Trong nửa đầu năm 2019, Techcombank có tổng dư nợ cho vay 182.800 tỷ đồng, trong đó nợ xấu 3.300 tỷ đồng, tương đương 1,8% tính đến cuối tháng 6/2019. Riêng nợ xấu trong mảng ngân hàng bán lẻ chiếm 2.100 tỷ đồng, cao hơn mức 1.600 tỷ đồng của cả năm 2018. Tuy nhiên, lãnh đạo Techcombank khẳng định, sẽ tiếp tục thúc đẩy mảng ngân hàng bán lẻ.
Bà Lê Thị Bích Phượng, Giám đốc khối dịch vụ ngân hàng và tài chính cá nhân Techcombank cho biết, hiện mới có khoảng 35% dân số Việt Nam tiếp cận các dịch vụ ngân hàng, trong khi thu nhập của người dân đang ngày một cải thiện. Vì vậy, Techcombank đánh giá, bán lẻ vẫn là lĩnh vực tiềm năng tại Việt Nam, nên Ngân hàng sẽ tiếp tục đẩy mạnh mảng này.
Ngoài cho vay mua nhà được xem là thế mạnh, Techcombank sẽ đi sâu vào các lĩnh vực khác như hàng không, du lịch, xe hơi… Techcombank cho rằng, tỷ lệ nợ xấu mảng bán lẻ đã được Ngân hàng tính toán vào lãi suất thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ. Mức này khá cao so với các khoản vay có tài sản đảm bảo.
Còn hoạt động cho vay mua nhà có mức nợ xấu thấp nhất, nhưng dư nợ chiếm tỷ trọng lớn trong tổng dư nợ. Khoảng 62.000 tỷ đồng dư nợ cho vay mua nhà của Techcombank nằm ở hoạt động cho vay mua nhà ở, nhưng cũng chủ yếu gắn với các dự án có liên kết của Vingroup.
Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2019 cho thấy, Techcombank đạt tổng doanh thu 8.658 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó thu nhập từ lãi đạt 6.483 tỷ đồng, tăng 28% và thu nhập ngoài lãi 2.174 tỷ đồng, giảm 3% so với cùng kỳ 2018. Trừ đi các chi phí, Techcombank lãi trước thuế hơn 5.662 tỷ đồng.
Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) đạt 1.820 tỷ đồng lãi trước thuế 6 tháng đầu năm 2019, tăng 58% so với cùng kỳ năm 2018. Doanh thu đạt 3.662 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ năm trước, trong đó thu nhập ngoài lãi tăng 68%, chiếm 20% tổng doanh thu.
Sở dĩ VIB có mức tăng trưởng về nguồn thu ngoài lãi mạnh những năm gần đây là do Ngân hàng có tốc độ tăng trưởng bán lẻ cao và cạnh tranh. Mảng cho vay bán lẻ 6 tháng đầu năm nay của VIB tăng 21%. Dư nợ cho vay ngân hàng bán lẻ chiếm 78% tổng danh mục cho vay của nhà băng này.
Hai sản phẩm cho vay chủ lực của VIB là cho vay mua nhà ở và cho vay ô tô đạt tăng trưởng 19% và 23% trong 6 tháng đầu năm (năm 2018 đạt tốc độ tăng trưởng tương ứng là 45% và 59%). Bên cạnh lĩnh vực cho vay, VIB còn được đánh giá là ngân hàng dẫn đầu xu hướng phát triển thẻ tín dụng tại Việt Nam.
Tại Nam A Bank, tính đến ngày 30/6/2019, lợi nhuận trước thuế của Nam A Bank đạt 442 tỷ đồng, bằng 55% kế hoạch năm 2019 và tăng hơn 36% so với cùng kỳ năm 2018. Tổng tài sản Ngân hàng đạt hơn 83.000 tỷ đồng, tổng dư nợ gần 60.000 tỷ đồng. Nam A Bank đặt trọng tâm phát triển bền vững, hiệu quả, chú trọng bán lẻ để gia tăng nguồn thu từ dịch vụ. 6 tháng đầu năm 2019, Nam A Bank đã khai trương và đưa vào hoạt động thêm 23 đơn vị kinh doanh mới, nâng tổng số điểm giao dịch toàn hệ thống 93 điểm. Dự kiến, con số này sẽ tiếp tục tăng lên 103 để đẩy mạnh việc bán lẻ.
Ông Trần Ngọc Tâm, Tổng giám đốc Nam A Bank cho biết, hoạt động kinh doanh của Nam A Bank tăng trưởng tốt trong nửa đầu năm 2019. Cùng với đó, chiến lược “số hóa” ngân hàng và gia tăng sự hiện diện tại các địa phương trọng điểm cũng gặt hái được những thành quả tích cực.
Ðối với Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), việc nâng tỷ trọng tín dụng bán lẻ giúp MB cải thiện lợi suất sinh lời. MB đã được nới room tăng trưởng tín dụng từ 13% lên 17%, nửa đầu năm dư nợ của MB tăng 11%. VCBS nhận định, MB còn nhiều dư địa tăng trưởng tín dụng và huy động vào nửa cuối 2019 khi tỷ lệ chỉ số huy động/cho vay (LDR) và hệ số an toàn vốn (CAR) của Ngân hàng vẫn trong tầm kiểm soát.
6 tháng đầu 2019, MB đạt tổng thu nhập hoạt động 11.612 tỷ đồng, tăng 28,6% so với cùng kỳ năm trước. Thu ngoài lãi đạt 3.082 tỷ đồng, tăng 38%. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đạt 1.813 tỷ đồng, tăng 85,6%, trong đó 57% đến từ hoạt động bảo hiểm và 20% tỷ trọng đến từ dịch vụ thanh toán.