Ngân hàng đẩy mạnh phát hành trái phiếu hút vốn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mặc dù lãi suất tiết kiệm đi lên trong thời gian qua, song mức tăng không đáng kể, do đó để có thể huy động vốn dài hạn, các nhà băng đẩy mạnh phát hành trái phiếu với lãi suất cao hơn lãi suất tiết kiệm. 
Ngân hàng đẩy mạnh phát hành trái phiếu hút vốn

Ngân hàng đẩy mạnh phát hành trái phiếu

Theo thông báo, BVBank sẽ chào bán 56 triệu trái phiếu, dự kiến phát hành 6 đợt. Trong đó, đợt 1 là 15 triệu trái phiếu, mệnh giá là 100.000 đồng. Số lượng đăng ký mua tối thiểu là 100 trái phiếu đối với nhà đầu tư cá nhân hoặc 1.000 trái phiếu đối với nhà đầu tư tổ chức.

Lô trái phiếu đợt một được chào bán từ nay đến 12h ngày 10/9, thời hạn 6 năm. Khách hàng sẽ được nhận lãi định kỳ hàng năm. Ở lần phát hành trái phiếu này, BVBank sẽ thực hiện quyền mua lại từ thời điểm tròn 24 tháng kể từ ngày phát hành.

Tương tự, HDBank phát hành lô trái phiếu ra công chúng có kỳ hạn 7 năm, lãi suất được tính bằng lãi suất tham chiếu cộng thêm biên độ 2,8%/năm, tổng khoảng 7,5%/năm.

Trước đó, VPBank phát hành lô trái phiếu đầu tiên trong năm 2024 với tổng giá trị 4.000 tỷ đồng. Lô trái phiếu này không có tài sản đảm bảo, có kỳ hạn 3 năm và lãi suất cố định là 5,5%/năm.

MB đầu tháng 8/2024 đã báo cáo phát hành riêng lẻ thành công 4.000 tỷ đồng trái phiếu có kỳ hạn 3 năm. Đây là trái phiếu không tài sản đảm bảo và có lãi suất cố định ở mức 5,45%/năm. Trước đó, MB đã phát hành thành công 15.000 tỷ đồng trái phiếu không có tài sản bảo đảm trong tháng 6 và tháng 7/2024. Hay OCB huy động được 5.000 tỷ đồng từ việc phát hành trái phiếu không tài sản đảm bảo cho nhà đầu tư. Các lô trái phiếu này có kỳ hạn 2 – 3 năm và lãi suất cố định ở mức 5,6%/năm.

Tại ACB, sau khi huy động thành công hơn 13.000 tỷ đồng trong tháng 7/2024, ngân hàng này tiếp tục phát hành thêm 2 lô trái phiếu riêng lẻ trong tháng 8 với quy mô đạt 670 tỷ đồng. Đây đều là trái phiếu không chuyển đổi, không có tài sản bảo đảm và có kỳ hạn 3- 5 năm với lãi suất dao động trong khoảng 6- 6,1%/năm cho năm đầu tiên, cao hơn so với mức lãi suất huy động tiền gửi mà ACB đang áp dụng (cao nhất là khoảng 5 – 5,1%/năm).

Chưa dừng lại ở đó, Hội đồng quản trị ACB mới đây đã thông qua phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ lần 2 trong năm 2024 với tổng quy mô tối đa 15.000 tỷ đồng. Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản và không phải là nợ thứ cấp của ACB.

Không chỉ có khối ngân hàng tư nhân, khối ngân hàng cổ phần nhà nước cũng không đứng ngoài cuộc. BIDV đầu tháng 8/2024 phát hành thành công hai lô trái phiếu 6 năm và 8 năm với tổng giá trị 2.500 tỷ đồng. Đây đều là trái phiếu không có tài sản đảm bảo và có lãi suất cho kỳ đầu tiên lần lượt là 5,58%/năm và 5,88%/năm. Mức lãi suất trái phiếu này cao hơn khoảng 1- 1,3 điểm phần trăm so với mức bình quân lãi suất tiền gửi 12 tháng tại nhóm Big4.

Mới đây, Agribank cũng chào bán 10.000 tỷ đồng trái phiếu ra công chúng năm 2024 với lãi suất tham chiếu cộng 2%/năm, tổng gần 7%/năm.

VietinBank công bố kế hoạch phát hành trái phiếu không tài sản đảm bảo ra công chúng với tổng quy mô 8.000 tỷ đồng. Số trái phiếu này có kỳ hạn 8 – 10 năm với lãi suất cao hơn 1,05% - 1,15% so với bình quân lãi suất tiền gửi tiết kiệm 12 tháng tại nhóm Big4 theo từng thời kỳ.

Số liệu thống kê của Bộ Tài chính cho thấy, 6 tháng đầu năm nay, trong tổng số 110.200 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ, tổ chức tín dụng chiếm 63,2% với 69.600 tỷ đồng.

