VIB ước tính lợi nhuận quý I/2022 tăng 24 - 25% so với cùng kỳ

VIB ước tính lợi nhuận quý I/2022 tăng 24 - 25% so với cùng kỳ

Ngân hàng đẩy mạnh bơm tín dụng để thúc lợi nhuận

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tín dụng quý I/2022 tăng trưởng mạnh, kỳ vọng mang lại lợi nhuận cao cho nhiều ngân hàng.

“Bơm” gần 420.000 tỷ đồng trong 3 tháng

Từ đầu năm 2022 đến nay, các hoạt động sản xuất cải thiện nhanh chóng, xuất khẩu đạt mức kỷ lục và khu vực dịch vụ, trong đó có cả du lịch, hàng không... cũng bắt đầu hồi phục mạnh mẽ. Ngành ngân hàng được coi là huyết mạch của nền kinh tế, nên khi kinh tế hồi phục, ngành này được hưởng lợi, đó là hoạt động tín dụng tăng trưởng khi sức cầu về vốn của khách hàng gia tăng sau một thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Tổng giám đốc Nam A Bank Trần Ngọc Tâm cho biết, khi các chuỗi cung ứng không còn bị đứt gãy vì dịch bệnh và cộng đồng doanh nghiệp khôi phục hoạt động sản xuất - kinh doanh, nhu cầu tín dụng dần được cải thiện. Ngành ngân hàng, trong đó có Nam A Bank đã đưa ra các chương trình tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp trong thời kỳ hậu giãn cách. Cụ thể, Nam A Bank triển khai gói tín dụng có quy mô 30.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2022 - 2025.

Tại MB, tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng từ đầu năm 2022 đến nay ước đạt 10%. Ông Lưu Trung Thái, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc MB cho hay, MB đã được Ngân hàng Nhà nước giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng tạm thời là 15% và kỳ vọng sẽ được nới thêm trong thời gian tới. Năm 2022, MB có kế hoạch tăng trưởng tín dụng 20% và chuẩn bị cho các kịch bản tăng trưởng lợi nhuận ở mức cao. Năm ngoái, tăng trưởng dư nợ tín dụng của Ngân hàng đạt 25%.

Các số liệu thống kê cho thấy, nhu cầu tín dụng của nền kinh tế phục hồi rõ nét. Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tín dụng toàn hệ thống ngân hàng tháng 1/2022 tăng 2,74%, mức cao nhất trong vòng 10 năm qua, sau đó giảm nhẹ trong tháng 2. Đến ngày 25/2/2022, tín dụng tăng 2,52% (VND tăng 2,34%, ngoại tệ tăng 3,96%).

Đáng chú ý, tại TP.HCM, 3 tháng đầu năm 2022, tín dụng trên địa bàn ước tăng 3,65% so với cuối năm 2021 và tăng 13,1% so với quý I/2021. Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM chia sẻ, hoạt động ngân hàng trên địa bàn trong quý I/2022 có nhiệm vụ trọng tâm là thực hiện Chỉ thị 01 của Ngân hàng Nhà nước về những giải pháp tiền tệ, tín dụng và ngân hàng năm 2022 cùng với chương trình phục hồi kinh tế của Thành phố. Tín dụng tăng trưởng trở lại, đáp ứng nhu cầu vốn cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh phục hồi sản xuất - kinh doanh. Trước đó, đến cuối tháng 2/2022, tổng dư nợ tín dụng của các tổ chức tín dụng trên địa bàn TP.HCM ước đạt trên 2,9 triệu tỷ đồng, tăng 2,65% so với cuối năm 2021 và tăng 12% so với cùng kỳ.

Như vậy, bình quân mỗi tháng trong quý I/2022, dư nợ tín dụng của các ngân hàng trên địa bàn TP.HCM tăng hơn 1,2%, riêng tháng 3 tăng 1%. Một số ngành, lĩnh vực có mức tăng trưởng tín dụng cao như công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trên 5%, dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 9,58%, vận tải kho bãi tăng 9,06%, khai khoáng tăng 6% so với cuối năm 2021.

Theo Tổng cục Thống kê, từ đầu năm 2022 đến ngày 21/3, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 4,03%, cao hơn nhiều con số cùng kỳ năm 2021 (1,47%). Được biết, tính đến cuối tháng 12/2021, tín dụng toàn ngành đạt 10,4 triệu tỷ đồng. Như vậy, hệ thống ngân hàng đã bơm ra nền kinh tế gần 420.000 tỷ đồng trong gần 3 tháng đầu năm nay.

Tổng cục Thống kê đánh giá, việc Ngân hàng Nhà nước giữ nguyên mức lãi suất điều hành đã tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng tiếp tục giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ kinh tế phục hồi.

Nhiều công ty chứng khoán dự báo, năm 2022, tăng trưởng tín dụng sẽ đạt khoảng 14 - 15%. Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất tiền gửi có khả năng đã chạm đáy trong năm 2021 nên có thể sẽ nhích tăng trở lại, nhất là vào cuối năm nay.

