Sacombank đang áp dụng mức lãi suất dao động 8 - 10%/năm đối với khách hàng DN và 11 - 14%/năm với khách hàng cá nhân.
Ứ vốn
Tín dụng toàn ngành ngân hàng vừa được Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) Nguyễn Thị Hồng cho biết, tính đến ngày 12/12 mới tăng 8,83% so với cuối năm 2012. Qua đó cho thấy, mặc dù lãi suất đã nỗ lực cắt giảm, song tín dụng vẫn khó.
Hiện một số ngân hàng lớn đang ứ đọng vốn, không thể giải quyết đầu ra, nên đã cho cả khách hàng cá nhân cầm cố sổ tiết kiệm với lãi suất chỉ 8%/năm.
Vì thế, đã có tình trạng khách hàng đang gửi tiết kiệm của nhà băng vừa và nhỏ đem sổ tiết kiệm sang thế chấp ở ngân hàng lớn vay vốn, sau đó cầm tiền về ngân hàng nhỏ gửi lãi suất 9%/năm. Với giải pháp này, ngân hàng lớn giải quyết được đầu ra, nhà băng nhỏ bổ sung thanh khoản dồi dào và người gửi tiết kiệm cũng có thể kiếm lãi nhiều hơn.
“Nguồn thanh khoản của ngân hàng hiện nay khá dồi dào, nhưng để đẩy mạnh cho vay ra trong bối cảnh hiện nay là rất khó.
Do đó, lãi suất cho vay giảm mạnh cũng chưa hẳn đẩy được tín dụng tăng nhanh”, Tổng giám đốc OCB Trần Đình Tùng nói và cho biết, tăng trưởng tín dụng của OCB đến cuối tháng 11 chỉ mới đạt mức 9% và khả năng những ngày còn lại của năm cũng tăng không nhiều.
Theo lãnh đạo các nhà băng, không dễ giải ngân được vốn vay trong thời điểm này, bởi DN tốt vẫn chưa muốn vay tiền ngân hàng để mở rộng đầu tư sản xuất - kinh doanh, trong khi khách hàng chấp nhận vay lãi suất rất cao thì ngân hàng lại không dám trao vốn do e ngại rủi ro nợ xấu.
Chẳng hạn, tại Eximbank, lãi suất cho vay tiền đồng được chào đối với DN lĩnh vực xuất nhập khẩu từ 6,5 - 8%/năm và 3,5 - 4%/năm nếu vay bằng ngoại tệ. Tuy nhiên, dư nợ tín dụng đến cuối tháng 11/2013 của Eximbank mới chỉ tăng xấp xỉ 10% và khả năng con số này ít thay đổi đến cuối tháng 12. Trong khi, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng Eximbank đưa ra cho cả năm nay là 15%.
Ngân hàng có phá giá lãi suất?
Cuộc cạnh tranh tìm khách hàng tốt để cho vay không phải đến thời điểm này mới bắt đầu nóng, mà theo ông Phan Huy Khang, Tổng giám đốc Sacombank, ngay từ những tháng đầu năm 2103, khi tình hình tăng trưởng tín dụng khó khăn, các ngân hàng buộc phải giảm mạnh lãi suất cho vay. Đối với DN, hiện Sacombank chỉ áp dụng mức lãi suất dao động 8 - 10%/năm đối với khách hàng DN và 11 - 14%/năm với khách hàng cá nhân.
Tại Eximbank, ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch Ngân hàng cho biết, chênh lệch giữa lãi suất đầu vào và đầu ra chỉ còn 1 - 1,5%. Nguyên nhân là Eximbank phải giảm lãi suất vay xuống mức đáng kể. Tuy nhiên, theo ông Dũng, nếu không giảm mạnh lãi suất cho vay thì ngân hàng rất khó có thể giải quyết được đầu ra, trong khi gửi vốn trên thị trường liên ngân hàng thì lãi suất rất thấp và nhu cầu của các ngân hàng cũng ít.
Thậm chí, để giải quyết bài toán đầu ra, tăng dư nợ làm đẹp con số trong báo cáo, các ngân hàng còn tiếp tay cho DN “đảo nợ” khoản vay ở ngân hàng khác có lãi suất 8 - 10%/năm để chuyển hồ sơ tín dụng về ngân hàng mình lãi suất cho vay còn 6 - 7%/năm, cho dù tài sản thế chấp của DN không còn nhiều.
Nhìn nhận về việc giải mạnh lãi suất, lãnh đạo một nhà băng nhỏ có trụ sở tại TP. HCM cho rằng, nếu điều này có thể giải quyết được đầu ra của tín dụng cũng là điều cần làm, còn hơn cho vay lãi suất cao, nhưng rủi ro nợ xấu gia tăng.
Cũng theo vị lãnh đạo nhà băng trên, trước đây, khi các ngân hàng đẩy mạnh lãi suất cho vay lên cao, chính NHNN cũng đã thanh tra, xử phạt. Sau đó, NHNN kêu gọi các ngân hàng điều chỉnh giảm dần lãi suất cho vay để chia sẻ khó khăn cùng khách hàng, nhất là với các DN trong bối cảnh tồn kho tăng, sức mua yếu lãi suất phải giảm kịch trần. Việc NHNN ban hành Công văn số 9312, chỉ đạo các NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố tăng cường tranh tra tình trạng cho vay lãi suất thấp, phải chăng NHNN đang đi ngược lại với chủ trương kêu gọi giảm lãi suất cho vay lâu nay?
Trao đổi với ĐTCK, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN TP. HCM cho biết, chỉ đạo kiểm tra, thanh tra lãi suất cho vay của NHNN theo công văn số 9312/NHNN chủ yếu là thanh tra việc cạnh tranh không lành mạnh về lãi suất cho vay, chứ không phải thanh tra việc ngân hàng cho vay lãi suất thấp.
Ông Minh nhìn định, việc ngân hàng cho vay dưới giá vốn là không dễ. Nếu ngân hàng cho vay lãi suất rẻ, sẽ có các dịch vụ kèm theo để có thể bù đắp chi phí giá vốn, chứ không thể huy động chi phí cao mà lại cho vay ra lãi suất thấp.
Về vấn đề phá giá lãi suất cho vay, một số chuyên gia trong ngành cho rằng, cần xem xét cả 2 mặt là khoản vay ngắn hay trung hạn và khách hàng vay là đối tượng nào? Lãi suất cho vay đã được điều chỉnh giảm mạnh, song không phải khách hàng nào cũng tiếp cận được vốn rẻ. Lãi suất cho vay thấp hơn trần huy động 7%/năm tại OCB cũng chỉ được Ngân hàng áp dụng trong một thời gian ngắn và sau đó sẽ điều chỉnh dần.