Về cơ cấu nhà đầu tư, tổ chức mua trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường sơ cấp chiếm 94,8% khối lượng phát hành, tập trung vào các tổ chức tín dụng (53,5%) và công ty chứng khoán (21,9%). Còn lại các nhà đầu tư cá nhân mua khoảng 5,2%. Bộ này cũng cho biết, các đợt phát hành có lãi suất bình quân 7,41%/năm, kỳ hạn trung bình 3,78%/năm.

An toàn khi đầu tư trái phiếu ngân hàng?

Theo giới phân tích tài chính, các ngân hàng đẩy mạnh phát hành trái phiếu trở lại là nhằm tăng vốn cấp hai để đáp ứng chuẩn Basel II và Basel III. Đồng thời, việc phát hành trái phiếu được đẩy mạnh trong bối cảnh tăng trưởng tiền gửi ở mức thấp và tăng trưởng tín dụng bắt đầu tăng tốc.

Theo báo cáo của NHNN, tăng trưởng tín dụng tăng tốc từ mức 3,4% so với đầu năm vào cuối tháng 5 lên 6,0% vào cuối tháng 6 trước khi giảm trở lại còn 5,3% tại ngày 17/7. Mặc dù có chậm lại trong tháng 7/2024, song tín dụng được dự báo cải thiện dần trong những tháng tới ở mùa kinh doanh cao điểm.

Ngoài ra, trong môi trường lãi suất thấp, ngân hàng cũng có động lực để phát hành trái phiếu mới nhằm cơ cấu lại các lô trái phiếu có lãi suất cao đã phát hành trong các năm trước. Điều này lý giải vì sao ngân hàng vừa là nhóm dẫn đầu phát hành mới, đồng thời cũng là đơn vị chủ yếu mua lại trái phiếu đã phát hành.

Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển nhận định, trái phiếu ngân hàng là một kênh đầu tư an toàn, hiệu quả nếu so với lãi suất gửi tiết kiệm thông thường ở thời điểm hiện tại. Hiện lãi suất gửi tiết kiệm kỳ hạn trên 12 tháng của ngân hàng thương mại nhà nước khoảng 4,7%/năm, các ngân hàng thương mại cổ phần khoảng 5-5,5%/năm.

Việc phát hành trái phiếu kỳ hạn dài trong bối cảnh mặt bằng lãi suất thấp như hiện nay là phù hợp với ngân hàng. Theo đó, các nhà băng có thể hạn chế bớt rủi ro gia tăng về chi phí vốn đầu vào khi lãi suất đang có xu hướng tăng trở lại.

Theo báo cáo của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) tổng hợp từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tính đến ngày công bố thông tin 12/7/2024, có 5 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong tháng 7 năm 2024 được ghi nhận với tổng giá trị đạt 6.420 đồng. Trong đó, có tới 6.400 tỷ đồng trái phiếu phát hành đến từ các ngân hàng (chiếm 99,6% tổng giá trị), còn lại 20 tỷ đồng trái phiếu đến từ mảng chứng khoán (Công ty cổ phần Chứng khoán Dầu khí).

Lũy kế từ đầu năm, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp được ghi nhận là 149.677 tỷ đồng. Trong đó, có 10 đợt phát hành ra công chúng, trị giá 11.378 tỷ đồng (chiếm 7,6% tổng giá trị phát hành) và 140 đợt phát hành riêng lẻ, trị giá 138.300 tỷ đồng (chiếm 92,4%tổng số).

Các doanh nghiệp đã mua lại 8.708 tỷ đồng trái phiếu trong tháng 7. Tính từ đầu năm đến nay, tổng giá trị trái phiếu đã được mua lại trước hạn đạt 85.742 tỷ đồng, giảm 32,1% so với cùng kỳ năm 2023. Ngân hàng là nhóm ngành dẫn đầu, chiếm khoảng 64,5% tổng giá trị mua lại trước hạn (tương ứng khoảng 55.278 tỷ đồng).

Các chuyên gia VIS Rating dự báo, khối ngân hàng sẽ tiếp tục tăng mạnh phát hành trái phiếu trong năm 2024. Quy định chặt chẽ hơn về tỷ lệ vốn giải ngân cho vay trung và dài hạn sẽ thúc đẩy ngân hàng phát hành trái phiếu nhiều hơn để bổ sung cơ cấu nguồn vốn dài hạn. Đồng thời, trong môi trường lãi suất thấp, ngân hàng sẽ có động lực để mua lại và phát hành trái phiếu có lãi suất hấp dẫn hơn.

Đối với trái phiếu doanh nghiệp, theo VIS Rating, rủi ro trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã đạt đỉnh và bắt đầu giảm dần. Một chu kỳ phát triển mới, an toàn hơn, lành mạnh hơn đã mở ra. Tổng quy mô lưu hành dần ổn định nhờ lượng phát hành mới hồi phục.

Theo chuyên gia này, cần gấp rút tháo gỡ khó khăn về pháp lý cho các dự án bất động sản, đưa các dự án này đi vào hoạt động để giảm áp lực vốn cho doanh nghiệp. Đồng thời, cần có cơ chế thúc đẩy phân khúc nhà giá rẻ, nhà ở xã hội để giải bài toán vốn cho thị trường bất động sản.

Tin bài liên quan