Vietbank dành 500 tỷ đồng cho doanh nghiệp mới vay ưu đãi. Theo đó, từ nay đến cuối năm, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, thương mại và dịch vụ sẽ được vay vốn với lãi suất từ 7%/năm.
Đồng thời, Vietbank còn cho vay USD với lãi suất 4%/năm dành cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Lãnh đạo VietBank cho hay, đây là các gói hỗ trợ lãi suất nhằm giúp các doanh nghiệp mới có thêm nguồn vốn giá rẻ phục vụ sản xuất - kinh doanh dịp Tết năm nay.
ABBank cũng đang triển khai chương trình tín dụng với hạn mức 2.500 tỷ đồng cho vay khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ, với yếu cầu là doanh thu năm gần nhất đạt tối đa 200 tỷ đồng. Lãi vay cố định trong 3 tháng đầu từ 7,8%/ năm hoặc 6 tháng đầu từ 8,3%/ năm.
Theo ông Phạm Duy Hiếu, Quyền tổng giám đốc ABBank, Ngân hàng cung ứng kịp thời nguồn vốn ưu đãi, tỷ lệ giải ngân cao khi điều kiện tín dụng phù hợp với thực tiễn hoạt động kinh doanh của khách hàng và đa dạng các loại tài sản bảo đảm khi vay.
Tại Nam A Bank, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi, ngân hàng này hợp tác với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) để cấp vốn ưu đãi lãi vay từ 6,5%/năm với các khoản vay dài hạn (36-120 tháng), từ 7,5%/năm với các khoản vay trung hạn (từ 24 tháng đến dưới 36 tháng). Lĩnh vực tín dụng xanh cũng được Nam A Bank ưu đãi lãi vay 7,5%/năm.
“Với mức giải ngân tối đa 85% chi phí hợp lệ, gói tín dụng ưu đãi này sẽ giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể chủ động được nguồn vốn trong đầu tư phương tiện vận tải, máy móc, thiết bị, nhà xưởng..., từ đó nâng cao năng lực hoạt động, mở rộng sản xuất - kinh doanh”, ông Hoàng Việt Cường, Giám đốc Khối Kinh doanh của Nam A Bank thông tin thêm.
Từ nay đến 31/12/2019, ACB triển khai chương trình cho vay hạn mức 5.000 tỷ đồng dành cho khách hàng cá nhân (khách hàng mới và hiện hữu) vay bổ sung vốn lưu động, với lãi suất vay từ 7,5%/năm. Trước đó, vào cuối tháng 7/2019, ACB đã đưa ra gói vay 3.000 tỷ đồng với lãi suất từ 7,5%/năm.
HDBank dành 10.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay ưu đãi cho khách hàng cá nhân, hộ kinh doanh, doanh nghiệp siêu nhỏ từ nay đến 31/12/2019.
Lãi suất vay giảm từ 1-2,5%/năm so với lãi suất thông thường. Chương trình áp dụng cho tất cả khoản vay từ 200 triệu đồng trở lên với tài sản đảm bảo từ bất động sản; ngoại trừ vay cầm đồ, góp vốn, tiêu dùng...
Có thể thấy, mùa kinh doanh cao điểm cận kề, nhu cầu vốn của khách hàng tăng là thời điểm tốt nhất để ngân hàng đẩy mạnh kinh doanh vốn. Thế nhưng, room tín dụng của hầu hết ngân hàng đều không còn nhiều.
Đơn cử, tại OCB, ngân hàng này đặt mục tiêu tăng trưởng dư nợ tín dụng cả năm 2019 là 30%. Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cho hay, Ngân hàng đã sử dụng hết room tín dụng được NHNN cấp đầu năm và tính đến hết quý II/2019, dư nợ đã đạt mức tăng trưởng 20%. OCB đang xin NHNN nới room, song chưa được chấp thuận. Vì thế, Ngân hàng đang nỗ lực thu hồi nợ xấu để có thêm dư địa cho vay.
Tại Vietcombank, tăng trưởng tín dụng 9 tháng đầu năm nay đạt 11,6% - tức hơn 2/3 room được NHNN cấp phép đầu năm (tương ứng hơn 735.000 tỷ đồng).
Tuy vậy, một lãnh đạo cấp cao Vietcombank cho hay, Ngân hàng sẽ không xin tăng room, mà tập trung xử lý nợ xấu, đẩy mạnh nguồn thu từ dịch vụ để gia tăng lợi nhuận.
Với Sacombank, tăng trưởng cho vay đến cuối tháng 9/2019 đạt 290.934 tỷ đồng, tăng 13,1% so với đầu năm nay. Năm 2019, Sacombank được cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng 7%.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng tính đến 24/9/2019 đạt 8,64%. Dư nợ tín dụng tại nhiều nhà băng cũng đã tăng kịch trần được cấp phép từ đầu năm, nhưng không phải ngân hàng nào cũng được nới.
Tính đến nay, NHNN chỉ mới chấp thuận tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng năm 2019 cho ACB, MBBank và Techcombank đều từ 13% lên 17%, VPBank từ 12% lên 16% - cũng là các ngân hàng đã hoàn tất Basel II.
Ngoài ra, có 5 ngân hàng khác cũng đã áp dụng chuẩn này là Vietcombank, VIB, OCB, TPBank và MSB, song đến nay vẫn chưa có thông tin nới room.