến nền kinh tế có thể rơi vào tình trạng “èo uột”. Điều này có nghĩa, dòng vốn từ các thành phần kinh tế không chảy thẳng vào sản xuất - kinh doanh thông qua đầu tư trực tiếp hay thông qua chứng khoán trên thị trường sơ cấp, mà “rót” vào ngân hàng để từ đó ngân hàng cho vay nền kinh tế.

Ngân hàng đóng vai trò định chế trung gian để hút dòng tiền từ các thành phần kinh tế và đổ trở lại nền kinh tế qua hoạt động cho vay đã làm chi phí vốn tăng cao đối với những thành phần kinh tế phải vay ngân hàng. Hơn nữa, phải kể đến việc các ngân hàng đóng và mở “van” tín dụng theo quyết định của họ, chứ không hoàn toàn theo nhu cầu của nền kinh tế, từ đó tạo nên điểm nghẽn “ế” vốn: Vốn thì nhiều mà cho vay thì chậm. Tình trạng này đã xảy ra trong quý I/2024. Đây là điểm bất lợi trong hệ thống ngân hàng và cả nền kinh tế.

Có thể coi đó là hệ lụy của tiền rẻ, nhưng tiền rẻ trong hệ thống ngân hàng thời điểm này không theo nghĩa tiền rẻ như trước đây, khi mà lãi vay thấp khiến nhiều người đi vay để đầu tư vào những kênh đầu tư rủi ro nhằm tìm kiếm lợi nhuận cao, bao gồm trái phiếu, bất động sản, chứng khoán, ngoại tệ. Hiện tại, tiền rẻ không phải ở khía cạnh cho vay, mà là ở khía cạnh gửi tiết kiệm, tức lãi suất tiết kiệm ở mức thấp, từ đó tiền gửi ngân hàng trở nên kém hấp dẫn.

Dòng tiền quay vòng nhanh vừa có lợi cho ngân hàng, vừa có lợi cho nền kinh tế

Dòng tiền quay vòng nhanh vừa có lợi cho ngân hàng, vừa có lợi cho nền kinh tế

2. Có ý kiến cho rằng, tiền đang chảy vào vàng. Theo quan điểm của tôi, đúng là có hiện tượng người dân rút tiền mua vàng, nhưng số lượng không nhiều và không đủ để tạo “sóng” trên thị trường vàng. “Sóng” trên thị trường vàng thời gian qua đến từ các nhà đầu cơ lớn, “vào - ra” với mục tiêu kiếm lợi nhuận nhanh chóng. Thị trường chứng khoán vẫn bất ổn, còn bất động sản chưa khởi sắc, nên dù tiền gửi tiết kiệm bắt đầu giảm tại ngân hàng nhưng tôi chưa nhìn thấy việc khách hàng rút tiền khỏi ngân hàng để đổ vào chứng khoán hay bất động sản. Trong thời gian tới, khoảng nửa sau của năm 2024, khi thị trường bất động sản hồi phục và thị trường chứng khoán ổn định hơn, thì có thể dòng tiền sẽ đổ vào hai lĩnh vực này nhiều hơn.

Tuy nhiên, câu chuyện này lại cho thấy một vấn đề khác, dòng tiền luân chuyển trên thị trường tài chính, đặc biệt trên những thị trường thứ cấp, còn “chảy” vào các doanh nghiệp phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh rất khiêm tốn. Đây là rủi ro của nền kinh tế khi tiền không đưa vào sản xuất - kinh doanh để tạo ra tiền thực trong nền kinh tế thực. Vấn đề là, lãi suất cho vay của ngân hàng cũng đang thấp kỷ lục, nhưng nhiều doanh nghiệp hoạt động sản xuất - kinh doanh không dám vay vốn, bởi đầu ra sản phẩm cho thị trường trong nước thì èo uột, thị trường quốc tế thì hạn chế.

Theo báo của Tổng cục Thống kê, trong tháng 4/2024, cả nước có hơn 15.300 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 8,4% so với tháng liền trước và giảm 4,1% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, cả nước có 7.618 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn trong tháng 4/2024, tăng 84,1% so với tháng liền trước và tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước; 4.656 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, lần lượt giảm 6,5% và 20,2%; 1.344 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, lần lượt giảm 4,8% và 10,9%.

Tính chung, 4 tháng đầu năm 2024, cả nước có 81.300 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có 20.300 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Nhưng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 86.400, tăng 12,2%; bình quân một tháng có 21.600 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Động lực để thúc đẩy tổng cầu của Việt Nam được kỳ vọng là đầu tư công. Chính phủ đã gửi thông điệp giải ngân đầu tư công mạnh mẽ ngay từ đầu năm 2024. Theo báo cáo về tình hình giải ngân vốn đầu tư công từ Bộ Tài chính, thanh toán vốn đầu tư công kế hoạch năm 2024 trong 4 tháng đầu năm ước đạt 16,41% tổng kế hoạch, tăng so với cùng kỳ năm trước. Theo đánh giá của Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên tất cả các lĩnh vực đều có sự khởi sắc, nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc, khiến tiến độ giải ngân chưa đạt như kỳ vọng. Trong đó, một số vướng mắc đã tồn tại trong thời gian dài liên quan đến cơ chế chính sách, công tác giải phóng mặt bằng, biến động giá nguyên vật liệu... là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân.

Tôi cho rằng, ngay cả khi được triển khai mạnh mẽ, đầu tư công cũng không đủ sức đưa kinh tế Việt Nam bước vào giai đoạn bứt phá, vì còn hai yếu tố quan trọng khác để vực dậy nền kinh tế, đó là xuất khẩu và cầu nội địa cần được tăng lên.

3. Chính phủ đã và đang tìm mọi cách để hỗ trợ doanh nghiệp, đẩy dòng tiền vào sản xuất - kinh doanh, nhưng nhà đầu tư lại có quan điểm riêng về rủi ro của nền kinh tế hiện tại cao nên dòng tiền “ngại” đổ vào sản xuất - kinh doanh. Việt Nam là nền kinh tế thị trường nên Chính phủ chỉ có thể khuyến khích các dòng tiền, chứ không thể dùng các biện pháp hành chính để đẩy tiền vào khu vực sản xuất - kinh doanh. Nhưng có một vấn đề tôi đã đề cập nhiều lần về khu vực doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, là Chính phủ nên đẩy mạnh hơn nữa việc hỗ trợ các doanh nghiệp này thông qua Quỹ bảo lãnh tín dụng.

Khi các doanh nghiệp suy yếu và cần sự hỗ trợ của các ngân hàng cũng là lúc nhiều ngân hàng “buông tay” vì sợ rủi ro tín dụng. Để ngân hàng cho vay mà không sợ rủi ro, Quỹ bảo lãnh tín dụng (hoạt động theo mô hình bảo lãnh số tiền các ngân hàng đã cho doanh nghiệp vay, nếu doanh nghiệp mất khả năng trả nợ thì Quỹ bồi thường cho ngân hàng) là giải pháp phù hợp nhất.

Việc điều chỉnh lãi suất không phải là công cụ chính yếu để vực dậy nền kinh tế đang đối mặt nhiều khó khăn. Nền kinh tế có thể được vực dậy hay không là ở các lực lượng kinh tế, trong đó có các doanh nghiệp và các doanh nghiệp có khả năng chống đỡ khủng hoảng, tồn tại và phát triển hay không. Trong một nền kinh tế thị trường, đây là lực lượng cốt cán để phát triển, bên cạnh sự hậu thuẫn của Chính phủ.

Tin bài liên quan