Ước tính lợi nhuận tăng cao

Tín dụng tăng trưởng tốt đã tác động tích cực lên lợi nhuận ngân hàng quý đầu năm và dự kiến cả năm 2022. Lãnh đạo VIB cho biết, lãi quý I/2022 ước đạt 2.200 tỷ đồng, tăng 24 - 25% so với cùng kỳ và tương đương 21% kế hoạch cả năm. Trong 5 năm tới, VIB đặt mục tiêu mỗi tháng đạt ít nhất 1.000 tỷ đồng lợi nhuận. Kế hoạch năm 2022 của Ngân hàng là đạt lợi nhuận trước thuế 10.500 tỷ đồng, tăng 31,1%; tổng tài sản 402.500 tỷ đồng, tăng 30%; dư nợ tín dụng 265.600 tỷ đồng, tăng 30% (tùy thuộc vào sự phân bổ của Ngân hàng Nhà nước); huy động vốn 280.600 tỷ đồng, tăng 30% so với năm 2021; nợ xấu dưới 3%.

Theo Tổng cục Thống kê, từ đầu năm 2022 đến ngày 21/3, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 4,03%, cao hơn nhiều con số cùng kỳ năm 2021 (1,47%).

MB cho hay, Ngân hàng ước đạt 5.500 tỷ đồng lợi nhuận hợp nhất quý I/2022. Năm nay, MB đặt mục tiêu đạt lợi nhuận 19.800 tỷ đồng. Các công ty con trực thuộc MB cũng kỳ vọng ghi nhận lợi nhuận tích cực trong năm 2022 như Mcredit dự kiến lãi trước thuế 1.200 tỷ đồng, gấp đôi năm 2021; MBS dự kiến lãi 1.100 tỷ đồng, tăng 49%; riêng MBAgeas Life dự kiến lãi 100 tỷ đồng, giảm 64% so với năm 2021.

Công ty Chứng khoán SSI dự báo, năm nay, lợi nhuận trước thuế của MB sẽ tăng 35%, đạt 22.300 tỷ đồng; biên lãi ròng (NIM) ổn định ở mức 5,1%; tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) trung bình là 42 - 44%.

MSB dự kiến, lợi nhuận năm 2022 đạt 6.800 tỷ đồng, tăng 30%; tổng tài sản 230.000 tỷ đồng, 15% so với năm 2021; tín dụng kỳ vọng sẽ tăng 25%.

Ban lãnh đạo MSB tự tin sẽ đạt được mục tiêu trên, với chiến lược đẩy mạnh các mảng thu nhập ngoài lãi, tập trung chuyển đổi số mạnh mẽ để giúp Ngân hàng nâng cao hiệu quả hoạt động, thu hút tiền gửi không kỳ hạn, giảm chi phí vốn và chi phí hoạt động. Ngoài ra, thương vụ bán 100% cổ phần tại Công ty Tài chính FCCOM dự kiến sẽ hoàn tất và hạch toán 2.000 tỷ đồng lợi nhuận cho MSB trong năm 2022.

Nhiều ngân hàng khác tin tưởng lợi nhuận năm 2022 sẽ tăng trưởng tích cực như ACB kỳ vọng thu về trên 15.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, OCB kỳ vọng thu về 7.100 tỷ đồng lợi nhuận...

Lãi suất huy động trong năm 2022 được nhận định sẽ tăng, nhưng ông Ngô Hoàng Hà, Giám đốc cao cấp tài chính doanh nghiệp Techcombank cho rằng, CASA - nguồn vốn giá rẻ không bị ảnh hưởng nhiều, dù về lý thuyết, người có tiền thay vì đầu tư vào các tài sản rủi ro như cổ phiếu, trái phiếu thì họ sẽ chuyển sang phần tiền gửi có kỳ hạn, an toàn hơn và lãi suất cũng tương xứng. Bởi lẽ, mục tiêu chủ yếu của CASA là để giao dịch, chứ không phải để hưởng lãi suất.

Thực tế, năm 2021, CASA tại nhiều ngân hàng đạt trên 30%, riêng tại Techcombank là 50,5% và các nhà băng tiếp tục đặt mục tiêu nâng tỷ lệ CASA. Trong đó, Techcombank đặt mục tiêu CASA giai đoạn 2021 - 2025 đạt 55%. Năm 2021, nhà băng này lần đầu tiên đạt lợi nhuận trước thuế 1 tỷ USD và lên kế hoạch lợi nhuận năm nay tăng 20 - 25%. Tại VPBank, ngân hàng dự kiến tăng trưởng dư nợ tín dụng 18 - 20% tính riêng tại ngân hàng mẹ và tỷ lệ CASA tăng lên 23 - 27%.

Công ty Chứng khoán ACB cho rằng, động lực tăng trưởng lợi nhuận của ngành ngân hàng trong năm 2022 sẽ đến từ hai yếu tố là tăng trưởng tín dụng ở mức cao và áp lực trích lập dự phòng không còn lớn như trong năm 2021. Tăng trưởng tín dụng toàn ngành dự báo đạt 15%, cao hơn so với mức 13,53% năm ngoái. Tuy nhiên, yêu cầu giảm lãi suất cho vay từ Ngân hàng Nhà nước sẽ làm hạn chế tăng trưởng thu nhập lãi thuần của các ngân hàng.

Tin bài liên quan